Giải bài toán nước sạch cho khu vực nông thôn

Chất lượng nước tốt, suất đầu tư hợp lý, giá thành nước sạch phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân và tiến độ thực hiện nhanh… Đó là những ưu điểm nổi trội được bà con và cán bộ cơ sở đánh giá về mô hình xử lý nước cụm, hộ gia đình trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên. Đây được xem là cách làm hiệu quả, giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn.

Mô hình thí điểm xử lý nước cụm, hộ gia đình tại thôn Khả Phú, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ.

Thỏa cơn khát nước sạch

Gia đình bà Nguyễn Thị Loan, xóm Khả Phú, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ là hộ dân được sử dụng nước sạch từ mô hình thí điểm xử lý nước cụm, hộ gia đình. Bà Loan phấn khởi cho biết: Gia đình được sử dụng nước sạch theo công nghệ mới khoảng 2 tháng nay, nước rất trong, không có mùi, uống trực tiếp được. Trước kia, dù đã được dùng nước sạch (qua trạm cấp nước của thôn) nhưng do công nghệ cũ nên nước vẫn còn màu vàng và cặn nước bám nhiều ở đầu vòi nước. Từ khi chuyển sang dùng nước sạch công nghệ mới, giá nước vẫn giữ ở mức 4.500 đồng/m3 nên bà con ai cũng mừng.

Gần đó, hộ bà Nguyễn Thị Lan cũng sử dụng nước sạch theo mô hình thí điểm. Bà Lan cho biết: "Trước nay, khu vực thôn Khả Phú nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nên người dân rất khổ sở vì thiếu nước. Bây giờ có nước sạch, mọi người yên tâm hơn khi sử dụng và không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhà tôi 6 khẩu, mỗi tháng dùng hết khoảng 100 nghìn đồng tiền nước".

Theo ông Bùi Hữu Tha, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng: "Trước đây, người dân xã Hợp Đồng vẫn quen dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên, riêng thôn Khả Phú (có khoảng 70 hộ dân) nước giếng khoan có mùi hôi, tanh và có váng. Khoan sâu đến 70m vẫn không dùng được".

Trước khó khăn trên, khoảng năm 2003, thôn được tỉnh Hà Tây (cũ) hỗ trợ xây dựng trạm cấp nước mini. Địa điểm khoan giếng và trạm cấp nước phải đặt ở thôn bên, kéo đường ống dẫn nước về từng hộ. Tuy nhiên, do công nghệ xử lý còn thô sơ nên chất lượng nước vẫn chưa bảo đảm.

Tháng 4-2016, cơ quan chức năng của thành phố khảo sát và triển khai lắp đặt thiết bị gồm một số mô tơ, máy lọc nước… mới trên cơ sở giếng, hệ thống bể chứa, hạ tầng có sẵn. Chỉ trong 2 ngày, thiết bị đã được lắp đặt xong và cấp nước cho các hộ dân.

Tương tự, tại thôn Bối Khê và Đồng Vinh (xã Chuyên Mỹ) và thôn Thượng xã Phú Yên của huyện Phú Xuyên cũng được tiếp cận với mô hình thí điểm xử lý nước cụm, hộ gia đình, mỗi cụm cấp nước cho 15 hộ dân. Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 01:2009/BYT có thể sử dụng để uống luôn, người dân rất phấn khởi.

Sẽ triển khai nhân rộng

Theo tính toán của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên, chi phí đầu tư 1 hệ thống cấp nước sạch cho 15 hộ dân khoảng 76,3 triệu đồng. Chi phí trên bao gồm: Máy bơm, xây dựng bể lọc, thiết bị lọc, bình chứa nước inox, hệ thống đường dẫn và đồng hồ nước… Mô hình vận hành theo hướng cộng đồng quản lý, các hộ gia đình họp bàn lựa chọn 1 gia đình để lắp đặt hệ thống xử lý nước và thu tiền nước của các hộ. Ngoài ra, bầu chọn các thành viên khác để tham gia trong việc kiểm soát, quản lý công trình.

Còn tại xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Hữu Tha cho hay: "Trạm xử lý nước sạch của thôn được tận dụng lại cơ sở hạ tầng của trạm cũ. Theo mô hình quản lý từ trước, xã giao cho thôn và thôn thuê một người trông nom. Giá nước được các hộ thống nhất 4.500 đồng/m3 để chi phí cho tiền điện và tiền thuê người quản lý. Đến nay, chúng tôi vẫn duy trì hình thức quản lý và giá nước như cũ, được nhân dân nhất trí cao".

Theo đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm xử lý nước cụm, hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Xuyên của Sở NN&PTNT Hà Nội tại Báo cáo số 254/BC-SNN ngày 20-7 cho thấy, dây chuyền công nghệ này gồm: Giếng khoan, bể lắng, bể chứa cát, bể chứa, thiết bị lọc Katalox Light, bình chứa nước sạch...

Trong đó, tận dụng các giếng khoan của hộ gia đình đang sử dụng có độ sâu từ 25 đến 30m, lưu lượng nước khoảng 500-700 lít/giờ; các bể lắng, bể lọc được xây bằng gạch; thiết bị lọc Katalox Light chế tạo sẵn được đặt ở những điểm có vị trí cao như tầng thượng của các hộ để phân phối nước nhằm giảm chi phí điện… Thực hiện mô hình này, chất lượng nước bảo đảm, suất đầu tư hợp lý, giá thành nước sạch phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân. Mô hình có thể nghiên cứu nhân rộng.

Ngày 13-10, UBND thành phố đã có Công văn số 5882/UBND-ĐT về việc dừng triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình để nghiên cứu, áp dụng mô hình mới cấp nước sạch hộ và cụm hộ cho khu vực nông thôn theo Đề xuất số 5115/KH&ĐT-NN của Sở Kế hoạch và Đầu tư: UBND thành phố đồng ý điều chuyển 30 tỷ đồng trong kế hoạch vốn năm 2016 của Dự án hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình (Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015) cho các dự án khác.

Đồng thời giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá kết quả thí điểm mô hình nước sạch hộ và cụm hộ sử dụng thiết bị do Hãng WatchWater (Cộng hòa Liên bang Đức) cung cấp tại các huyện Phú Xuyên và Chương Mỹ. Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng nhằm tạo mô hình mới về quản lý sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trong tháng 10-2016.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/852893/giai-bai-toan-nuoc-sach-cho-khu-vuc-nong-thon