Giấc mơ… không xe máy

Lãnh đạo Hà Nội vừa cho biết: Dự kiến, vào năm 2025, khu vực nội đô của thành phố sẽ cấm xe máy lưu hành. Có nghĩa, nếu đếm ngược, thời gian chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa.

1. Nếu lấy cái mốc 10 năm, chúng ta có thể thấy câu chuyện của loại phương tiện giao thông này cũng gắn liền với những thay đổi trong kinh tế và đời sống xã hội.

Năm 1985, trước thời Đổi Mới, xe máy là tài sản vô cùng lớn mà mỗi gia đình đều mong sở hữu. Ở thời điểm ấy, chỉ một chiếc xe mang mác “xã hội chủ nghĩa” như Babetta, Java hay Simson cũng đã là điều không tưởng của rất nhiều người.

Năm 1995, ở thời mở cửa, các dòng xe Đông Âu như vậy không còn “mốt” nữa. Với những người có điều kiện, đỉnh cao của xe máy phải là DD, là Cúp 82 và đặc biệt là chiếc Dream II của Honda. Như trí nhớ của người viết, một chiếc Dream II khi ấy có giá hơn chục cây vàng, tương đương với một mảnh đất nhỏ.

Bởi thế, với cư dân đô thị, một chiếc xe như vậy vẫn có sức hút mãnh liệt, tới mức có nhà văn tự trào rằng ban nhạc ABBA có ca khúc I have a dream thì chúng ta có ca khúc I have a dream II.

Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, áp lực giao thông và nạn ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán nan giải. Ảnh: TTXVN

Để rồi tới năm 2005, trước sự tràn ngập của các dòng xe máy Trung Quốc, những chiếc Honda đã… mất giá đi rất nhiều và nhường lại “giấc mơ” cho những chiếc xe ga thời thượng. Để rồi, thêm 10 năm nữa, tới bây giờ, xe máy đã lùi xuống nhường chỗ cho ô tô trong tư cách “dấu mốc” về sự dư dả của mỗi gia đình.

Và chúng ta lại bắt đầu nghĩ tới 10 năm kế tiếp, khi Hà Nội cấm xe máy tại nội đô . Rồi thêm vài lần 10 năm nữa, nếu giữ được đà phát triển, hẳn toàn thành phố sẽ gần như không còn xe máy – trừ những người có thú chơi xe phân khối lớn hoặc làm công việc… giao hàng.

2. Đã có những ý kiến băn khoăn, thậm chí phản ứng trái chiều với kế hoạch cấm xe máy tại Hà Nội. Nhưng, nếu truy nguyên, cái chúng ta đang lo lắng là sự bất tiện khi thiếu vắng loại phương tiện này – chứ không hẳn bởi tình yêu, hoặc sự say mê đặc biệt theo tâm lý… hoài cổ.

Bởi, cứ như những gì đang diễn ra, xe máy ngày càng bộc lộ rõ hơn những nhược điểm của mình, trong những đô thị khổng lồ và có mật độ giao thông dày đặc như Hà Nội. Và chắc chắn, dù ủng hộ hay lo ngại trước việc hạn chế xe máy, tất cả những người đang sử dụng loại phương tiện này cũng đã hơn một lần được trải qua cảm giác mạnh trong cảnh tắc đường, hay sự lo lắng trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông.

Có nghĩa, những gì đang đặt ra cho cái đích gần 10 năm tới lại là một câu chuyện 2 chiều: nếu những công dân đô thị cần tạm biệt thói quen… lười vận động, có thể leo lên xe máy để phóng tới bất cứ đâu thì ngành quản lý lại cũng cần tổ chức được một mạng lưới giao thông công cộng đủ văn minh, an toàn, đủ rẻ để phục vụ cộng đồng. Và nhất là “phủ sóng” đủ rộng – để chỉ cần đi bộ vài trăm mét là có thể đặt chân lên metro hay xe bus.

Thay vì tranh cãi, chúng ta hãy mong về sự hoàn thiện ở cả 2 tiền đề ấy sau một vài chu kỳ 10 năm nữa, để có thể đến lúc chia tay xe máy với một suy nghĩ thoải mái rằng loại phương tiện này đã đến lúc làm xong… sứ mệnh của mình.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/giac-mo-khong-xe-may-n20160702075946209.htm