'Giải cứu' những bộ ngực siêu khủng

Những bộ ngực “siêu khủng”: Dài tới đùi, to như bình nước... khiến không ít chị em gặp bất tiện trong sinh hoạt, sức khỏe suy sụp, thậm chí có chị bị chồng bỏ!

Cắt bỏ 15kg… ngực

GS-TS Trần Thiết Sơn - Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội), vừa phối hợp các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và bàn tay (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) giúp một phụ nữ thoát khỏi bộ ngực “vĩ đại”. Bệnh nhân là chị N.T.H (sinh năm 1975, quê ở Uông Bí, Quảng Ninh). Theo lời bệnh nhân, năm 2003, chị sinh con đầu lòng thì các bác sĩ cũng đã cảnh báo chị có triệu chứng phì đại tuyến vú.

Chị Hà Thị T. trước khi phẫu thuật. Ảnh: BSCC

Khi thấy ngực to nhanh và to bất thường thì chị em nên đi khám để được can thiệp sớm. Vì nếu để lâu, ngực lớn, nặng trĩu sẽ khiến chị em bất tiện trong sinh hoạt, đồng thời dễ bị cong vẹo cột sống, đau vai gáy, mệt mỏi…” .

GS Trần Thiết Sơn

Đến khi sinh đứa con thứ 2 thì ngực chị H càng “lớn như thổi”. Đặc biệt 1 năm trở lại đây, ngực chị càng to nhanh bất thường với thể tích ngực lên đến 2.100cc (gấp 7 lần ngực bình thường). Hình dáng bộ ngực lớn như bình nước treo toòng teng khiến chị lúc nào cũng muốn ngã sấp về phía trước. Điều này khiến chị bị thoái hóa đốt sống cổ, tê bì tay, bệnh hen ngày càng nặng hơn. Không chỉ thế, mùa hè khiến vùng da tiếp xúc ở ngực luôn bị hăm loét, khó chịu.

GS Sơn và các bác sĩ Vinmec quyết định cắt bớt 1,9kg bên ngực phải và 1,5kg bên ngực trái cho chị H. Sau 4 ngày điều trị hậu phẫu, sức khỏe của chị H đã ổn định và được xuất viện. “Tỉnh dậy sau phẫu thuật, tôi cảm giác rõ ràng ngực nhẹ bẫng, các cơn khó thở của tôi cũng biến mất” – chị H. cho biết.

Theo GS Sơn, nếu không được phẫu thuật, ngực của bệnh nhân H có thể sẽ có thể tăng gấp đôi thể tích sau 6 tháng nữa (khoảng 4.200cc, gấp 14 lần bộ ngực bình thường). Bộ ngực “quá khổ” không chỉ khiến bệnh nhân xấu hổ, mặc cảm, bất tiện trong sinh hoạt mà có thể khiến cột sống của họ bị cong vẹo, gây đau vai cổ, thoái hóa cột sống, giảm tuần hoàn máu não, khiến bệnh nhân hay đau đầu, hay quên, mất ngủ.

Trước đó vài ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đã phẫu thuật thành công cho một phụ nữ có bộ ngực dài tới... đùi. Không chỉ thế, các vùng da xung quanh cũng chảy sệ, thành nhiều bướu lớn khiến nhìn qua bệnh nhân như có 4-5 vú mà “nổi bật” là hai bầu vú dài chạm đùi. Bệnh nhân là chị Hà Thị T (sinh năm 1986, người dân tộc Mường, trú tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chị T cho biết, khoảng giữa năm 2016, khi mang thai đứa con thứ 2 thì chị phát hiện ngực ngày càng chảy sệ và to bất thường. Lúc đầu, chị tưởng do chửa đẻ nên ngực lớn. Tuy nhiên, kể cả sinh con xong, ngực chị vẫn lớn như thổi. Từ khi chị phát bệnh, chồng của chị cũng “đi làm ăn xa” không hề có tin tức gì, bỏ mặc chị vất vả nuôi 2 con nhỏ. Đến khi nhập viện vào ngày 23.2 thì con chị đã 5 tháng tuổi và bộ ngực lớn khiến chị đau đớn dữ dội.

Các bác sĩ Bệnh viện Phú Thọ với sự trợ giúp của các bác sĩ Bệnh viện K T.Ư đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bộ ngực lớn cho bệnh nhân T trong suốt 2 giờ. Tổng trọng lượng của 2 vú chính và 3 vú phụ của bệnh nhân được cắt bỏ khoảng 15kg.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), cho biết, bệnh nhân T bị phì đại tuyến vú, do sự tăng tiết hoóc môn tiết sữa prolactin. Các khối u lành tính nên chỉ cần cắt bỏ là bệnh nhân khỏe mạnh. Sau 10 ngày phẫu thuật, ngày 21.3, bệnh nhân đã được ra viện.

Vẫn bảo toàn chức năng làm mẹ

GS Trần Thiết Sơn đang hội chẩn một ca ngực khủng với chuyên gia y tế nước ngoài. Ảnh: D.L

Theo GS Sơn, phì đại tuyến vú là bệnh không hiếm gặp của phụ nữ và không có nguyên nhân rõ rệt. Thông thường nhiều phụ nữ bị phì đại vú sau khi sinh 1-2 con. Ngực cỡ B của phụ nữ khoảng 250-300cc, nặng 300g, nhưng khi bị phì đại tuyến vú, có nhiều người có kích cỡ ngực khủng gấp 7-10 lần cỡ B.

Ca bệnh phì đại tuyến vú mà GS Sơn đã mổ là một bé gái 13 tuổi (Quảng Ngãi) với bộ ngực nặng hơn 10kg. Còn ca ngực không khủng mà dài nhất thì lên đến 55cm, kéo tới tận đùi. Khi bệnh nhân vào viện với cái bụng phồng lớn, GS Sơn lại tưởng bệnh nhân có bầu. Nhưng đến khi bệnh nhân giở áo ra mới biết, do ngực quá dài bên bệnh nhân phải dùng vải tạo thành “quang gánh” để treo chỗ cạp quần. Khi mẹ ngực khủng thì con gái cũng dễ di truyền gen này từ người mẹ. GS Sơn cũng đã phẫu thuật cho một nhà 4 mẹ con bị phì đại tuyến vú.

Theo GS Sơn, với các bệnh nhân phì đại tuyến vú, các bệnh viện thường cắt bỏ phần da thịt dư thừa, sau đó nối lại núm vú. Tuy nhiên, khi đó chỉ đảm bảo được tính thẩm mỹ mà mất đi cảm giác của núm vú, đứt tuyến sữa, làm mất khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của những phụ nữ trẻ.

Hiện nay, GS Sơn và các đồng nghiệp đã có thể phẫu thuật vừa đảm bảo thẩm mỹ mà vẫn bảo tồn cảm giác của quầng, núm vú và chức năng tiết sữa của bầu vú. “Quan trọng là xác định được đường đi của mạch máu nuôi quầng, núm vú, đo thể tích của vú, từ đó đề ra kế hoạch phẫu thuật an toàn, giúp bảo tồn hình dáng, cảm giác, chức năng của quầng, núm vú và bầu ngực” – GS Sơn nhấn mạnh. Kỹ thuật này của GS Sơn đã được chia sẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn được nhiều chuyên gia thẩm mỹ trên thế giới đến học hỏi.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/giai-cuu-nhung-bo-nguc-sieu-khung-756021.html