Giải futsal sinh viên 'chất' hơn giải futsal VĐQG?

Những khán đài trống vắng tại giải futsal VĐQG 2016 diễn ra tại Quảng Nam là kết quả của nhiều nguyên nhân. Và ngay cả khi giành vé đến World Cup, futsal Việt Nam cũng chỉ gây được sự chú ý đến người hâm mộ trong khoảnh khắc nhất thời.

Không khí sôi động trên các khán đài của giải futsal sinh viên. Ảnh: Hiếu Lương

Ở giai đoạn 2 Giải futsal VĐQG 2016 diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh Quảng Nam, những người làm công tác tổ chức hi vọng sẽ lôi kéo được khán giả đến sân nhờ hiệu ứng từ việc ĐT futsal Việt Nam giành vé đến World Cup. Nhưng cuối cùng, những gì nhận lại được là hình ảnh các khán đài trống vắng, lác đác một vài CĐV.

Cùng trong thời gian này, môn futsal tại Giải Thể thao Sinh viên Việt Nam 2016 – VUG cũng diễn ra và các địa điểm tổ chức của sự kiện này giống như một thế giới khác nếu so sánh với giải futsal VĐQG.

Theo ghi nhận từ phía BTC VUG, sau vòng bảng, tại riêng khu vực Hà Nội có hơn 5.000 lượt CĐV đã đến sân theo dõi giải đấu. Nếu tính cả khu vực TP.HCM và Đà Nẵng, con số ấy là hơn 11.000. Trong khi đó, phải biết rằng những Nhà thi đấu tổ chức giải như Nhà thi đấu Bách Khoa, Nhà thi đấu Hoàng Mai chỉ có sức chứa tối đa là 1.800 chỗ ngồi.

Ở khu vực Hà Nội, giải đấu thu hút 24 đội bóng đến từ 24 trường Đại học trên địa bàn thành phố. Những trường có hội CĐV mạnh như ĐH Bách Khoa, ĐH Xây dựng thì sinh viên kéo đến sân xem rất đông. Thậm chí những trường ít được biết đến như ĐH Dược, Học viện Chính sách Phát triển cũng khiến những CĐV trung lập phải choáng ngợp vì số lượng và sự cuồng nhiệt trong cổ vũ.

Trong khi đó, công tác truyền thông của VUG cũng rất chuyên nghiệp khi những thông tin, hình ảnh của giải được cập nhật liên tục. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan. Truyền thông tốt cũng góp phần thu hút sự chú ý và lôi kéo khán giả đến sân theo dõi.

'Cơn sốt' futsal Việt Nam đã hạ 'nhiệt'

Cơn sốt đội tuyển futsal giành vé đi World Cup tưởng như sẽ giúp cho môn thể thao này được chú ý hơn nhưng giải VĐQG futsal diễn ra ở Quảng Nam cho thấy các cầu thủ chơi trong nhà thi đấu với những khán đài trống vắng.

Còn đối với công tác tuyên truyền của Giải futsal VĐQG, ngay đến ông Trần Anh Tú, Ủy viên Thường trực VFF, người có tâm huyết rất lớn với bóng đá trong nhà, phải thừa nhận “công tác tuyên truyền cần có sự thay đổi. Mục đích lựa chọn Đà Nẵng, Quảng Nam làm địa điểm thi đấu ở giai đoạn này nhằm phát triển môn futsal nhưng khi công tác tuyên truyền không tốt bên cạnh khán giả không mấy mặn mà khiến mọi thứ đổ bể”.

Không những thế, bất cứ một đội bóng nào cũng cần tự thân xây dựng bản sắc, danh tiếng để thu hút người hâm mộ. Đấy là điều chưa một đội futsal nào làm được. Những CĐV đến sân tại VUG chủ yếu để cổ vũ cho trường mình. Tinh thần thể thao, đặc biệt là bản sắc là thứ lôi kéo được họ đến sân.

Từ sâu xa, mức độ phổ cập của futsal tại Việt Nam còn rất thấp. Chỉ 5 năm trở lại đây, những giải đấu futsal dành cho sinh viên, hay những giải VĐQG mới được tổ chức đều đặn và bắt đầu thâm nhập sâu vào cuộc sống thường ngày. Nếu không có lộ trình cụ thể và rõ ràng, không chỉ CĐV, tấm vé đến World Cup vừa qua sẽ chỉ là khoảnh khắc nhất thời và futsal rồi lại rơi vào khoảng trống trong ký ức người hâm mộ bóng đá Việt Nam như chuyện đã xảy ra trong nhiều năm qua.

Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet/giai-futsal-sinh-vien-chat-hon-giai-futsal-vdqg-n20160413233041261.htm