Giải loạn, VPF đau đầu, ai vui?

Đấy là câu hỏi mà lãnh đạo một CLB đặt cho tôi bên ly cà phê sáng qua. Biết trả lời sao nhỉ? Những quan chức VPF và ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc chăng? Chắc chắn là không rồi, vì giải loạn thì đấy chính là những người đau đầu, căng thẳng nhất...

Quá nhiều hình ảnh như thế này ở V.League và Hạng Nhất. Ảnh: Hải Anh

Vậy những quan chức “chóp bu”, đầy tham vọng ở VFF chăng? Về lý thuyết thì cũng không nốt, vì VPF chẳng khác gì “đứa con” của VFF, nên VPF đau một, VFF phải đau mười.

Tuy nhiên, phải lần giở lịch sử để thấy rằng với VFF, VPF không phải là “đứa con” mà tổ chức này tự nguyện khai sinh. Đoạn cuối mùa giải 2011 - một mùa giải cũng loạn tùng phèo bởi công tác trọng tài và những trận cầu liên minh, một nhóm các ông bầu bóng đá đã dựng cờ đứng lên theo lời kêu gọi của “bầu” Kiên, thành lập VPF, thay VFF thực hiện công tác tổ chức, quản lý, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp. Với sự ủng hộ nhiệt thành của dư luận cũng như những cấp quản lý nhà nước khi ấy cùng với thế lẫn lực của những ông bầu là doanh nhân làm bóng đá, VFF không muốn khai sinh VPF cũng không được. Thế cho nên, có thể nói một cách hình ảnh rằng với VFF, VPF là một “đứa con” của hoàn cảnh, một “đứa con” mà dù muốn hay không muốn thì thời điểm ấy họ phải thừa nhận.

Vừa chính thức ra đời, VPF đã đấu mạnh với VFF quanh vụ bản quyền truyền hình V.League. Và cũng kể từ thời điểm ấy nhiều quan chức VPF bỗng trở thành cái gai - một cái gai hóc hiểm - trong mắt không ít lãnh đạo VFF. Thế mới có chuyện hơn một lần VPF “xuôi” thì VFF “ngược”, điển hình nhất là lần Ban tư vấn đạo đức VPF (giờ đã khai tử) đấu tranh đến cùng đòi trừ điểm CLB Ximăng Xuân Thành Sài Gòn sau một trận đấu cuội thì ông Lê Hùng Dũng - lúc đó mới chỉ là Phó Chủ tịch VFF - đã không ngại trách Phó Ban tư vấn đạo đức Nguyễn Văn Vinh là “nhìn nhận và làm việc cảm tính, dẫn đến việc Ban kỷ luật VFF bị ép phải trừ điểm, khiến đội bóng bị trừ điểm tuyên bố giải thể”.

Chưa bàn đến chuyện đúng - sai trong những trách móc như thế này, chỉ cần nhìn cái cách nhân vật quyền lực số 1 của VFF công khai “phê” một ban chức năng của VPF là đủ hiểu thái độ của VFF với đứa con mà mình buộc phải “đẻ” ra là như thế nào.

Bây giờ, khi V.League đang loạn chuyện trọng tài, mà “loạn” nhất là việc ông Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi ngồi vào ghế Phó Ban tổ chức giải, rất dễ gây ra cảnh “tình ngay lý gian”, đến lượt Phó Chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn lên tiếng rằng “đây là một điều không nên diễn ra”. Ông Tuấn còn bảo: “Việc thành lập Ban tổ chức giải là việc của VPF”. Cứ theo cái đà này mà phân tích thì dưới góc nhìn của ông Tuấn, cảm giác như VPF sai rồi, sai ngay từ kết cấu.

Lại một lần nữa không lao vào mổ xẻ chuyện đúng-sai, vấn đề là nếu thấy nó sai, tại sao ông Tuấn trong tư cách một Phó Chủ tịch VFF lại không tìm cách ngăn cản, sửa chữa mà phải đợi tới bây giờ, khi cả làng hùa vào “oánh” trọng tài thì ông mới “góp một tiếng nói”? Một nhà báo cựu trào đã bình luận sự kiện này rất hình ảnh rằng VFF đã “đá bóng” sang VPF, và một nhà báo khác bình luận thêm: “Đá được bóng rồi, người đá bóng có mừng không”?

Ai cũng hiểu quyền điều hành, tổ chức các giải đấu là thuộc về VFF cho đến trước năm 2012, và cái quyền gắn liền với hàng loạt những đặc thù, đặc lợi khác vẫn được xem như là chiếc bánh to là điều mà VFF không muốn mất đi. Nhưng kể từ mùa giải 2012, khi bắt buộc phải khai sinh VPF thì VFF cũng bắt buộc phải nhường lại cái quyền ấy cho VPF.

Bây giờ trở lại với câu hỏi: Nếu giải loạn, VPF đau đầu thì ai vui?

Xin nhắc lại, đây là câu mà một người trong cuộc hỏi tôi. Và thật buồn khi phải nghe câu hỏi ấy. Thôi thì cứ cố mong nó là một câu hỏi phản ánh một thái độ, một góc nhìn không chính xác, bởi câu hỏi mà người hâm mộ bóng đá chân chính chờ đợi phải là: Khi giải loạn, VFF và VPF sẽ đoàn kết, cùng nhau xử lý các vấn đề ra sao?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/giai-loan-vpf-dau-dau-ai-vui-575030.bld