Giải mã điểm yếu không ngờ của Tổng thống Duterte, từ cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong cuộc gặp ấy, người ta thấy một Duterte ngạo nghễ, mạnh miệng dường như đã biến mất, thay vào đấy là một chính trị gia có phần hơi bồn chồn.

"Kẻ trừng phạt" Duterte xuất hiện trên Tạp chí TIME

Mặc dù chỉ mới nhậm chức được 2 tháng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời chính trị thế giới. Khi Duterte đặt chân tới Lào để tham dự Hội nghị thượng định ASEAN, chính ông chứ không phải người đồng cấp Mỹ Barack Obama hay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới chính là vị nguyên thủ thu hút được sự chú ý của truyền thông.

Mọi con mắt đổ dồn vào nhà lãnh đạo Philippines, người tưởng chừng “quen mà lạ”. Quen là bởi vì ông đã từng khiến cả thế giới dậy sóng với chiến dịch bắn giết đẫm máu chống tội phạm ma túy chưa từng có tiền lệ. Lạ là bởi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay mới là lần đầu tiên ông “chào sân” cộng đồng quốc tế. Duterte sẽ nói gì, chính sách đối ngoại của Duterte ra sao, Duterte sẽ gặp ai,…, vẫn là bí ẩn đối với các đại biểu và quan khách thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Vientiane, ông Duterte đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc gặp ấy, người ta thấy một Duterte ngạo nghễ, mạnh miệng dường như đã biến mất, thay vào đấy là một chính trị gia có phần hơi bồn chồn.

Ông lồng hai bàn tay vào với nhau, nhấp nhổm, trong khi vẻ mặt thể hiện sự lo lắng. Ngôn ngữ cử chỉ này cũng lặp lại trong cuộc gặp gỡ sau đó với Thủ bởi ông đang “khá nổi tiếng ở Nhật Bản”. Trong một đoạn video ghi lại một phần cuộc hội đàm, ông Duterte tiến đến bắt tay nhà lãnh đạo Nhật Bản với dáng đi thiếu tự nhiên, vai căng cứng, cổ rụt vào. Thậm chí, ông còn quên bắt tay với ông Abe trước ống kính của các phóng viên, một cử chỉ ngoại giao thông thường trước khi hai vị nguyên thủ tiến hành trao đổi, trái ngược với phong cách khoan thai, từ tốn của Thủ tướng Nhật Bản.

Duterte hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nguồn: Youtube)

Những ngôn ngữ cử chỉ ấy phần nào đã chỉ ra rằng, cho dù nhà cầm quyền đó đã từng buông lời lăng mạ không từ một ai, từ Giáo hoàng, Liên Hiệp Quốc cho đến Tổng thống Mỹ, ông ta vẫn chỉ là một “tay chơi” nghiệp dư trên sân chơi chính trường thế giới.

Sự thực rằng, bất chấp việc thư ký báo chí của Tổng thống Duterte gọi ông là “nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất ASEAN và cả thế giới,” Duterte có thể nói là người thiếu kinh nghiệm ngoại giao nhất tại một sự kiện ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều “ông lớn” trên nghị trường quốc tế. Đó cũng là nơi đang mà những vấn đề hóc búa nhất đang bao trùm, chẳng hạn tranh chấp Biển Đông. Quả là một thử thách rất lớn cho một người thiếu kinh nghiệm đàm phán, thương lượng mang tầm thế giới như ông Duterte.

Trong nước, ông Duterte nổi lên như một người hùng trong mắt một phần dân chúng với những lời lẽ rất “bình dân” và “bắt tai” về những chính sách có vẻ triệt để chống tội phạm và tham nhũng, những vấn nạn đã làm cho người dân quá mệt mỏi. Tuy vậy, những lời lẽ đanh thép không nể nang lẫn ai e rằng lại khó có thể được sử dụng trong ngoại giao, vốn cần sự cương nhu đúng lúc nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên.

Đáng tiếc, trong lĩnh vực đó, Duterte lại có quá ít kinh nghiệm sau hơn 20 năm liên tục làm thị trưởng của thành phố Davao, thành phố lớn nhất ở Mindanao, nhưng chưa bao giờ nắm một chức vụ ở cấp quốc gia nào và đã thể hiện một sự thiếu quan tâm gần như hoàn toàn đối với các vấn đề chính sách.

Không vị nguyên thủ nào thu hút nhiều sự chú ý tại Hội nghị ASEAN năm nay hơn Duterte (ảnh: AP)

Hội nghị ASEAN cũng có thể coi là một phép thử với Duterte, bởi đây là cuộc nhóm họp đầu tiên của lãnh đạo ASEAN kể từ khi tòa trọng tài ra phán quyết bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước khi Hội nghị ASEAN diễn ra, quan điểm của ông Duterte trong cách xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc biến đổi rất khó lường. Có lúc ông để ngỏ khả năng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp tại biển Đông với Bắc Kinh, nhưng sau đó lại tuyên bố sẵn sàng “đổ máu” nếu Bắc Kinh muốn gây chiến.

Tương tự với Mỹ, ông Duterte không ngần ngại “quăng lựu đạn” vào Mỹ về những bất đồng liên quan đến cung cách tiễu trừ tội phạm ma túy của ông, nhưng nhiều người vẫn còn chưa quên vào tháng 6 vừa qua, ông đã đưa ra những thông điệp bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương với Washington, nhất là trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Căn nguyên dẫn đến chính sách ngoại giao ngẫu hứng của Duterte có thể đến từ chính những suy nghĩ, hành động mang tính bản năng của ông. Trong bài phát biểu hôm 5/9, ngoài việc gọi Tổng thống Obama là “thằng khốn”, Duterte còn đổ lỗi cho Mỹ là nguồn cơn của nhiều vấn đề đối với Philippines, bao gồm tình trạng bất ổn trên hòn đảo Mindanao ở phía Nam (Philippines từng là thuộc địa của Mỹ cho đến năm 1946).

Vấn đề thuộc địa cũng đã được nhà cầm quyền Manila đưa ra để ngầm chỉ trích thậm tệ Mỹ ngay trong bài phát biểu của ông trước các đại biểu và quan khách tham dự Hội nghị ASEAN, trong đó có cả ông Obama. Không ai phủ nhận, đằng sau hình ảnh như một người hùng thô ráp, Duterte là một người rất nhạy cảm. Ông đọc tư liệu về những năm tháng thuộc địa của Philippines dưới sự kiểm soát của Mỹ và hiểu được những bất công, giết chóc mà Mỹ đã gây ra đối với đất nước mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn bốc đồng thiếu kiềm chế của ông.

Duterte mới có hộ chiếu ngoại giao sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống (ảnh: Philstar)

Cho đến nay, những phát ngôn của Duterte vẫn chưa gây tổn hại nghiêm trọng gì cho Philippines, thế nhưng cách hành xử mang tính dân túy cực đoan của ông có thể gây ra nhiều rắc rối trong các thời điểm căng thẳng về ngoại giao, khiến mọi đàm phán trở nên khó khăn hơn. Ở trong nước, những hành động bột phát và táo bạo của ông đã chiếm trọn tình cảm của nhiều người dân, và phong cách này thậm chí đã giúp ông thắng cử. “Vậy tại sao mình phải thay đổi?” Duterte có thể nghĩ như vậy.

Chính sách ngoại giao đầy ngẫu hứng của Duterte đang khiến dư luận quốc tế phải xoay như đèn cù. Rõ ràng, Duterte đang cố gắng xích lại gần Bắc Kinh, tuy nhiên nhà lãnh đạo Philippines vẫn tìm mọi cách duy trì mối quan hệ đồng minh với Washington. Một mặt, dù Trung Quốc ngang nhiên chối bỏ các phán quyết của Tòa trọng tài, chính phủ của Duterte vẫn tỏ rõ mong muốn hợp tác, thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Có thể, chính trị gia đến từ Davao muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để gây sức ép lên Liên Hiệp Quốc cũng như các nước phản đối chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy. Mặt khác, Duterte cần sự hậu thuẫn của Mỹ trên lĩnh vực quân sự trong một nỗ lực nhằm tạo thêm sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Có lẽ, thế giới sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian nữa mới có thể nhận ra Duterte là “anh hùng hay số không” (hero or zero). Bởi lẽ, Hội nghị ASEAN mới chỉ là khởi nguồn cho những cuộc chinh phục sắp tới của “Kẻ trừng phạt” – một nhân vật trong truyện tranh Mỹ mà người ta đã gán cho ông.

Nam Anh

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/giai-ma-diem-yeu-khong-ngo-cua-tong-thong-duterte-tu-cuoc-gap-voi-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-120694