Giải bài toán 'vấn nạn phí' cho doanh nghiệp: Nhà nước phải thay đổi trước!

Năm 2017 được Chính phủ chọn là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương liên quan, sự mạnh dạn lên tiếng kiến nghị chính xác, thỏa đáng, doanh nghiệp hy vọng các chi phí sản xuất kinh doanh từng bước sẽ được trở về những mức hợp lý…

Rào cản phí chồng phí

Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, các loại phí chồng phí đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore.

Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam… Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này. Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết.

Việc giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp vừa là ý chí của Chính phủ, vừa là sự mong muốn của các DN làm ăn nghiêm túc, muốn trụ vững lâu dài ở thị trường. (Ảnh: internet)

Nhà nước phải thay đổi trước

Việc giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp vừa là ý chí của Chính phủ, vừa là sự mong muốn của các DN làm ăn nghiêm túc, muốn trụ vững lâu dài ở thị trường. Nhưng để làm được điều này, Chính phủ phải cải thiện thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, kiên quyết cắt giảm các chi phí sản xuất kinh doanh bất hợp lý ở các khâu trong quá trình vận hành của DN…

Thật vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân thẳng thắn cho biết, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Hay trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra, như: thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Điều đáng nói là, theo báo cáo tại cuộc họp về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày 21/8 vừa qua, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này. Tuy nhiên tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm chẳng bao nhiêu. Có khó khăn gì trong cải cách mà lại để tình trạng này kéo dài luôn là dấu hỏi của dư luận và doanh nghiệp? Do vậy, cần thiết phải rà soát cụ thể từng bộ ngành với từng thủ tục chứ không phải chung chung như hiện nay đã được đặt ra lúc này.

Tóm lại, nói giảm chi phí cho DN thì phải có đích phấn đấu cụ thể, tập trung vào những số liệu mang tính định lượng như giảm thuế, giảm chi phí vận chuyển… Như ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Tôi cho rằng môi trường có thể thay đổi hành vi. Nếu như chúng ta có một môi trường tốt, cải cách thể chế, giảm tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh, để cho người tiêu dùng và thị trường là người phán xử thì sẽ tạo nên sức ép cho doanh nghiệp để điều chỉnh hành vi. Nhưng Nhà nước phải thay đổi trước”.

Việc giải bài toán “vấn nạn phí” trong kinh doanh không phải là chuyện giản đơn, ngày một ngày hai. Thế nhưng niềm tin mạnh mẽ vào Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ sẽ là động lực to lớn để gỡ bỏ những rào cản, trả lại môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh, công bằng, thúc đẩy mọi doanh nghiệp cùng phát triển.

Sông Mây

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nha-nuoc-phai-thay-doi-truoc/181688