Giải pháp chống ùn tắc giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) Ảnh : QUANG QUÝ

Quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao Phát huy thành quả đã đạt được những năm trước, sáu tháng đầu năm nay, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đạt kết quả cao hơn.Tuy nhiên, tai nạn giao thông xảy ra vẫn còn nhiều. Trong sáu tháng đầu năm, đã xảy ra 495 vụ tai nạn, làm chết 421 người, làm bị thương 262 người ( tăng 0,41% về số vụ, gần 2% về số người chết và hơn 37% về số người bị thương). Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng tăng lên. Đã xảy ra 24 vụ ùn tắc giao thông kéo dài từ 30 phút trở lên, cao hơn chín vụ so với cùng kỳ năm 2010. Trên thực tế hằng năm, số vụ ùn tắc giao thông dưới 30 phút trên địa bàn thành phố lên đến hàng nghìn vụ. Nếu như trước đây, tình trạng kẹt xe thường diễn ra vào giờ cao điểm và ở một số điểm nhất định thì giờ đây ùn tắc giao thông đã lan ra hầu như khắp nơi và vào bất cứ giờ nào vào ban ngày. Rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông bất chấp luật giao thông, ngang nhiên vi phạm các lỗi cơ bản như: giành đường, phóng nhanh, vượt ẩu, đổi hướng bất ngờ, tránh vượt không đúng quy định, không chấp hành các biển báo, đi ngược chiều, lưu thông lấn phần đường... Trong khi đó, cơ quan quản lý giao thông phân luồng giao thông trên nhiều tuyến chưa hợp lý. Việc tái lập mặt đường cẩu thả của một số đơn vị thi công cũng như tình trạng ngập nước các tuyến đường cũng là nguy cơ gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông do quá mỏng, cho nên thường đến chậm khi xảy ra các vụ ùn tắc giao thông. Một nguyên nhân khác là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn phổ biến. Một số đầu cầu bị chiếm dụng làm nơi họp chợ. Nhiều trường học đóng trên những tuyến đường giao thông chính nên rất dễ xảy ra tình trạng kẹt xe khi phụ huynh tập trung chờ đưa đón con em. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa làm cho công tác trật tự an toàn giao thông ở thành phố chưa đạt hiệu quả cao là do sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. TP Hồ Chí Minh là nơi có số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhất nước. Trong sáu tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã đăng ký mới cho 13.998 xe ô-tô và 180.368 xe mô-tô, gắn máy, nâng tổng số phương tiện hoạt động trên địa bàn lên 5.176.298 xe (trong đó có 469.872 xe ô-tô và 4.754.987 xe mô-tô, gắn máy). Ngoài ra trên đường phố, hằng ngày có hàng chục nghìn lượt xe các loại đăng ký ngoài thành phố qua lại. Phương tiện vận tải hành khách công cộng, hiện nay chủ yếu là xe buýt chưa thu hút nhiều hành khách, chỉ đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong khi đó cơ sở hạ tầng, kỹ thuật giao thông tuy được cải thiện nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông, nhất là xe gắn máy. TP Hồ Chí Minh có gần 3.900 con đường với chiều dài khoảng 3.600 km. Tuy nhiên 70% trong số đó có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7m. Mật độ đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ đạt khoảng 1,8 km/km2. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là có tới hơn 4.300 nút giao thông, trong đó chỉ có 16 nút là khác mức (có cầu vượt), còn lại là đồng mức, nguyên nhân hàng đầu làm cản trở giao thông và tiềm ẩn những vụ ùn tắc giao thông. Chữa trị tận gốc "bệnh kẹt xe" Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Gần đây, ngày 14-5-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 25 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 về việc thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên theo chúng tôi, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông như một căn bệnh cần phải được "xử lý triệu chứng" để giảm "cơn sốt" trước mắt đồng thời phải được chữa trị tận gốc để khỏi bệnh về lâu dài. Nhóm giải pháp "xử lý triệu chứng" được coi là các giải pháp tình thế, có thể triển khai ngay, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả tức thì. Nhóm này nhằm vào hai đối tượng: người điều khiển phương tiện giao thông và các điều kiện kỹ thuật, dịch vụ phục vụ việc đi lại. Đối với người điều khiển phương tiện giao thông, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục người dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Để người điều khiển phương tiện chấp hành tốt hơn luật lệ giao thông đòi hỏi các lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt nặng và chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh và hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật, dịch vụ trên đường nhằm phục vụ việc đi lại an toàn, thuận lợi hơn. Chính quyền các quận, huyện, phường, xã cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát, trật tự xử lý nhanh chóng, kịp thời và nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình lấn chiếm lòng lề đường. Nhóm giải pháp căn bản, lâu dài nhằm chữa trị tận gốc căn bệnh ùn tắc giao thông là làm giảm phương tiện giao thông lưu thông trên đường đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Để giảm phương tiện lưu thông trên đường, cần tiến hành đồng thời hai việc: vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chủ yếu là xe gắn máy để sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, trước mắt là xe buýt. Đầu tháng 7 vừa qua, được sự đồng ý của UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố đã triển khai thực hiện kế hoạch vận động người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, phấn đấu tăng số lượng người dân đi xe buýt lên 15% vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020. Thành phố đang triển khai các dự án vận tải công cộng khối lượng lớn như: hệ thống xe điện ngầm, xe điện mặt đất, xe điện một ray... Ngành giao thông vận tải thành phố cũng sẽ tích cực khai thác hệ thống đường sông vào việc phục vụ việc đi lại của người dân, nhằm giảm tải cho đường bộ. Về lâu dài, để giảm mật độ xe cộ đi lại trên đường, thành phố cần có giải pháp dãn mật độ dân ở trung tâm bằng cách xây dựng các đô thị vệ tinh, di dời các cơ sở sản xuất, các trường đại học ra ngoài vùng ven hoặc ngoại thành, hạn chế xây chung cư cao tầng tại trung tâm... Trong các nhóm giải pháp cơ bản thì giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với vùng TP Hồ Chí Minh được coi là "phương thuốc" đặc trị. Theo chỉ tiêu thành phố đề ra, đến năm 2015 sẽ có thêm 210km đường và 50 cây cầu được đưa vào sử dụng, đưa mật độ đường giao thông lên 1,87 km/km2 vào năm 2015 và 2,17 km/km2 vào năm 2020. Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,18% vào năm 2015 và 12,2% vào năm 2020. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các đường vành đai, đường xuyên tâm theo quy hoạch phát triển giao thông thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt các quận, huyện cần phải đẩy mạnh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng các công trình trọng điểm như: mở rộng tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, đường liên tỉnh lộ 25B, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nút giao thông Gò Dưa, nút giao thông tại cổng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang như: Đại lộ Đông - Tây, đường Bến Vân Đồn, đường hai bên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mở rộng xa lộ Hà Nội và các cầu: Rạch Chiếc, Rạch Tra, Phú Long... Tuy nhiên, theo chúng tôi, bên cạnh việc đầu tư phát triển các tuyến đường mới, thành phố nên ưu tiên xây dựng một số cầu vượt tại những ngã tư, giao lộ thường xảy ra ùn tắc giao thông như: Hàng Xanh, Cây Gõ, Thủ Đức... nhằm tạo ra các nút giao thông khác mức. Biết rằng xây dựng một cầu vượt tốn kém hàng nghìn tỷ đồng nhưng đây chính là "nút thắt" cần tháo gỡ đầu tiên. Để hạn chế các phương tiện cá nhân, cần khuyến khích đi xe buýt bằng cách cải thiện chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ, đồng thời tạo ra sự thuận tiện cho người đi xe buýt. Nên tổ chức các điểm giữ xe miễn phí ở gần các trạm xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân. Hạn chế tình trạng đào đường tràn lan. Không để tình trạng cùng một điểm trên đường, đơn vị này vừa hoàn tất lấp mặt đường thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, đơn vị khác lại đào bới lên để thi công một công trình khác! Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở TP Hồ Chí Minh cần được đổi mới sao cho thiết thực, hiệu quả, bớt dàn trải nhằm tập trung vào hai mục tiêu chính là: giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết và kiềm chế được nạn ùn tắc giao thông.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/gi-i-phap-ch-ng-un-t-c-giao-thong-thanh-ph-h-chi-minh-1.305846