Giải mã biểu tượng văn hóa phần 1: Hình ảnh rùa đội bia có ý nghĩa gì?

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều không ai còn xa lạ với hình ảnh những chú rùa đội trên mình tấm bia đá đặt ở trong văn miếu hay các ngôi chùa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được ý nghĩa tường tận của biểu tượng này.

Tin nên đọc

Phải chăng yếu tố văn hóa đang bị các nhà quảng cáo “phớt lờ” ?

Công Vinh và Văn Hoàn bị ngộ độc vì ăn cá biển

Quảng Ninh: Hiệu quả của hình thức xã hội hóa các công trình văn hóa

Đặc sắc Lễ hội văn hóa dân gian đường phố trong những ngày Giỗ Tổ

Trong văn hóa của người Việt, con rùa là một trong những con vật linh thiêng, nằm trong bộ tứ linh bao gồm: Long, Ly, Quy, Phụng. Trong đó, rùa là con vật tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Mặc dù không phải là con vật của Phật giáo, nhưng rùa cũng là biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo.

Trong một số ngôi chùa ở thời Lý -Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ để đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mồm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. Và hiện tại, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng vẫn đang còn lưu trữ 82 con rùa đội trên lưng mình 82 tấm bia ghi tên của các vị tiến sĩ đỗ đạt thời xưa, như một minh chứng biểu hiện cho nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Rùa đội bia tiến sỹ ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.

Rùa đội bia tiến sỹ ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.

Hình ảnh những rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam như vậy, vốn vẫn được mọi người hiểu rằng điều đó mang ý nghĩa rùa là vật truyền tải thông tin và văn hóa.

Phải chăng sự lí giải trên vẫn còn quá khiêm nhường, chưa bóc tách được hết tầng ý nghĩa ẩn sâu trong đó ?.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Pháp luật Plus đã có buổi trao đổi với GS Trần Lâm Biền, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như : Phật giáo và văn hóa dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt….

Chia sẻ với Pháp luật Plus, GS. Trần Lâm Biền cho biết:

“Để giải thích hình tượng trên, trước tiên phải nói đến ý nghĩa của hình ảnh con rùa đối với văn hóa của người Việt. Con rùa có 2 bộ phận biểu chưng chính đó là phần mai khum khum biểu tượng cho trời, còn phần bụng phẳng tượng trưng cho đất. Bởi vậy, khi trời đất giao hòa, con người sẽ nằm ở giữa. Và phần giữa ấy giống như cái nhà đối với con người, với phần mái là chiếc mai rùa, sàn nhà là phần bụng rùa còn cột nhà chính là phần chân rùa.

Trong đó, con người nằm ở giữa, tức là nằm trong dòng chảy của sinh lực trời đất, mọi sự việc, hoạt động phát sinh, phát triển của con người đều diễn ra ở đây.

Sự tồn tại của con rùa là do âm dương đối đãi, hòa hợp giữa phần mai và phần thân rùa. Bởi vậy, rùa mang trọng trách đội bia.

Nói về tấm bia, nó tồn tại do đi đúng với quy định của trời đất và các tầng vũ trụ. Chán bia và vòng chầu mặt trời là biểu trưng của tầng trên. Còn rùa đóng vai trò ở tầng dưới, sự việc của con người sẽ nằm ở giữa con rùa. Điều đó tạo nên thiên địa nhân hòa. Hay có thể nói, 3 biểu tượng ấy hợp lại tạo thành hình ảnh rùa đội bia, biểu tượng cho sự bền vững.”

Hình ảnh rùa đội bia là biểu tượng cho sự bền vững. Ảnh: internet.

Không chỉ có hình ảnh rùa đội bia, mà trong văn hóa của người Việt có rất nhiều hình ảnh biểu tượng đặc sắc khác, mà đến nay ý nghĩa của chúng vẫn luôn là một ẩn số khiến cho mọi người luôn hiếu kì muốn khám phá.

Pháp luật Plus sẽ cung cấp thêm thông tin để lí giải về một số biểu tượng văn hóa ở những số tiếp theo.

Mời độc giả đón đọc Giải mã biểu tượng văn hóa phần 2: Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa có ý nghĩa gì? trên Pháp luật Plus vào 8h00 ngày 23/5/2016.

Lê My

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giai-ma-bieu-tuong-van-hoa-phan-1-hinh-anh-rua-doi-bia-co-y-nghia-gi-d13886.html