Giải mã những truyền thuyết ẩn chứa bên trong Điện Kremlin

Công chúng Nga vốn tò mò rất muốn biết cuộc sống bên trong Điện Kremlin tức Dinh Tổng thống Nga hiện nay ra sao, nhưng có lẽ họ không bao giờ biết được nếu không có ai đó nói ra. Ông Vladimir Shevchenko, trưởng ban lễ tân Điện Kremlin, mới đây đã tiết lộ một số bí mật về những gì được che giấu đằng sau những bức tường của thành trì nổi tiếng này

Điện Kremlin

Điện Kremlin (tiếng Nga có nghĩa là thành trì) do hai anh em nhà kiến trúc Ý Marco và Pietro Antonio thiết kế và xây dựng cho Vua Ivan III (còn gọi là Ivan Đại đế) năm 1485. Với bề dày lịch sử hơn 500 năm, đã có biết bao truyền thuyết và những lời đồn đại về thành trì đặc biệt dành cho vua chúa ở này. Ngay giờ đây, khi Điện Kremlin trở thành một điểm du lịch gần như không thể thiếu thì du khách trong và ngoài nước cũng chỉ được tham quan các giáo đường và nhà bảo tàng nằm trong khuôn viên điện chớ không được vào các cơ quan nhà nước.

Tất cả để bảo vệ tổng thống

Tổng thống (TT) Liên bang Nga hiện nay và các tổng bí thư thời Liên Xô trước đây đều ở và làm việc tại Điện Kremlin. Bảo vệ an ninh cho TT là một trong những mục tiêu hàng đầu. Để làm được điều này, người ta xây dựng từ thời ông Stalin một đường xe điện ngầm bí mật để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp nhằm sơ tán các quan chức cao cấp làm việc trong điện đến một nơi bí mật. Tàu điện chạy trên đường ngầm bí mật này không có những tiện nghi thông thường như các toa tàu điện ngầm chạy trong thủ đô Moskva. Ngoài ra, cũng thời đó dưới căn hộ ông Stalin ở có xây một hầm tránh bom cho lãnh đạo và quan chức trong điện. Khi máy bay Đức quốc xã ném bom dữ dội vào điện năm 1941, nghe nói ông Stalin đã xuống căn hầm này trú ẩn.

Hình ảnh được cho là đường xe điện ngầm bí mật trong điện Kremlin (ảnh: Wikipedia)

Ngoài xe điện ngầm, hầm trú bom, còn có phương án đưa TT ra khỏi điện bằng máy bay trực thăng đến một điểm chỉ huy khác tiếp tục điều hành đất nước khi có biến. Một trong những điểm này là thành phố Samara. Lúc Đức quốc xã tấn công Liên Xô vào đầu thập niên 40, toàn bộ chính quyền Xô Viết được di chuyển từ Điện Kremlin đến thành phố Samara. Thời chiến tranh lạnh, người ta xây dựng thêm nhiều điểm khác, ở nhiều thành phố khác. Trong điện còn có bệnh viện trung tâm được biết dưới cái tên CKB. Thời Liên Xô, đây là nơi điều trị cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô và thượng khách của nhà nước. Trong bệnh viện có bố trí phòng riêng cho TT rộng bằng 3 phòng thường. TT có thể vừa chữa bệnh, vừa làm việc, chủ trì những cuộc họp quan trọng tại chỗ.

Việc đi lại của TT được đội xe 150 chiếc phục vụ 24/24. Đó là xe Mercedes, Zil, Volkswagen, Volvo và những nhãn hiệu khác. Không cần phải nói, lái xe là những tay vừa cừ khôi vừa có tài thiện xạ. Chiếc xe chở TT (có hai chiếc thay nhau) lúc nào cũng được ba xe khác hộ tống. Ngồi bên cạnh lái xe cho TT luôn luôn có mặt trưởng ban an ninh. Sau mỗi chuyến đi, lái xe và ông trưởng ban đích thân xem xét và rửa xe. Việc xem xét xe được thực hiện mỗi ngày đối với tất cả các loại xe. Mỗi tuần xe được đánh bóng một lần. Công việc này đặc biệt chỉ giao cho phụ nữ làm. Mỗi tháng tất cả xe được chạy kiểm tra thử một lần.

Những vật bất ly thân của TT

Trước hết đó là chiếc cặp hạt nhân. Có tất cả 3 chiếc như thế, một chiếc của TT, một chiếc giao cho bộ trưởng quốc phòng giữ và chiếc cuối cùng để ở đại bản doanh quân đội. Mỗi chiếc đều có bao đựng riêng. Chiếc cặp chứa hệ thống đánh trả tức khắc, thông tin cho TT biết ngay mục tiêu tấn công mà kẻ địch nhắm tới, thời gian còn lại sau khi địch phóng tên lửa hạt nhân, tên lửa địch sẽ bị đánh chặn như thế nào, TT có thể còn làm được gì. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp đường dây liên lạc hữu hiệu với những người có trách nhiệm về an ninh và quốc phòng. Chỉ có 3 người ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân: TT, bộ trưởng quốc phòng và tổng tư lệnh quân đội.

Chiếc vali được đồn đoán là vali hạt nhân của Tổng thống Putin (ảnh: Meghdad Maladi)

Chiếc cặp hạt nhân, do hãng Samsonite chế tạo, dày 10 cm, nặng vài ký. Chiếc cặp này luôn ở bên cạnh TT, dù TT đi đâu. Người mang cặp là một chuyên gia về điện tử. Khi TT Putin lái chiếc máy bay cường kích SU-27 hồi mùa xuân năm 2000, có một chiếc máy bay khác bay theo chở người cầm chiếc cặp hạt nhân.

Nếu ai đó muốn nói chuyện với TT hoặc TT muốn nói chuyện với ai đó thì công việc này sẽ được lo liệu như thế nào? Thông thường bộ ngoại giao tổ chức những cuộc điện đàm của TT với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Thí dụ, Bộ Ngoại giao Mỹ liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga hoặc tòa đại sứ Nga ở Washington cho biết TT Bush muốn nói chuyện với TT Putin. Thế là người ta báo lại với bí thư phụ trách ngoại vụ của TT hoặc bản thân TT. Sau đó, TT Putin cho biết thời điểm sẽ nói chuyện với TT Bush. Các chuyên viên sẽ tổ chức cuộc điện đàm và thường xuyên kiểm tra chất lượng cuộc đàm thoại. Các chuyên viên bộ ngoại giao bảo đảm việc dịch thuật từ một phòng riêng. Thỉnh thoảng, các TT sử dụng đến hai phiên dịch mỗi bên, cũng có khi chỉ dùng một phiên dịch.

Còn rất nhiều bí mật khác đằng sau những bức tường Điện Kremlin không được nói ra. Điều này không có gì lạ. Chuyện thâm cung bí sử không thế nào tiết lộ hết.

Ma ở Kremlin

Chuyện ma xuất hiện ở Điện Kremlin được nói đến khá nhiều. Ví dụ, hồn ma Sa hoàng Ivan bạo chúa hay xuất hiện ở lầu chuông Ivan Đại đế. Hoặc có sử sách chép rằng trước khi Sa hoàng cuối cùng Nicolas II đăng quang một ngày, hồn ma của Ivan bạo chúa hiện ra trước mặt ngài và hoàng hậu Alexandra Fedorovna. Đây là một điềm gở.

(Nguồn : Rodnaya gazeta)

Theo Thảo Hương (Người Lao Động/Pravda.ru)

Vntinnhanh thay đổi tiêu đề bài viết gốc

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/giai-ma-nhung-truyen-thuyet-an-chua-ben-trong-dien-kremlin-138225