Giấc mơ ôtô Việt thất bại: làm gì tiếp?

Với điều kiện hiện nay, chúng ta nên đi vào công nghệ thông minh và có thể phải chờ đợi ít nhất 20 năm nữa.

Chính sách chưa nhất quán

Trong báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương, Bộ này thừa nhận, mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam đã chính thức thất bại, giá bán vẫn cao gấp đôi so với các nước trong khu vực, cùng với đó tỷ lệ nội địa hóa cũng không đạt yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên tại một cuộc họp với các Doanh nghiệp ô tô hồi tháng 2/2017, Bộ Công Thương lại đưa ra ba nhóm giải pháp, trong đó sẽ tập trung tạo dựng thị trường cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, bảo hộ hợp lý thị trường; hỗ trợ các nhà sản xuất để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Với điều kiện hiện nay, Việt Nam không thể có công nghiệp ô tô. Chúng ta nên đi vào công nghệ thông minh và chờ đợi ít nhất 20 năm nữa. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Khắc Trai – Nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc các chính sách về ô tô của Việt Nam chưa thật sự biến thành hành động cụ thể. Trước đây, vị chuyên gia đã từng góp ý nhiều lần với Bộ ngành chức năng tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa được xem xét một cách nghiêm túc.

Theo PGS Trai, công nghiệp ô tô hoàn toàn khác hẳn so với các ngành khai thác khoáng sản hay đầu tư bất động sản.

“Công nghệ xây dựng không quá khó. Công nghệ khai thác, đào đất lên bán cũng không khó mà lãi nhiều. Còn với công nghệ ô tô đòi hỏi phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ những người tâm huyết và có trí tuệ mới làm được ô tô. Nếu chỉ tâm huyết hay chỉ có tài chính không cũng không thể đi được”, ông Trai khẳng định.

Nhắc đến công nghiệp ô tô Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng chúng ta chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ lắp ráp chưa đạt đến mức chúng ta mong muốn. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô vẫn thấp, chỉ đạt từ 5-7 %, nếu làm kịch cỡ cũng chỉ đạt 10%.

“Bộ Công Thương chưa đưa ra chủ trương cụ thể mà chỉ mới nói chung chung. Chúng ta phải biến thành các chính sách thực thi thực sự. Bây giờ không có chính sách cụ thể thì những điều Bộ Công Thương đưa ra sẽ không phát huy được hiệu quả đối với công nghiệp ô tô của Việt Nam”, ông Trai nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo nhận định của TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại đó là do chính sách chung chưa thật sự nhất quán.

Theo vị chuyên gia, khi xác định đầu tư phát triển ô tô, các cơ quan nhà nước phải tính toán đều đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên thực tế thị phần xe ô tô của Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún với nhiều chủng loại và dòng xe khác nhau.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển ô tô phải chia thị phần với nhau. Việc này ảnh hưởng lớn đến việc các doanh nghiệp đầu tư phát triển ô tô. Tuy nhiên trong các chính sách đưa ra, chúng ta chưa nhìn nhận rõ vấn đề này và có những điều chỉnh cho hợp lý.

“Chính sách chúng ta đưa ra không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Làm ô tô cần phải có tư duy mới hơn. Chúng ta đừng suy nghĩ phải làm tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất ô tô. Nếu Việt Nam tham gia thì cũng nên hướng tới việc làm một mắt xích trong chuỗi sản xuất ô tô”, ông Nhân nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Đừng hoài niệm giấc mơ ô tô Việt

Đừng ngộ nhận công nghiệp ô tô

Nhiều ý kiến cho rằng thừa nhận trên của Bộ Công Thương đã phản ánh đầy đủ thực trạng yếu kém của nền công nghiệp ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, những đề xuất mới của Bộ Công Thương vẫn hướng vào những ưu đãi đầu tư, bảo hộ cho những doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, thực chất là những doanh nghiệp FDI.

Nhìn nhận về động thái này, PGS Nguyễn Khắc Trai cho rằng, chúng ta không thể bỏ rơi hoàn toàn doanh nghiệp FDI. Việc đưa ra các chính sách để các doanh nghiệp này hoàn thiện cũng là cách để Việt Nam học tập, khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

“Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thì còn kéo theo nhiều bộ phận khác vào cùng. Do đó chúng ta phải có chính sách tương đối mềm dẻo. Theo đánh giá của tôi sự ưu ái quá với doanh nghiệp FDI cũng không nhiều. Có ưu ái thì chẳng qua cũng là ưu ái cá thể, ưu ái cá nhân, cụ thể ra là lợi ích của một nhóm nào đó”, ông Trai khẳng định.

Dưới góc nhìn của TS Trần Hữu Nhân, việc bảo hộ, đưa ra các ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước không phải là cách làm hay vào thời điểm này.

Theo TS Nhân, dù các chính sách được đưa ra có lợi cho các doanh nghiệp này nhưng sản phẩm khi sản xuất ra thị trường không đón nhận thì cũng không tạo được bước đột phá cho ngành công nghiệp ô tô.

“Các chính sách về bảo hộ, hỗ trợ tôi nghĩ rằng cũng rất khó có khả năng mang lại hiệu quả tốt đối với ngành công nghệ ô tô.

Muốn công nghiệp sản xuất ô tô phát triển thì người dân cũng cần phải thay đổi. Thay vì chỉ dành sự quan tâm đến ô tô nhập ngoại, người tiêu dùng nên tập dần làm quen với các sản phẩm có nguồn từ nội địa”, ông Nhân nói thêm.

Giấc mơ ô tô khó thành

Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về ô tô, PGS Nguyễn Khắc Trai cho rằng Việt Nam cần phải nhìn nhận một cách công tâm, công bằng, tránh tình trạng ngộ nhận, nâng cao quan điểm về nền công nghiệp ô tô.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/giac-mo-oto-viet-that-bai-het-ngo-nhan-lam-gi-tiep-3336020/