Giai điệu tự hào tháng 10 tiết lộ người đầu tiên hát 'Câu hò bên bến Hiền Lương'

Đó là nghệ sĩ Văn Hanh, từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam – cha đẻ của TS Nguyễn Thị Minh Thái. TS Minh Thái còn cho biết thêm:“Có nhiều khán giả rất muốn biết mặt ông, nên có lần ông phải ra Nhà Kèn tượng đài Lý Thái Tổ hát. Khi hát ông đã khóc, và ở dưới khán giả cũng khóc như mưa”.

Sau Hiệp định Genève, đất nước chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Trong vòng khoảng 300 ngày (tháng 9/1954 đến tháng 7/1955), đã có hơn 1 triệu người di dân từ hai miền, để lại đằng sau mẹ già, con thơ và những mối tình say đắm. Có rất nhiều ca khúc ra đời trong hoàn cảnh này, chứa đựng nỗi lòng kẻ ở người đi. Từng lời ca câu hát đều như gói ghém nỗi niềm của người nghệ sĩ, nói hộ cái tôi cá nhân của con người với những rung cảm sâu sắc.

Nghệ sĩ Văn Hanh và con gái - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Cũng trong một cuộc hành trình dài đằng đẵng chưa biết ngày về, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã gặp một người đàn ông tên là Phan Đồng, nhân viên trạm đèn Cửa Tùng. Năm 1954, ông Đồng từ biệt vợ con tập kết ra Bắc. Mỗi ngày, ông đều nhìn về phía bờ Nam, nơi có người vợ trẻ và những đứa con thơ trong nỗi nhớ cồn cào gan ruột. Câu chuyện ấy khiến nhạc sĩ Hoàng Hiệp xúc động, viết nên những lời ca từ nhớ nhung của “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bài hát này được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1955. PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái kể, nghệ sĩ Văn Hanh về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được bầu làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài. Cùng năm ấy, ông hát ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ông hát xong, một tạ thư được gửi về trong đó, có rất nhiều lá thư chứa đầy nước mắt. Thính giả chia sẻ rằng bài hát này đụng đến tình tự của sự chia cắt, giai điệu thăm thẳm ở trong lòng người nghe. Sự chia cắt đấy, nó được nói bằng giọng hò bên bờ sông giới tuyến.

TS Minh Thái kể thêm:“Có nhiều khán giả rất muốn biết mặt người thể hiện bài hát này lần đầu tiên, nên có lần nghệ sĩ Văn Hanh phải ra Nhà Kèn tượng đài Lý Thái Tổ hát. Khi hát có khóc, ở dưới khan giả cũng khóc như mưa”.

Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội"

Trong chương trình Giai điệu Tự hào tháng 10, bài hát hát được nhạc sĩ Thanh Phương phối lại bằng một tiết tấu nhẹ nhàng, điểm xuyết thêm những nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn tranh như vẽ nên bức tranh về một bến bờ miền quê xa khuất chân trời luôn trong tim của nhạc sĩ và những người phải xa quê trong thời chiến.

Giai điệu Tự hào tháng 10 với chủ đề “Tình trong lá thiếp” (tên một sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) sẽ là những câu chuyện về sự chia ly, xa cách. Đó cũng là một bản giao hưởng dài được giãi bày qua những lá thiếp “trần trụi” từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam.

Chương trình còn giới thiệu và làm mới lại nhiều ca khúc nổi tiếng một thời như: “Gửi người em gái miền Nam” (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), “Bài ca hi vọng” (Văn Ký), “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc)...

Chương trình diễn ra trên VTV1 lúc 8h tối 29/10/2016.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Am-nhac/Giai-dieu-tu-hao-thang-10-tiet-lo-nguoi-dau-tien-hat-Cau-ho-ben-ben-Hien-Luong/48598.dep