'Giải cứu' Alstom, Chính phủ Pháp chơi lá bài chính trị

Chính phủ Pháp công bố một giải pháp khá mạnh tay để cứu vãn việc hãng Alstom định đóng cửa nhà máy tại Belfort.

Trước nguy cơ suy giảm hình ảnh của hãng sản xuất đầu máy tàu cao tốc và các loại tàu điện Alstom - vốn là niềm tự hào của nước Pháp, Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls hôm nay (4/10) đã phải đưa ra giải pháp để tránh nguy cơ hãng này đóng cửa nhà máy ở Belfort.

Đúng như lời Thủ tướng Manuel Valls đã hứa, Chính phủ Pháp hôm nay công bố một giải pháp khá mạnh tay để cứu vãn việc hãng Alstom định đóng cửa nhà máy tại Belfort – kế hoạch mà Chính phủ quyết liệt phản đối, do lo ngại gây ra những thiệt hại nặng nề về công ăn việc làm và đặc biệt là về hình ảnh của nước Pháp.

Sản phẩm của Alstom (Ảnh: KT)

Chính phủ Pháp công bố sẽ đặt mua thêm tàu TGV và đầu máy tàu điện chạy dầu diesel để duy trì hoạt động của nhà máy Belfort. Và về phần mình, hãng Alstom cam kết sẽ đầu tư vào nhà máy này 40 triệu euro theo 3 giai đoạn từ nay đến 2020.

Cụ thể, Chính phủ sẽ đặt mua 15 chiếc tàu tốc hành TGV đầu tư cho các tuyến tới các thành phố Bordeaux - Marseilles và thêm 6 tàu cho các tuyến từ Paris đi Turin và Milan của Italia. Trong khi đó, Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF sẽ mua 20 đầu tàu điện chạy dầu diesel.

Hãng Alstom chuyên sản xuất các đầu máy tàu điện đặc biệt là tàu cao tốc TGV - niềm tự hào của nước Pháp. Trước đó, hãng này tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Belfort và chuyển công nhân sang một nhà máy khác của hãng trong vùng Alsace.

Rõ ràng, tuyên bố mới của Chính phủ Pháp cho thấy sự mạnh tay vào cuộc để vực dậy nền kinh tế Pháp.

Chuyên gia kinh tế Jean - Marc Daniel thuộc Trung tâm nghiên cứu ESCP- châu Âu nhấn mạnh chính phủ Pháp muốn chứng tỏ không “sao nhãng” với niềm tự hào Alstom: “Alstom là niềm tự hào của nước Pháp từ những năm 80 đến nay; nhà máy của Alstom tại Belfort là một phần công nghiệp ít ỏi của vùng Alsace. Chính phủ Pháp phải giải cứu nhà máy này để tránh mất mặt so với nền công nghiệp của nước Đức.

Công nghiệp vùng Alsace phải được giữ gìn và phát triển, như sự khẳng định di sản kinh tế thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy được duy trì và thúc đẩy. Đó là ý định của chính phủ Pháp hiện nay, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần”.

Tuy nhiên, quyết định mới của Chính phủ vấp phải nhiều lời chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là một bước đi chính trị để ghi điểm cho Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls trong bối cảnh các cuộc chạy đua vòng sơ bộ bầu cử Tổng thống Pháp bắt đầu; và đảng Xã hội cầm quyền muốn tạo dấu ấn.

Nặng nề hơn, có ý kiến cho rằng quyết định mới của chính phủ Pháp rất “phi lý” khi dành tới 500 triệu euro tiền thuế do dân đóng để mua tàu TGV vốn đang bị phê phán là không còn duy trì tốc độ cao và hiệu quả như trước.

Chuyên gia kinh tế Nicolas Doze thì cho rằng chính phủ đang “chính trị hóa” câu chuyện Alstom:“Đây là một câu chuyện chính trị chứ không phải của ngành công nghiệp. Trong khi đó, Alstom đang hoạt động tốt, phía Tập đoàn đường sắt SNCF không cần các đầu máy mới. Rõ ràng ý đồ chính trị đằng sau câu chuyện này đang đi ngược lại với nguyên tắc vận hành của ngành công nghiệp”.

Các chính trị gia cả cánh tả lẫn cánh hữu đều phê phán kế hoạch mới của Chính phủ Pháp. Ứng cử viên vòng sơ bộ của cánh tả Benoit Hamon khẳng định: “Các công nhân của Alstom đã gặp may vì nếu không đúng thời điểm 6 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống như hiện nay, sẽ không có kế hoạch này. Tôi cho rằng chính phủ tự làm khó mình vì đang bộc lộ sự bất lực và không làm đúng vai trò”.

Cựu Thủ tướng François Fillon, ứng cử viên sơ bộ của cánh hữu đặt câu hỏi: “Liệu phía Tập đoàn đường sắt quốc gia SNCF có thực sự cần các đầu máy mới? Nếu họ thực sự cần thì đã đặt mua từ trước đó. Nếu họ không cần thì kế hoạch này đã đặt SNCF vào tình thế sẽ tiếp tục nợ nần thêm. Ai sẽ trả tiền các đầu máy này? Người dân phải đóng thuế nhiều hơn hay những người đi tàu phải trả giá vé cao hơn? Nếu cứ điều hành kiểu này, trước sau cũng dẫn đến các thảm họa”.

Một số ý kiến khác thì nhấn mạnh rằng quyết định của Alstom đóng cửa nhà máy ở Belfort được đưa ra ngay sau khi Akiem – một chi nhánh của Tập đoàn đường sắt Pháp SNCF - mở gói thầu đầu máy tàu điện ở châu Âu và đầu máy của Đức được ưa thích hơn đầu máy của Pháp.

Và nếu đúng như vậy, với kế hoạch tung tiền ngân sách vào giải cứu nhà máy Belfort, Chính phủ Pháp đang bị chỉ trích vi phạm luật chơi chung của châu Âu./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/giai-cuu-alstom-chinh-phu-phap-choi-la-bai-chinh-tri-556956.vov