Giải bài toán kinh phí

Cán bộ Đoàn phải gương mẫu đi đầu, “nói đi đôi với làm”, không “chỉ tay năm ngón”; biết kết nối với các đội, nhóm, mạnh thường quân để tạo kinh phí hoạt động… Đó là những hiến kế nhằm xây dựng tổ chức đoàn ngày càng vững mạnh, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nguyễn Xuân Hùng - Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ cùng các em nhỏ vùng cao.

Kết nối, xây dựng lòng tin

Nguyễn Xuân Hùng, SN 1990, cán bộ chuyên trách Huyện Đoàn Bát Xát (Lào Cai), Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ là một trong những cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo tổ chức hàng loạt chương trình, hoạt động an sinh xã hội tình nguyện vì cộng đồng, đạt tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng, sau 4 năm hoạt động. Tiêu biểu: Xây dựng 2 ngôi trường tại huyện Bát Xát (1 phân hiệu mầm non thôn Bản Giàng; 1 phân hiệu tiểu học thôn Tả Suối Câu II); xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái, trao tặng trên 5.000 suất quà cho các hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Điều đặc biệt, tất cả những công trình, phần việc đó đều do Hùng và CLB Kết nối Tuổi trẻ tự gây quỹ và kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các đội nhóm, các tấm lòng hảo tâm.

“Có thể nói, công tác Đoàn, cũng như các hoạt động xung kích – tình nguyện tại Bát Xát vốn là điều cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là kinh phí - vấn đề sống còn của hoạt động mỗi tổ chức. Để có kinh phí, tôi đã tổ chức các buổi ca nhạc từ thiện gây quỹ trực tiếp tại chương trình, tận dụng các mối quan hệ để xin kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cho các chương trình. Tuy nhiên, việc huy động kinh phí cho chương trình không hề đơn giản, đôi lúc tưởng chừng phải dừng lại vì không thể có nguồn tài trợ nào để tiếp tục triển khai dự án. Tôi từng nghĩ sẽ phải bỏ dở dự án xây dựng trường học lại vì đã kiệt sức về vấn đề tài chính. Nhưng bản lĩnh của người thanh niên tình nguyện đã không cho phép tôi dừng lại, nó thôi thúc tôi phải tiếp tục chiến đấu với tất cả sức lực của mình. Và cuối cùng, những khó khăn nhất cũng đã được giải quyết khi những lá thư xin tài trợ của tôi có phản hồi...”, thủ lĩnh CLB Kết nối Tuổi trẻ trải lòng.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Quang Bình (Hà Giang), Phạm Đình Trung, đối với tổ chức Đoàn ở vùng sâu, vùng xa, kinh phí tổ chức các chương trình, hoạt động an sinh xã hội là một vấn đề nan giải. Để khắc phục điều này, anh Trung đã kết nối tìm sự hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm, đội, nhóm tình nguyện. Hiện tại, anh đã kết nối với gần 100 đội, nhóm từ thiện, tình nguyện trên khắp đất nước. “Tôi thường chủ động tiếp cận với các đội nhóm trước. Khi tiếp cận với họ, tôi không xin họ hỗ trợ ngay mà hỏi họ kinh nghiệm tổ chức các công trình, phần việc an sinh xã hội khác. Khi đã tạo được mối thiện cảm nhất định, tôi mới đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí, và có những dẫn chứng, số liệu cụ thể để thuyết phục”, anh Trung chia sẻ bí quyết.

Cán bộ Đoàn phải gương mẫu đi đầu

“Nếu cán bộ Đoàn không có niềm tin, không có hy vọng, không đoàn kết, không đủ nhiệt huyết để vượt qua khó khăn thì sẽ không bao giờ chèo lái được con thuyền thanh niên đến được với những nơi chúng ta muốn và cần đến”.

Chủ nhiệm CLB

Kết nối Tuổi trẻ

Nguyễn Xuân Hùng

Anh Phạm Đình Trung dí dỏm: “Anh em chúng tôi làm Đoàn giống như bị “nghiện”. Một tuần không tổ chức được 1, 2 chương trình là thấy thiếu thốn, khó chịu rồi. Cán bộ Đoàn dù ở đâu, làm vị trí nào, điều quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, nhiệt huyết thực sự mới có thể vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đạt được thành công”. Anh Trung cho biết, Quang Bình là huyện vùng cao rất khó khăn với gần 50% hộ nghèo, 7/15 xã thuộc diện 135 đặc biệt khó khăn. Vì vậy, công tác vận động đoàn viên thanh niên cũng như người dân tham gia hưởng ứng vào các hoạt động của Đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Để kêu gọi được sự đồng tình ủng hộ của đoàn viên thanh niên cũng như người dân, theo Bí thư Huyện Đoàn Quang Bình, điều quan trọng nhất là cán bộ Đoàn phải gương mẫu đi đầu, “nói đi đôi với làm”, “không chỉ tay năm ngón”.

Anh Trung chia sẻ, để xây dựng một công trình, điểm trường, cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên phải cõng nguyên vật liệu trên quãng đường rừng gần 4km. Mỗi một công trình cần khoảng 3.000 – 3.500 viên gạch bi. Người khỏe lắm mỗi lần cũng chỉ cõng được 8 viên gạch, chưa kể phải cõng các nguyên vật liệu sắt, thép, xi măng… “Để hoàn thiện một điểm trường, công trình an sinh xã hội, tiêu tốn rất nhiều sức lực. Chúng tôi ăn ngủ tạm bợ tại lán trại. Tôi cũng như một số đoàn viên thanh niên khác bị lở đầy mình vì lội suối nhiều, vắt, muỗi đốt. Sinh nhật tôi được anh em, đoàn viên thanh niên tổ chức ngay tại chân công trình”, Bí thư Huyện Đoàn Quang Bình nói.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, xin được nguồn tài trợ đã khó, bắt tay vào thực hiện các công trình an sinh xã hội còn khó gấp bội lần. Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ kể, xây dựng điểm trường Mầm non thôn Bản Giàng xã Pa Cheo huyện Bát Xát là một dự án để đời đối với anh. Bản Giàng là một thôn vùng sâu vùng xa của xã Pa Cheo, nằm cách trung tâm xã gần 20km, là một trong 111 thôn đặc biệt khó khăn nhất của cả nước. “Ban đầu khi khảo sát, biết rằng nếu triển khai dự án xây trường ở nơi đây sẽ là một canh bạc mạo hiểm và phải tính tới mọi chuyện có thể xảy ra. Nhưng nhìn những em học sinh ngày ngày đang phải học trong những lớp học lụp xụp, không an toàn, rồi những thầy cô vất vả mang cái chữ đến nơi này, tôi quyết tâm triển khai dự án, bất chấp vô vàn khó khăn trước mắt’, anh Hùng nói.

Anh Hùng cho biết thêm, xe chở xi măng vào thi công đã bị lật khi cách công trình 2,5km, toàn bộ xe và số xi măng rơi xuống vực, rất may không có thiệt hại về người. Sau đó anh đã phải vận động ĐVTN và nhân dân đến chuyển xi măng bằng xe máy vào thôn để thi công, 1/3 số xi măng đã bị hỏng do trời mưa to. Chưa dừng lại ở đó, mưa bão liên tục, khiến toàn bộ tuyến đường vào thôn tê liệt, anh Hùng đã phải nghĩ đủ mọi cách, chạy đua với thời gian để cố gắng đưa dự án hoàn thành xong trước 30/8/2016. Nhờ sự quyết tâm đó, dự án hoàn thành đúng ngày khai giảng, các em đến trường trong niềm vui hân hoan.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra vào cuối năm nay là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam. Tại Đại hội sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ cũng như đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Việc đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là vô cùng quan trọng. Để tiếp thu ý kiến của đại hội đoàn cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Đại hội Đoàn lần thứ XI, từ số báo này, báo Tiền Phong mở chuyên mục: Hiến kế gửi Đại hội Đoàn. Các ý kiến đóng góp xin gửi về email: phongcamkttp@gmail.com hoặc địa chỉ: Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Lưu trinh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/giai-bai-toan-kinh-phi-1129572.tpo