Giấc mơ về 'ngôi nhà và những đứa trẻ'

Chứng kiến cảnh những người bạn cùng là CNLĐ khi lập gia đình phải bươn chải kiếm tiền, tằn tiện dành dụm từng chút để nuôi con ăn học… nhiều người đã “không dám” nghĩ tới việc lập gia đình. Họ có chung suy nghĩ: Với thu nhập hiện nay, sống một mình đã khó, sao dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con, bởi mới chỉ nghĩ đến thôi đã thấy không kham nổi, lại làm khổ người ta.

Các nữ công nhân Khu công nghiệp TP.Cần Thơ lo bữa ăn tại khu trọ. Ảnh: Nguyễn Thị Phượng

Mẹ bận đi làm, con phải nghỉ học

Chồng phải ở nhà do bệnh tật, không thể LĐ, đứa con trai lớn làm CN ở KCN tại TPHCM nhưng cũng rất khó khăn, mọi kế sinh nhai của gia đình đều do chị Nguyễn Thị Kim Liễu (CN Cty thực phẩm Pataya Cần Thơ) cáng đáng. Ngày làm việc của chị Liễu kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, sau đó, chạy xe về nhà ở huyện Thới Lai, Cần Thơ (đi về hết thảy 30km). Thế nhưng thu nhập cũng chỉ 3 triệu đồng. “Tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn, tháng nào mà không bị thiếu hụt là mừng lắm rồi, chứ dám mơ gì đến chuyện dư dả. Trước đây, đứa con nhỏ còn đi học, nhưng do tôi bận quá, phải tăng ca liên tục ở Cty, nên không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con, bây giờ nó nghỉ học luôn rồi” - chị Liễu tâm sự.

Thu nhập của vợ chồng anh Võ Văn Hùng (CN Cty thủy sản Caseamex Cần Thơ) chưa đến 8 triệu đồng/tháng. Gần 10 năm nay làm công nhân, nhưng họ không tiết kiệm được đồng nào, thậm chí có tháng phải đi vay mượn. Ước mơ của họ là cố gắng dành dụm để mua một căn nhà nhỏ nương thân, nhưng cơm không đủ ăn thì nói chi đến nhà cửa. Vợ chồng anh và cô con gái nhỏ (7 tuổi) phải thuê trọ đã 10 năm qua với đủ mọi chi phí chồng chất lên cuộc sống.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hùng, tổ chức CĐ đã hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ Mái ấm CĐ để anh chị dựng nhà ở quê (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ). Sau đó, anh phải đi vay mượn thêm 40 triệu đồng nữa để xây MÂCĐ kiên cố. Có nhà rồi, giờ vợ chồng anh lại phải LĐ cật lực và canh cánh nỗi lo kiếm tiền để trả nợ.

Buộc phải làm thêm

Khi được hỏi về tiền lương của mình, chị Nguyễn Thị Nga (CN Cty SaBu Vina, Hóc Môn, TPHCM) đã không trả lời mà còn hỏi lại: “Người ta sẽ làm gì với 10 triệu đồng tiền lương của hai vợ chồng mỗi tháng kiếm được, nhưng phải lo cho gia đình gồm hai vợ chồng, hai đứa con, chăm lo cho mẹ già…!?. Rồi tự chị diễn giải: “10 triệu tiền lương của hai vợ chồng tôi đã là cao so với lương tối thiểu vùng (LTTV) mà Nhà nước quy định các DN phải áp dụng. Cả gia đình 5 người chúng tôi phải trông chờ với thu nhập của hai vợ chồng. Chúng tôi phải tằt tiện với các khoản chi tiêu. Chỉ riêng tiền nhà 1,5 triệu đồng/tháng, tiền gửi con hai cháu hết 3 triệu đồng… thử hỏi số tiền còn lại gia đình 5 người chúng tôi sẽ ăn uống thế nào với các khoản chi khác như thực phẩm, tiền gas, mắm muối, dầu mỡ, chưa kể việc hiếu lễ và nhu cầu sinh hoạt tối giản nhất của con người từ giấy vệ sinh, dầu gội, bột giặt…”.

Mỗi ngày, gia đình chị Nga chi không quá 50.000 đồng để đi chợ lo bữa ăn cho 5 người, vậy là mỗi người 10.000 đồng cho 3 bữa ăn. Mỗi bữa ăn, một người chỉ được phép ăn trong giới hạn 3.300 đồng. Một gói mì bây giờ loại rẻ nhất cũng đã có giá 3.500 đồng. Vậy thì NLĐ sẽ sống như thế nào?”. Chị Nga “bật mí” thêm về việc làm thế nào để duy trì cuộc sống gia đình: Ở DN, ngoài lương cơ bản được tính dựa trên LTTV, thì CN có thể đăng ký làm tăng ca; có người ngoài giờ làm việc ở Cty thì đi làm bên ngoài, chạy sô đủ thứ việc như phụ quán café, chạy xe ôm, bán vé số… “Nếu chỉ trông ngóng vào tiền LTTV mà Nhà nước quy định thì người CN như chúng tôi, tồn tại không đã khó, huống chi đến sống cho đàng hoàng” - chị Nga thở dài.

Chị Trần Thị Hồng (CN Cty giày Rieker Việt Nam, đóng tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) lập gia đình cách đây vài năm vì cuộc sống mưu sinh, chồng chị phải lên TPHCM để kiếm việc, để 2 đứa con nhỏ để chị nuôi dạy, chăm sóc. “Tôi làm việc từ 7h - 15h là tan ca, vừa ra khỏi cổng Cty là phải tất tả vào chợ mua đồ ăn để nấu cho 2 con. Đến khi về tới phòng trọ thì đã rất mệt, nhưng vì 2 con nên tôi vẫn cố gắng làm thêm đơn đặt hàng của Cty để kiếm thêm thu nhập, không còn thời gian mà ngẩng mặt lên nữa” - chị Hồng than thở.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/giac-mo-ve-ngoi-nha-va-nhung-dua-tre-576453.bld