Giải mã chiến thắng và thất bại

SGTT.VN - Chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ tại đường 9 thất bại cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi bí ẩn đối với giới quân sự Mỹ. Lần đầu tiên sau 40 năm, những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến dịch, những nhân chứng của Việt Nam và Lào gặp mặt nhau phân tích, nhìn nhận lại chiến dịch này.

Bản Cát (xã Đakrông, huyện Đakrông) thơ mộng và bình yên bên đường 9.

Theo tư liệu về chiến dịch Lam Sơn 719 do trung tâm Lưu trữ văn khố quốc gia Mỹ cung cấp, chiến dịch này huy động một lực lượng tương đương ba sư đoàn và triển khai qua bốn giai đoạn. Giai đoạn 1, chủ yếu do quân Mỹ phụ trách, mục tiêu giải tỏa QL9, đoạn từ Đông Hà đến Lao Bảo. Đồng thời tái chiếm căn cứ Khe Sanh để thiết lập bộ chỉ huy tiền phương của cuộc hành quân. Sau đó, quân đội Việt Nam cộng hòa tiến theo trục QL9 lên đánh chiếm Bản Đông (Lào). Trực thăng vận tải sẽ bốc quân dù từ Bản Đông đổ xuống chiếm Sê Pôn (Lào). Lực lượng thiết giáp sẽ cùng tiến theo trục QL9 lên hợp điểm với lực lượng ở Sê Pôn. Sau khi chiếm được Sê Pôn và phá hủy toàn bộ các căn cứ hậu cần của đối phương ở đây, các đơn vị của quân đội Sài Gòn sẽ quay về phá hủy các căn cứ của đối phương ở A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên – Huế). Cuộc hành quân Lam Sơn 719 dự định kéo dài trong ba tháng, mở màn sau tết Tân Hợi, kéo dài cho tới tháng 5, khi vùng Hạ Lào bắt đầu đón mùa mưa.

Henry Alfred Kissinger lúc bấy giờ tuyên bố rằng: “Cán cân ở Đông Dương đã lệch về phía có lợi cho Nam Việt Nam”. Còn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì nói chắc như đinh đóng cột: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”. Nhưng mới đi được nửa đường, chính quyền Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã buộc phải thừa nhận: “Cuộc hành quân chiến lược Lam Sơn 719 đã bị phá sản đau đớn”. Chiến thắng này của quân, dân ta và quân, dân nước bạn Lào đối với quân đội Mỹ cho đến bây giờ vẫn là điều bí ẩn.

Trung tướng Nguyễn Thành Cung, thứ trưởng bộ Quốc phòng, cho rằng, chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 là thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược. Ông nói: “Cuộc đọ sức quyết liệt không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn diễn ra căng thẳng, gay gắt từng giờ, từng phút ở các cấp chỉ huy, trước hết là ở cấp chiến lược, bộ tham mưu đầu não của hai bên”.

Ngày 29.11, tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 – tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử”. Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng bộ Quốc phòng cho biết, hội thảo có quy mô nhất từ trước đến nay, cũng là lần đầu tiên giới khoa học quân sự nhìn nhận lại chiến dịch lịch sử này nhằm xem xét một cách đầy đủ nhất các khía cạnh nêu trên. Bên cạnh đội ngũ các nhà khoa học quân sự trong và ngoài nước, tham dự hội thảo còn có các tướng lĩnh của Lào và Việt Nam, cùng các cựu chiến binh hai nước láng giềng anh em từng xả thân chiến đấu suốt 52 ngày đêm trong chiến dịch lịch sử này.

Đầu năm 1970, ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức họp hội nghị lần thứ 18 (khóa III) và nhận định, tình hình sẽ diễn biến phức tạp ở Campuchia, đường hành lang vận chuyển chi viện cho Nam bộ và một phần khu 5 có thể bị cắt đứt, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Hội nghị cũng đã đề ra nhiệm vụ tăng cường chi viện cho cách mạng Lào, góp phần cùng quân và dân Lào đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào. Đặc biệt, sau khi quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, bộ Chính trị đã ra nghị quyết nêu rõ: “Mỹ và tay sai sẽ tiếp tục việc chuyển hướng chiến lược trên chiến trường miền Nam nước ta”. Năm 1970, bộ Chính trị tiếp tục nhận định: “Địch sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới, đặc biệt chiến lược của chúng trong mùa khô 1970 – 1971 sẽ là tuyến vận tải chiến lược của ta ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia...”

Theo tướng Cung, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đánh giá sai khả năng của ta rằng, sau tết Mậu Thân 1968, ở miền Nam, lực lượng của ta đã suy yếu không đủ sức mạnh mở các cuộc tiến công lớn. Mặt khác, đánh ra đường 9, chủ lực ở miền Bắc khó có điều kiện tập trung và cơ động kịp thời đến khu vực tác chiến. Bên cạnh đó, kẻ địch đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng tổng dự bị của quân đội Sài Gòn và mở cuộc hành quân vào một chiến trường mà ta đã có sự chuẩn bị...

Các đại biểu dự hội thảo.

Trung tướng Chănsamỏn Chănnhalạt, thứ trưởng bộ Quốc phòng Lào phân tích: “Sau khi thất bại trong cuộc hành quân Ô Đê En (1969) và Kù Kiệt (1970), Mỹ rơi vào thế bị động đối phó trên chiến trường Đông Dương, nhất là khi mở cuộc chiến tranh xâm lược sang Campuchia, tình thế đó càng trở nên nguy ngập đối với Mỹ”.

Tại hội thảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng đông đảo các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, đã đưa ra những phân tích, chứng cứ sống động của cuộc chiến đấu này. Trong đó, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, tiên phong trong chiến đấu của các tổ chức Đảng bộ ở cấp cơ sở, tình đoàn kết gắn bó quân với dân trên tuyến đường lịch sử và tình cảm thiêng liêng giữa hai nước Việt – Lào.

Tôi gặp lại già làng Hồ Mun, 84 tuổi, xã Thuận, huyện Hướng Hóa ở hội thảo. Già làng Hồ Mun chậm rãi kể: “Chuyện gùi đạn dược, tham gia chiến đấu trên tuyến Đường 9 – Nam Lào dù đã qua 40 năm nhưng già làm sao quên được. Đó là niềm vinh dự, là kỷ niệm thiêng liêng của một đời người được tham gia vào chiến dịch lịch sử này”. Vào thời điểm này, Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh phá rất ác liệt. Hơn hai tháng trời bám trụ giữa rừng, đội gùi đạn dược của già làng Mun và bộ đội đã làm việc, chiến đấu với kẻ thù một cách không mệt mỏi.

Ngày nay, cuộc sống của người Vân Kiều, Pa Cô trên tuyến Đường 9 – Nam Lào đã đổi thay như có phép màu. Từ chỗ chỉ quen đốt rẫy trỉa hạt, đến nay bà con đã có những thửa ruộng nước cho năng suất cao, có hàng trăm trang trại gia súc, cây lâm nghiệp với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/năm/trang trại. Hiện trên 60% gia đình đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được xe máy và tivi. Con em Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trở về công tác tại bản làng ngày một nhiều hơn, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Nơi chiến trường ác liệt năm xưa nay mọc lên công trình thủy lợi – thủy điện Rào Quán với vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng đã đi vào hoạt động. Những địa danh như Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo... bây giờ là địa chỉ của các tour du lịch, thu hút hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến thăm và hoài niệm chiến trường xưa. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, đường 9 đã nối liền tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây thành con đường xuyên Á vươn dài, thông thương với các nước trong khu vực và quốc tế...

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/156310/giai-ma-chien-thang-va-that-bai.html