Giải mã hiện tượng Rodrigo Duterte (Bài 1)

Từ ngày Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức đến nay, thời gian chưa đầy 3 tháng nhưng chỉ bằng ngôn từ ông đã gây hàng loạt rắc rối ngoại giao với các nhân vật lãnh đạo của phương Tây. Theo giới quan sát quốc tế, ý thức căm ghét phương Tây của ông Duterte là do… lịch sử để lại.

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte

Từ học sinh cá biệt trở thành tổng thống

Tổng thống Philippines, Rodrigo Roa Duterte mới đây đã lại nói ra những lời thô lỗ khó nghe về các đối tác quốc tế. Lần này, đối thượng bị chửi mắng là Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân tại thành phố Davao, nơi ông từng làm thị trưởng bảy nhiệm kỳ, ông đã hai lần, dùng tiếng Anh và tiếng Philippines, chửi mắng các lãnh đạo của EU bằng những ngôn từ thô tục, đi kèm với những cử chỉ bằng tay không đẹp mắt. EU không phải là đối tượng đầu tiên bị Tổng thống Philippines mắng chửi trực tiếp và bằng những cách thức rất phản ngoại giao.

Danh sách "nạn nhân" của ông Duterte khá ấn tượng và phát triển mỗi ngày: ông từng gọi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon là đồ ngốc; yêu cầu cấm Giáo hoàng Francis đến Philippines một lần nữa vì “sự có mặt của ông ấy gây ùn tắc giao thông và cản trở sinh hoạt thường ngày của người dân”; gọi Tổng thống Mỹ Obama là "con của gái điếm" (sau đó ông Duterte có giải thích rằng ông đã bị hiểu lầm, cụm từ "con của gái điếm" là ông dùng để gọi tất cả các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chứ không phải tổng thống Mỹ).

Tuy nhiên, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông đã hạ nhục tổng thống Mỹ bằng một từ rất thô lỗ tục tằn khó nghe mà nếu đưa lên mặt báo thì cần phải làm nhẹ đi, giới hạn ở mức độ “đồ khốn nạn”. Cần lưu ý rằng ông Duterte từ khi còn nhỏ đã có khuynh hướng bạo lực, bị xếp vào loại học sinh cá biệt, từng bị đuổi học hai lần vì hạnh kiểm kém. Tuy vậy, cuối cùng thì ông cũng giật được mảnh bằng cử nhân luật và trở thành trợ lý của Tổng chưởng lý thành phố Davao.

Những lời lẽ thô tục mà ông Duterte dành cho một loạt các tổ chức, cá nhân là để đáp lại những chỉ trích của họ nhắm vào chính sách chống ma túy được cho là cứng rắn thái quá của ông, với chủ trương bắn bỏ tất cả những ai nghiện ma túy và buôn bán ma túy mà không cần xét xử. Và không chỉ cảnh sát có quyền thực hiện việc này, mà dân chúng cũng được trao quyền xử các đối tượng ma túy theo kiểu "tòa án Lynch" (hiểu đơn giản là tòa tự phát, có thể hành quyết phạm nhân).

Tuy nhiên, để hiểu được lý do tại sao 91% dân số Philippines ủng hộ chính sách này, trên tổng thể cần phải biết tại sao người Philippines không thích sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của mình, đặc biệt là khi sự can thiệp ấy đến từ phương Tây.

Sự đối đầu khi ngấm ngầm, lúc công khai, giữa Philippines và các nước châu Âu có một lịch sử lâu dài, xuất hiện từ thời kỳ đầu của chủ nghĩa thực dân hồi đầu thế kỷ 16. Chúng tôi sẽ trình bày diễn tiến và kết quả của cuộc đối chọi này, điều gì đã gây nên thái độ căng thẳng, bất bình của tổng thống Philippines trong quan hệ với phương Tây hiện nay.

(Còn tiếp)

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/giai-ma-hien-tuong-rodrigo-duterte-bai-1-484351.html