Giải mã cú 'rẽ trái' bất ngờ của Tổng thống Philippines

Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte sẽ chấm dứt tuần tra chung với Mỹ, sẽ thôi mọi cuộc tập trận chung, sẽ đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines, sẽ cắt đứt quan hệ thân thiết với Mỹ? Ông đã dọa như thế!

Binh sĩ Mỹ và Philippines sát cánh trong một cuộc tập trận chung.

"Tôi sắp đưa ra quyết định quan trọng giữa tôi và Mỹ", Tổng thống Duterte gần đây phát biểu. Những lời cảnh báo liên tục kiểu như thế này của ông Duterte tỏ rõ xu hướng xa rời đồng minh lâu năm Mỹ mà nhích lại với "bạn mới" Trung Quốc đang làm Mỹ lo ngại.

"Anh lên kế hoạch tập trận chung. Còn Trung Quốc không muốn điều đó. Tôi thông báo cho anh biết rằng đây sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa Philippines và Mỹ. Cuộc cuối cùng nhé", ông Duterte đã dội gáo nước lạnh vào Mỹ như thế trước thềm cuộc tập trận chung sắp tới giữa 2 đồng minh lâu năm. Cuộc tập trận này đã bắt đầu diễn ra từ hôm 4.10.

Ông Duterte cũng nói trắng ra rằng ông chỉ có 2 lựa chọn: đàm phán hay chiến đấu khi đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Hãng truyền thông ABC dẫn lời ông tuyên bố: "Philippines mà chiến đấu chống lại Trung Quốc thì chỉ có thất bại hoàn toàn. Thế nên chúng tôi đàm phán".

Dẫu lên lãnh đạo Philippines vào thời điểm dường như rất thuận lợi để cùng Mỹ gây áp lực mạnh lên Trung Quốc (ngay trước phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện do Philippines đâm đơn, bác bỏ chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông), ông Duterte lại lãnh đạo Philippines rẽ sang một con đường hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm của ông. Con đường đó đang làm lung lay chính sách quan trọng xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Tổng thống Phililppines, ông Duterte đang xua tay với Mỹ.

ABC dẫn lời nhà phân tích chính trị Richard Heydarian nhận định: "Chỉ một tay ông Duterte đã đủ làm xói mòn chiến lược của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Philippines đã khiến cho Washington giờ đây rất khó để có thể huy động áp lực ngoại giao trong khu vực để gây áp lực lên Trung Quốc trên nền phán quyết của Tòa trọng tài".

Sau những tuyên bố gây sốc, những ngôn từ "khác thường ", những lời nói đi nói lại lắm mâu thuẫn, những thay đổi chính sách 180 độ của ông Duterte, nhiều người đang cho rằng nhà lãnh đạo này dường như đang hành động theo cảm tính.

Nhưng nhiều nhà phân tích không nghĩ như vậy. ASEAN không đồng thuận gây áp lực với Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực. Philippines cũng không thể dựa vào Mỹ để ủng hộ các hành động quân sự trên Biển Đông. Đó là nhận định của chuyên gia an ninh Matthew White, người chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ tại Philippines.

Ông giải thích thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines chỉ áp dụng cho riêng trường hợp phòng vệ, không áp dụng khi Philippines tấn công, cũng không áp dụng cho những lãnh thổ tranh chấp như bãi cạn Scarborough.

Thế là ông Duterte đã bẻ tay lái mà quay sang đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc và cả Nga. Ông muốn thương thảo việc mua vũ khí và đầu tư hạ tầng vào Philippines.

Chính quyền Trung Quốc lập tức hồ hởi ca ngợi chính sách của ông Duterte, gọi đây là bước ngoặc mới, rằng mặt trời sẽ chiếu sáng rực rỡ trong quan hệ 2 nước.

Nhưng Tổng thống Duterte cũng sẽ không thể tách rời Mỹ quá xa. Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2015 cho thấy Philippines là nước ủng hộ Mỹ nhất thế giới. Áp lực từ trong nước sẽ khiến ông phải duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ.

Mỹ đang lo ngại sau một thời gian dài duy trì quan hệ đồng minh ổn định với Philippines. Trong ảnh là Tổng thống Mỹ Barack Obama với người đồng cấp Benigno Aquino khi ông đến thăm Philippines hồi năm 2014. Mối quan hệ đó đang thay đổi kể từ khi ông Duterte lên thay thế ông Aquino.

Nhà phân tích Heydarian nhận xét: "Quân đội Philippines sẽ không thoải mái với việc chấm dứt quan hệ với quân đội Mỹ bằng bất kỳ cách nào, nhất là trong bối cảnh họ mang tư tưởng đối nghịch với Trung Quốc, nước được xem là mối đe dọa an ninh số 1 cho Philippines".

Bởi thế nên theo Heydarian, sẽ khó lòng có chuyện ông Duterte cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ. Nhà phân tích Heydarian nhận định ông đang dùng chiêu bài xa Mỹ, xích lại Trung Quốc để gây áp lực với đồng minh lâu năm của mình.

Heydarian cho rằng sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Philippines từ trước đến nay là quá bé nhỏ nếu đem so với những khoản hỗ trợ bạc tỉ USD mà Mỹ đã đổ cho những nước không phải là đồng minh truyền thống như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Chỉ trong năm 2015, những nước này đã nhận được 60 triệu USD từ Mỹ. Một đối tác tỏ ra quá bền vững, quá chắc chắn, quá đáng tin cậy đôi khi không được chăm chút.

Thế nên sau cuộc tập trận mà ông Duterte tuyên bố là cuối cùng với Mỹ, ông sẽ sangTrung Quốc bàn thảo chi tiết các hợp tác giữa 2 nước. Đây hẳn sẽ là một trong những chuyến công du của một lãnh đạo Philippines được cả thế giới theo dõi sát sao nhất.

Kiều Oanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/giai-ma-cu-re-trai-bat-ngo-cua-tong-thong-philippines-751673.html