Giải cứu lợn: Các tổng công ty thương mại Nhà nước ở đâu?

Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp đã lên tiếng kêu gọi "giải cứu" đàn lợn cho nông dân. Trong khi đó, các tổng công ty thương mại nhà nước với hàng trăm mạng lưới được đầu tư hàng trăm tỉ đồng vẫn lặng như tờ.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng khâu trung gian và bán lẻ ăn quá dày

Các tổng công ty thương mại cần vào cuộc

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi vẫn đang giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại, có nơi đã xuống dưới 25.000 đồng/kg. Theo đó, mỗi con lợn bán ra, người nông dân đang lỗ 1,5 triệu đồng. Hiện nay, lượng thịt lợn đang dư thừa ước khoảng 200.000 tấn.

Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp và được nhiều doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể ủng hộ.

Nói với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng chúng ta có rất nhiều cuộc giải cứu mà đáng lẽ không cần phải thế. Chế độ báo cáo của các tỉnh với Bộ Nông nghiệp rất chặt chẽ, số liệu đều có nhưng sao không báo động sớm? Cơ quan quản lý tại sao không làm chủ được quy hoạch? Do đó, lỗi một phần của quản lý Nhà nước, đừng trách người nông dân nhiều.

Ông Phú cũng bức xúc vì trong cuộc “khủng hoảng thừa” thịt lợn lần này, các tổng công ty thương mại nhà nước không lên tiếng, vào cuộc giúp đỡ người nông dân dù các bộ, ngành đã kêu gọi giải cứu. Lẽ ra trong giai đoạn khó khăn này họ cần bán hàng không thu lợi nhuận giúp cho nông dân. Thậm chí, có lãnh đạo của một sở công thương còn nói chưa biết vấn đề hạ giá thịt lợn và còn nghiên cứu.

“Tổng công ty thương mại Hà Nội, 40% mạng lưới đã đem cho thuê hết rồi, thậm chí có chỗ xây khách sạn. Nhóm lợi ích xâu xé nát mạng lưới rồi thì lấy đâu chỗ bán thịt cho người dân”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng nhấn mạnh: “Chúng ta tự hại chúng ta vì nội tại sản xuất và phân phối thấp kém, trung gian ăn 2/3 chứ thịt nhập khẩu rất ít. Vào siêu thị phải chiết khấu, thanh toán chậm, phí gầm bàn hành hạ họ đủ kiểu thì thịt lợn mới vào được chứ không đơn giản. Khâu bán lẻ, trung gian ăn quá dày, giờ phải bớt đi, chia sẻ với người nông dân đi”.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng biện pháp kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp giải cứu thịt lợn cũng đúng đắn trong trước mắt, bởi trên thực tế lợn nuôi cũng chỉ có lứa, đến lứa mà không bán thì rất khó khăn cho nông dân. Hơn nữa bây giờ khi việc chế biến chưa phát triển nhiều thì nên động viên những doanh nghiệp có phương tiện có thể chế biến cho nông dân, để giúp cho thịt lợn có thể tiêu thụ trên thị trường.

“Tuy nhiên, đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời mà thôi còn về lâu dài thì không được. Cần phải sắp xếp, tổ chức lại ngành chăn nuôi, hạn chế hộ nông dân nhỏ lẻ và sản xuất phải gắn với thông tin thị trường”, bà Lan nói.

Rà soát chi phí trung gian

Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong các tháng mùa hè sắp tới.

Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến cấp đông; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.

Về giải pháp lâu dài, Bộ NN-PTNN và các cơ quan liên quan cần xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó là rà soát, điều chỉnh, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Về giải pháp đầu ra cho ngành chăn nuôi, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng trước hết phải tính toán lại thị trường, bởi lâu nay nông nghiệp đang làm theo kiểu cứ thấy giá cả trên thị trường cao thì ào vào làm, lao vào mà làm... tất cả.

Bà Lan cho rằng tín hiệu thị trường nhiều khi bị nhiễu và không phản ánh được bức tranh thị trường một cách ốn định, chính xác. Do đó, Bộ NN-PTNN phải tính được dung lượng thị trường một cách tương đối, có thể nhiều lên hoặc cũng có thể ít đi tùy từng thời điểm.

“Điều đáng lo nhất chính là những chỉ dẫn và những tín hiệu thị trường từ Trung Quốc, để cho thương lái Trung Quốc thao túng là tệ hại nhất. Nhà nước phải giúp cho những người chăn nuôi người ta hiểu được và không vì hám lợi trước mắt mà chạy theo”, bà Lan cho hay.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho rằng đừng kêu gọi người dân ăn thịt lợn nhiều, họ sợ béo phì, sợ thịt kém chất lượng họ ăn chẳng bao nhiêu. Vấn đề là phải đẩy mạnh chế biến và thay đổi cơ cấu chăn nuôi.

Ông Phú cũng đưa ra một số ví dụ ở Đức, Hungary, Nhà nước có kho lạnh dự trữ thịt lợn, bò… cho người dân miễn phí. Trong khi đó, nông dân Việt Nam nuôi được con lợn chỉ bán tươi ra lò mổ, rồi ra chợ. Cách làm ăn này rất thủ công.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/giai-cuu-lon-cac-tong-cong-ty-thuong-mai-nha-nuoc-o-dau-61802.html