'Giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất với hơn 1.800 tỷ đồng

Để giải quyết tình trạng ngập và kẹt xe nghiêm trọng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM ưu tiên đầu tư 5 dự án lớn với hơn 1.800 tỷ đồng.

"Giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất với hơn 1.800 tỷ đồng

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt mức tăng trưởng hơn 23% với lượng hành khách 15,7 triệu. Dự kiến trong năm 2016, lượng hành khách qua ga sẽ vượt mức 31 triệu gây nên tình trạng quá tải khi công suất nhà ga của Tân Sơn Nhất chỉ đón được 25 triệu hành khách.

Tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất dẫn đến ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay, đặc biệt là đường Trường Sơn luôn kẹt xe kéo dài trong thời gian cao điểm và các dịp lễ, tết.

Để giải quyết tình trạng kẹt xe, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận ưu tiên đầu tư 5 dự án nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường quanh sân bay.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải bên trong, ùn tắc bên ngoài.

Cụ thể, 5 dự án gồm: cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng.

Cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám, đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn nối đường Phổ Quang tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng.

Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội, đoạn giáp sân bay đến đường Cộng Hòa, tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng

Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 143 tỷ đồng.

Xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp (cầu vượt thép dạng chữ Y theo nhánh Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm) với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng.

Trong đó, Sở kiến nghị UBND trình Thủ tướng cho phép TP được tiến hành theo lệnh cấp bách, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các bước lập dự án, khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng đối với dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Giai đoạn hai của dự án sẽ xây hầm chui qua đường Trường Sơn, theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà với chiều rộng 6,5 m, tổng chiều dài hầm 390 m.

Cho phép chủ đầu tư tạm ứng đến 50% giá trị hợp đồng đối với các gói thầu xây lắp để chủ động nhập vật tư sản xuất trước các cấu kiện lắp đặt, đồng thời cho phép tổ chức thi công ngay các hạng mục công trình đã có mặt bằng, song song với việc đền bù giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ.

Đường Trường Sơn ùn tắc nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

Đối với dự án xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, Sở kiến nghị UBND đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao phần đất khoảng 2.300 m2 thuộc lộ giới quy hoạch đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (thuộc khuôn viên Bệnh viện 175); bàn giao khoảng 1.263 m2 thuộc lộ giới đối với dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội.

Theo Sở, các đơn vị chức năng, chủ đầu tư tích cực đang tích cực sớm triển khai các dự án chống ùn tắc cho sân bay. Tuy nhiên, việc thực hiện trình tự, quy định sẽ mất nhiều thời gian trong khi tình hình ùn tắc giao thông khu vực sân bay ngày càng phức tạp.

Do đó, ưu tiên thực hiện các dự án kể trên sẽ tăng cường khả năng thoát xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, phù hợp với kế hoạch cải tạo, mở rộng khả năng đáp ứng của sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới.

Về ngập úng, sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ngập khu vực đường băng, bãi đỗ máy bay trong những cơn mưa lớn gây ảnh hưởng nhiêm trọng đến hoạt động hàng không.

Cụ thể, cơn mưa chiều ngày 26/8 với lượng mưa hơn 149 mm đã gây ngập nước từ 20 - 30cm tại các bãi đỗ 10 đến 14, 51-56 và 24-25. Trận mưa này gây thiệt hại lớn khi có đến gần 70 chuyến bay bị ảnh hưởng, 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay của một số nước trong khu vực.

Tân Sơn Nhất ngập nặng trong cơn mưa chiều 26/8

TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết sân bay Tân Sơn Nhất có thiết kế tốt, rất khó ngập vì trước đây hệ thống thoát nước rất tốt gồm kênh A41, kênh Hy Vọng và kênh Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay các kênh A41, kênh Hy Vọng bị lấn chiếm không thoát nước được còn kênh Nhật Bản đang cải tạo.

"Dù rằng gần đây mưa lớn khá cấp tập nhưng không phải là nguyên nhân chính mà chủ yếu là do lối thoát nước bị chặn nên phải nhanh chóng kiểm tra hệ thống thoát nước, các cửa xả đảm bảo dòng chảy. Do hệ thống cống nằm bên ngoài nên sân bay không thể can thiệp mà chính quyền TP và các quận phải thực hiện mới hy vọng giải quyết được", TS Cương nói.

Trong cuộc họp với UBND TP, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cho biết đang cải tạo kênh Nhật Bản và dự kiến hoàn tất trong tháng 9 với tổng chiều dài hơn 1,2km từ tường rào sân bay đến đường Nguyễn Kiệm được lắp đặt cống hộp đôi.

Còn kênh Hy Vọng sẽ được cải tạo vào năm 2017, dự kiến hoàn tất 2019 với chiều dài hơn 1,8 km, chiều rộng kênh 6-10 m giúp thoát nước cho sân bay.

Hôm nay (16/9) lãnh đạo UBND TP sẽ có cuộc thị sát các vị tri lấn chiếm kênh A41, lập phương án giải quyết tình trạng này triệt để.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/hon-1800-ty-chong-ket-xe-ngap-ung-cho-san-bay-tan-son-nhat-20160915153912116.htm