Giải mã các ẩn số Donald Trump với thế giới

Toàn bộ các trang nhất các tờ báo Paris - Pháp đều dành để nói về Donald Trump. Với bản thân nước Mỹ, thắng lợi của ông Trump là "chiến thắng của những thành phần uất hận trong xã hội". Với phần còn lại của thế giới, đây là "Một trận động đất" mở ra "Tương lai vô định", RFI tường thuật.

Trong xã luận ngay trên trang nhất: Le Monde không ngần ngại xem việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống là một "biến cố" quan trọng bởi vì thắng lợi của nhà tỷ phú Donald Trump đang "mở ra một thế giới mới, mà ở đó bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".

Không ai có thể ngờ là cử tri Hoa Kỳ, 8 năm sau khi bầu vị tổng thống da màu đầu tiên vào Nhà Trắng, là ông Barack Obama, ngày 08/11/2016 đã bỏ phiếu cho một ông tỷ phú, "nói dối như Cuội", "không đóng thuế từ 20 chục năm qua, kỳ thị với những người khác màu da, khinh rẻ phụ nữ, không có kinh nghiệm trên chính trường".

Lo ngại "khủng hoảng" trong quan hệ với đồng minh

Về đối ngoại, trong thời kỳ vận động tranh cử, Donald Trump từng có những tuyên bố gây lo ngại cho các nước đồng minh như: chủ trương hợp tác quân sự với Nga chống quân thánh chiến Hồi giáo, bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Le Monde nêu lên câu hỏi: liệu chính quyền Trump sẽ có gây ra khủng hoảng với các đồng minh truyền thống của nước Mỹ là Anh Pháp và Đức, khi biết rằng, chính ông Trump từng tuyên bố "Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là một công cụ đã lỗi thời".

Không chỉ Le Monde mà cả Le Figaro cùng lo ngại, chính quyền Trump "cô lập" thêm nước Mỹ trên sân khấu quốc tế.

Quan hệ giữa Washington với các đối tác lớn như Moscow và Bắc Kinh trong bốn năm tới sẽ đi về đâu? Nếu như Nga "vỗ tay" trước thắng lợi của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, như tựa của bài báo trên Libération cho thấy, thì theo Le Monde, với Liên Hiệp Châu Âu, kết quả bầu cử Mỹ hôm qua là "cú sốc thứ nhì sau Brexit".

Với các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại châu Á, thắng lợi của ông Donald Trump mang vị đắng và lo ngại cho cả Tokyo lẫn Seoul trong lúc Nhật Bảnvà Hàn Quốc trông cậy vào Mỹ để làm đối trọng với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực và trước hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Một nước Mỹ co cụm?

Dưới nhãn quan của giáo sư Dominique Moisi, giảng dạy tại trường King’s College- London, sự kiện ông Donald Trump đắc cử là một "cuộc cách mạng văn hóa" khi ông này đã khuynh đảo được cả một hệ thống chính trị có từ lâu đời. Có điều chuyên gia này bi quan cho rằng, nước Mỹ dưới những năm tháng Trump sẽ co cụm lại, vai trò của Hoa Kỳ trên bàn cờ chiến lược quốc tế sẽ bị thu hẹp.

Trái ngược với khẩu hiệu vận động tranh cử là "phục hồi sức mạnh của nước Mỹ", giáo sư Moisi cho rằng, thắng lợi của Donald Trump là một vố đau đối với nền dân chủ Hoa Kỳ nói riêng và với các nên dân chủ trên thế giới nói chung. Lý do: đây lại càng là cơ sở để giới lãnh đạo nhiều nước như Nga và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay thâu tóm quyền lực.

Nguy cơ chiến tranh thương mại

Riêng trong lĩnh vực thương mại, ẩn số là liệu ông Donald Trump có mở ra những cuộc chiến tranh với các đối tác quan trọng của Mỹ hay không. 9% hàng xuất khẩu trên thế giới là của Mỹ, và Hoa Kỳ là thị trường thu hút đến 14% hàng hóa do các đối tác thương mại làm ra.

Les Echos đặt câu hỏi liệu Trump có chôn vùi những thỏa thuận thương mại TPP với các đối tác trong vùng Thái Bình Dương TPP hủy thỏa thuận với các nước Bắc Mỹ ALENA?

Còn với châu Á, như nhận định của nhà báo Richard Hiault, "Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu của ông Trump" khi ông này đòi đánh thuế 45 % vào hàng nhập từ Trung Quốc. Lại cũng ứng cử viên Donald Trump từng mạnh mẽ lên án Trung Quốc "thao túng đồng tiền, trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh bất hợp pháp, cướp đi công việc làm của người lao động Mỹ, ăn trộm bí mật công nghiệp của Hoa Kỳ".

Vẫn theo Les Echos, trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ dậm chân tại chỗ hay có nguy cơ bị khai tử.

Thắng lợi của sự phẫn uất trong xã hội?

Trở lại với những nguyên nhân đã dẫn tới thắng lợi của ứng cử viên đảng Cộng Hòa, một người có khá nhiều khuyết điểm, tất cả các tờ báo Paris từ tả sang hữu đều coi đây là tiếng nói của những người Mỹ uất hận.

Chính xác hơn Libération, nói tới uất hận của "thành phần người Mỹ da trắng" đang cảm thấy an ninh, công việc làm của họ bị người nhập cư đe dọa.

Theo như quan điểm của giáo sư trường Khoa học Chính trị Paris-Sciences Po, Pap Ndiaye được tờ báo trích dẫn, ngoài lo sợ về cơm áo gạo tiền, thành phần này trong xã hội Mỹ còn cảm thấy họ bị "đe dọa cả về mặt văn hóa và chủng tộc": Từ những thập niên 1960 xã hội Hoa Kỳ đã có nhiều biến chuyển, người nhập cư gốc Á châu hay cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đã có cơ hội thăng tiến. Nhiều người khá thành đạt. Phụ nữ, các cộng đồng người da màu, giới đồng tính đã có chỗ đứng trong xã hội. Số này đã tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của nước Mỹ. Điển hình là Hoa Kỳ năm 2008 lần đầu tiên bầu một ông tổng thống da màu làm tổng thống. Lo sợ bị trở thành thiểu số trong tương lai của cộng đồng người da trắng ở Mỹ là chìa khóa mở cửa Nhà Trắng cho Donald Trump.

Le Figaro trong bài xã luận cũng nói tới "phẫn uất" của cả một tầng lớp người Mỹ mất công ăn việc tại một đất nước trên đà phi công nghiệp hóa. Bên cạnh đó là những ghen tỵ của người Mỹ da trắng khá giả, sống khép kín với thế giới bên ngoài và họ sợ phải chia sẻ nguồn lợi với người từ nước khác tới.

Theo Le Figaro chính sự liên kết của thành phần trung lưu đã dẫn tới thắng lợi của nhà tỷ phú Donald Trump. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, khi mà có tới 1/3 người Mỹ gốc châu Mỹ La Tinh và 12% công dân Hoa Kỳ gốc châu Phi đã bỏ phiếu cho ông Trump.

Báo công giáo La Croix kết luận: Những người không bắt Kịp con tàu kinh tế của Mỹ đã dồn phiếu cho ông Trump, tương tự như tại Anh Quốc tháng 6/2016 những thành phần bị kinh tế châu Âu bỏ rơi, đòi Brexit, tức là chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

"Ẩn số" về vai trò của các mạng xã hội

Nhìn lại cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ 2016, bài báo trên Les Echos thu hút tính tò mò của độc giả: "Nói dối và mạng xã hội, chìa khóa trong cuộc vận động vừa qua".

Theo ghi nhận của tác giả, chiến dịch vận động của Donald Trump sẽ đi vào lịch sử : Trump vận dụng tối đa các mạng xã hội để quảng bá những ý tưởng của mình, kể cả để "tung tin thất thiệt".

Dù khẳng định là 42 % dân Mỹ thất nghiệp – thay vì 5% như các thống kê chính thức, hay phao tin nước Mỹ đón nhận tới 30 triệu người nhập cư chứ không phải là 11 triệu như thực tế, mỗi tin nhắn của ông Trump trên các mạng xã hội đều được thành phần ủng hộ ông ta tin như thật và lại còn truyền tay nhau những thông tin kiểu đó.

Một cựu cố vấn của tổng thống Barack Obama Obama, Van Jones, đã phải nhìn nhận: trong quá khứ Franlin D.Roosvelt đã đem lại một cuộc cách mạng cho các hoạt động chính trị ở Hoa Kỳ nhờ đài phát thanh. Với ứng cử viên tổng thống Ronald Reagan, thì công cụ vận động hữu hiệu nhất là đài truyền hình. Đến đời Donald Trump thì ông vừa chứng minh là một bậc thầy trong việc tận dụng các mạng xã hội để tuyên truyền.

Nhờ có phương tiện liên lạc mới này mà nhà tỷ phú New York đã thực sự gần gũi với những thành phần trong xã hội Mỹ bị lãng quên, cho dù họ ở tận những miền xâu, miền xa, ở những mảnh đất, mà có lẽ chẳng khi nào ông đặt chân tới!

H.Thanh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/giai-ma-cac-an-so-donald-trump-voi-the-gioi-2179146.html