Giải cứu nông hộ nhỏ dưới góc nhìn doanh nghiệp 'say' nông nghiệp

Vũ Văn Nga bắt đầu câu chuyện trăn trở về nông nghiệp của mình bằng một nhận định: Giai đoạn vừa qua có thể nói sứ mệnh của nông hộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nhưng thời kỳ tới nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển đòi hỏi phải thay đổi vượt bậc như một cuộc cách mạng kiểu khoán 100, khoán 10 thủa trước.

San 50% gánh nặng cho nông dân

Tôi hỏi ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, về một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa cỡ lớn của tỉnh, liền được giới thiệu: “Cậu tìm gặp Vũ Văn Nga - Tổng GĐ Cty CP TCty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình”.

Anh Vũ Văn Nga

Tưởng ai xa lạ hóa ra lại là người quen nhưng khi bị tôi “truy bài” mãi anh mới cười hì hì: “Anh định giấu chú, đợi khi nào thuê sản xuất đủ 1.000ha mới nói. Thôi đã lộ rồi thì anh mời chú cùng xuống cánh đồng ở xã Đồng Phong huyện Nho Quan rộng 60ha để chứng kiến cảnh thu hoạch khoai tây”.

Trong thời gian trên xe, anh Vũ Văn Nga bắt đầu câu chuyện trăn trở về nông nghiệp của mình bằng một nhận định: Giai đoạn vừa qua có thể nói sứ mệnh của nông hộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nhưng thời kỳ tới nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển đòi hỏi phải thay đổi vượt bậc như một cuộc cách mạng kiểu khoán 100, khoán 10 thủa trước.

Nếu đặc trưng nhỏ lẻ trước là tốt thì thời kỳ này thành nguy cơ. Muốn không gạt đội ngũ nông dân ra rìa phải tổ chức lại sản xuất, phải có các doanh nghiệp và các công ty cổ phần HTX dẫn dắt. Chúng ta có khoảng 13 triệu nông hộ đang làm nhiệm vụ sản xuất cho cả nền nông nghiệp Việt Nam với khoảng 3,8 triệu ha đất lúa. Nông dân đang chiếm khoảng 99% “gánh nặng” của sản xuất. Phải làm sao chuyển được 50% “gánh nặng” đó sang các doanh nghiệp, các công ty cổ phần HTX.

Tại sao lại 50%? Tôi chỉ có một ý nghĩ thế này, sau dồn điền đổi thửa mỗi hộ trước có 5 - 7 mảnh giờ chỉ còn trung bình 2 mảnh. Một mảnh cho doanh nghiệp thuê với giá bằng mức lợi nhuận tự làm (90 - 120 kg/sào/năm) mà không phải làm gì nên có cơ hội dành tất cả vật lực, nhân lực, tài lực cho một mảnh còn lại. Hãy tưởng tượng nông dân bây giờ đang phải gánh 1 tạ thì chỉ còn gánh 50kg.

Cánh đồng mới thuê rộng 60ha của anh Nga

Khối lượng công việc ít đi sẽ rút được lao động ra khỏi nông nghiệp để làm nghề khác đối với người còn trẻ còn nếu già sẽ được nghỉ ngơi. Khối lượng công việc ít đi sẽ còn giảm nhiều về chi phí khám chữa bệnh bởi hiện nay những bệnh nguy hiểm như ung thư, đa số bệnh nhân đều là nông dân, là người nghèo thường xuyên tiếp cận với hóa chất, thuốc BVTV độc hại.

Với tình trạng ruộng đồng vẫn còn quá bé nhỏ như hiện nay, người dân không thể đầu tư cơ giới hóa đồng bộ khép kín được vì lực đâu? Mà có lực nữa cũng có đất rộng đâu mà làm? Bởi vậy cho thuê đất là giải pháp tối ưu nhất ở đó, nông dân được hưởng lợi chính (thu nhập cho thuê bằng với thu nhập từ trồng lúa mà không phải bỏ công sức đầu tư và cái quan trọng là không bị mất đất, mất đi cái bảo hiểm trọn đời cho con cháu).

Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi bởi có cơ hội tốt là có đất rộng để đưa cơ giới hóa, đưa những tiến bộ KHKT tiên tiến nhất của thế giới vào sản xuất, giảm giá thành, hình thành nên quy mô hàng hóa lớn, đủ tiêu chuẩn để hội nhập.

Giờ người mua đang quyết định người bán nhưng một khi có sản lượng lớn, chất lượng tốt thì người bán cũng có quyền lựa chọn, quyết định một phần người mua.

Theo tôi lợi thế nhất của Việt Nam so với thế giới vẫn là nông nghiệp bởi những thứ khác chúng ta đều thua xa. Thời gian tới, chỉ cần có cú hích về chính sách là có thể cho ra đời hàng vạn doanh nghiệp nông nghiệp.

Đầu tàu dẫn dắt

Vậy ai là người dẫn dắt cho nông dân bây giờ? Chính là doanh nghiệp và các HTX cổ phần. Hiện nay đang có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp theo dạng công nghệ cao, thuê đất lâu dài, trả tiền 1 lần, đầu tư nhà màng, nhà lưới, số vốn bỏ ra trên một diện tích rất nhiều. Đó cũng là một dạng nhưng kể cả có hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp như thế, diện tích làm được cũng chẳng là bao dù tiềm lực tài chính của họ rất lớn đi chăng nữa.

Ảnh: Dương Đình Tường

Cách liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thời gian vừa qua cũng đã chứng minh là khó thành công về lâu dài. Không có gì đảm bảo hơn là cách doanh nghiệp tự thuê đất và tự đầu tư. Theo tôi doanh nghiệp nên thuê đất trả theo năm, giá thuê thay đổi theo vật giá thì sẽ có lợi cho nông dân hơn.

Ai làm tốt việc tích tụ đất? Chính là các HTX cổ phần chứ không phải là những HTX kiểu cũ như hiện nay. Giờ nhiều HTX tiếng là đã chuyển đổi nhưng hoạt động không khác gì 30 - 40 năm trước, chỉ khác mỗi danh xưng trước là chủ nhiệm thì nay là giám đốc. Theo tôi, đã kinh tế là không chịu sự chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ có mệnh lệnh thị trường. Giám đốc HTX mà phục tùng cho UBND xã thì có cũng như không.

Cổ phần hóa được các HTX sẽ phân định được rõ ràng trách nhiệm của từng người. Giám đốc sẽ phải ngày đêm nghĩ sản xuất gì, bán cho ai, quản lý chặt từng đồng để phục vụ cho các xã viên. Xã viên là người quyết định cái ghế của giám đốc chứ không phải chủ tịch hay bí thư xã. Làm không được là bị thay liền.

Muốn cổ phần hóa thì phải xác định giá trị còn lại của HTX là bao nhiêu, phải cấp đất có bìa đỏ cho HTX xây dựng trụ sở, kho tàng. Đây chính là “mồi nhử” để lôi kéo các doanh nghiệp vào cuộc. Vì sao? Vì mỗi HTX đang có trong tay 300 - 500ha đất, lao động là các xã viên đã có, trụ sở, kho tàng đã có sổ đỏ (dễ bề bảo đảm vay ngân hàng) nên doanh nghiệp chỉ cần tổ chức sản xuất và lo về đầu ra mà thôi.

Chuyện cổ phần hóa phải là cổ phần 100% chứ nửa vời là chết. Nếu làm được như vậy thì 10.000 HTX hiện nay sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp nhảy vào đầu tư. Vốn nhàn rỗi, nhân lực, vật lực trong dân đang có rất nhiều nhưng vấn đề là phải có cơ chế, chính sách thu hút.

Nút nghẽn lớn nhất hiện nay là tích tụ đất đai. Có xã chúng tôi tổ chức 10 hội nghị mà vẫn thất bại bởi dân không tin. Vậy ai làm cho dân tin? Chính là Ban Giám đốc HTX… Năm 2016 chúng tôi đã tổ chức thuê được 300ha đất để tổ chức sản xuất. Năm 2017 sẽ là 1.000ha, năm 2018 sẽ là 3.000ha. Thời gian ký 5 - 10 năm.

Câu chuyện miên man tưởng chừng không dứt thì một cánh đồng bát ngát tựa như phim Tây bỗng hiện ra trước mắt tôi. Cánh đồng đó không có bờ vùng bờ thửa manh mún mà chỉ có bờ to, kênh mương nội đồng chạy dài tít tắp. Ở đó chỗ xanh ngắt một màu khoai sọ, chỗ tươi mới một màu đất dưới lưỡi máy đang thu hoạch khoai tây, chỗ nâu xám màu phân gio với máy gieo hạt đang chạy ù ì.

Ảnh: Dương Đình Tường

Anh Nga cười bảo: Làm như cách trước đây thì máy móc vừa thừa lại vừa thiếu bởi không ai bảo được ai nên phân bổ, sử dụng không hợp lý, thời gian nghỉ nhiều, không tập trung được sức mạnh. Cũng ở nơi này xưa kia có 300 - 400 hộ nông dân đang canh tác, mỗi nhà có một hai thửa ruộng rộng vài ba đường cày, mỗi vụ sử dụng cả ngàn lao động.

Thế mà nay cũng 60ha ấy được cơ giới hóa toàn bộ, sử dụng tối đa 10 công nhân. Một máy gieo đậu mỗi ngày được 8ha, bằng đúng 300 người làm. Một máy sạ lúa mỗi ngày sạ được 5ha bằng 100 người cấy. Một máy phun thuốc sâu mỗi ngày phun được 10ha cũng bằng cả trăm người phun.

Mọi thứ đều khoán theo diện tích, theo công đoạn với cơ chế rõ ràng nên máy móc được khai thác tối đa còn người lao động khi thấy được quyền lợi cũng làm ngày làm đêm để nâng năng suất gấp 3 - 4 lần khi trước.

Các cánh đồng được tổ chức theo dạng cuốn chiếu, liên tục trồng, liên tục thu. Đầu tư cho mỗi ha rau màu như vậy kể cả tiền thuê đất, chi phí tất tật mất khoảng 120 - 150 triệu/năm nhưng theo anh Nga hoạch toán, kém nhất cũng phải thu được 250 triệu trở lên.

Đầu tư thấp, tập trung vào phân khúc đại trà, lợi nhuận khá, chính là cơ sở để cho một doanh nghiệp cỡ vừa như anh có thể trong vài ba năm tới mở rộng diện tích sản xuất lên 2.000 - 3.000ha không quá khó. Nếu có hàng ngàn doanh nghiệp như thế thì mục tiêu 50% diện tích của nông nghiệp Việt Nam do khối doanh nghiệp đảm đương là điều cầm chắc trong tầm tay.

Cũng cùng ở huyện Nho Quan, cạnh Đồng Phong còn có Văn Phương đang cho anh Nga thuê 20ha, hay ở huyện Yên Khánh có Khánh Hồng, Khánh Hải cũng đang cho thuê vài chục ha. Thủ tục khá chặt chẽ, người dân có bản đăng ký gửi HTX để HTX đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với doanh nghiệp dưới sự làm chứng của UBND xã. Doanh nghiệp trả tiền trước 1 năm rồi sau đó sẽ trả tiền hàng năm.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giai-cuu-nong-ho-nho-duoi-goc-nhin-doanh-nghiep-say-nong-nghiep-post187685.html