Giải cứu hai “ông lớn”

Hai “ông lớn” đó là “ông” Than và “ông” Xi măng, nếu không giải cứu thì chẳng những ảnh hưởng tới việc làm của hàng vạn lao động mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Than tồn kho đã vượt mức 9 triệu tấn. Ảnh: petrotimes.vn

Trong Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp và xây dựng… gửi Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề nghị các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các hộ sản xuất phân bón xi măng, ưu tiên sử dụng than của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên cơ sở áp dụng quy tắc thị trường, đúng khối lượng đã thỏa thuận.

Vì sao Bộ KH&ĐT có đề nghị như thế? Hiện tại và trước đây, EVN đã gay gắt đòi giảm mua 2 triệu tấn than của TKV so với kế hoạch. Nếu giảm mua, đồng nghĩa với việc đóng góp của TKV vào GDP sẽ giảm và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả nước trong năm nay, bởi đóng góp của ngành Than chiếm tỷ trọng đáng kể.

Còn số phận “ông” Xi măng thì sao? Bộ KH&ĐT cho rằng, muốn giải phóng hàng núi xi măng dư thừa thì Bộ Tài chính phải nghiên cứu báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu thấp hơn cho xi măng.

Vì sao? Đối chiếu Nghị định 100/2010 và Nghị định 209/2013 của Chính phủ quy định: Từ ngày 1/7/2016, than xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, không được khấu trừ VAT đầu vào. Quy định vậy, trong khi sản lượng xi măng của cả nước ngày càng tăng và dự báo đến năm 2020, dư thừa 34 - 47 triệu tấn, trong khi Trung Quốc đang dư thừa 670 triệu tấn và đang tìm các giải pháp xuất khẩu gấp với giá rẻ, điều này sẽ tạo nên cạnh tranh khốc liệt đối với xi măng Việt Nam xuất khẩu.

Cùng một thời điểm, Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ giải cứu 2 “ông lớn” bằng các giải pháp nêu trên. Tính đến thời điểm hiện tại, giữa “ông” TKV và các hộ mua than đang có những “đối đầu” căng thẳng, bởi “ông” Điện cho rằng nếu vẫn tiếp tục mua như trước đây không giảm 2 triệu tấn với mức giá như hiện tại thì rõ ràng TKV đã đẩy cái khó về phía EVN bởi giá than cao, tất nhiên dẫn đến giá điện bán sẽ cao, người mua điện khó chấp nhận!

Nhiều chuyên gia kinh tế không đồng tình với đề nghị của Bộ KH&ĐT, bởi chúng ta đã chấp nhận phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì không có chuyện bảo hộ. Hiện tại, “ông” Than và “ông” Xi măng đang nỗ lực vượt khó nhưng xem ra “lực bất tòng tâm”, phải hy vọng được cầm “chiếc gậy thần” trong cuộc giải cứu thì mới thoát. Song, tất cả còn ở phía trước, phải chờ ý kiến của Chính phủ, rồi lại phải chờ Quốc hội họp khóa tới quyết định.

Sau “ông” Than, “ông” Xi măng, còn có “ông lớn” nào phát tín hiệu SOS tiếp theo? “Ông” Dầu khí đang gặp khó bởi trong 12 dự án lớn thua lỗ nặng của quốc gia thì “ông” Dầu khí có tới 5 dự án. Mà quan điểm của Chính phủ là không bổ sung vốn Nhà nước vào, phải tự bơi. Mặt khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng cả về thăm dò, khai thác…

Như vậy, các trụ cột kinh tế đang gặp khó, đây là giai đoạn thử thách lớn đối với những người chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam ra biển lớn.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/giai-cuu-hai-ong-lon_t114c68n121965