Giác hơi sai cách gây nguy hại gì đối với sức khỏe của bạn?

Giác hơi từ trước đến nay vẫn được biết đến như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh được sử dụng trong Đông y có tác dụng hút mủ ở mụn nhọt, trị cảm lạnh, bệnh cơ khớp… Tuy nhiên giác hơi sai cách sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Đào Hữu Minh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng các chất liệu như trúc, sành sứ, thủy tinh. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh”.

Giác hơi có thể phòng và chữa bệnh nhưng không phải bị mắc bệnh gì cũng có thể chữa bằng phương pháp này. Mới đầu, trong y học cổ truyền, giác hơi được dùng để hút mủ ở mụn nhọt, sau đó được phát triển để chữa các bệnh khác.

Giác hơi có thể chữa được nhiều bệnh.

Theo quan niệm của đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra thì bệnh chỉ nặng thêm. Thông thường, giác hơi chữa các chứng đau do hàn như đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ...

Do không nắm chắc chỉ định, kỹ thuật và những điều cấm kỵ của phương pháp giác hơi nên đã từng xảy ra không ít trường hợp bị tai biến giác hơi, khiến người được giác hơi lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” bị bỏng hơi, bị tai biến mạch máu não sau giác hơi dẫn đến liệt...

Dưới đây là những sai lầm người bệnh thường gặp phải khi giác hơi.

Giác hơi khi bị cảm nhiệt

Giác hơi vẫn được nhiều người đánh giá là có hiệu quả trong việc trị cảm. Tuy nhiên, nó chỉ đúng khi bạn bị cảm lạnh. Trong trường hợp bị cảm nóng (người sốt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác, táo bón, tiểu tiện vàng…) phải dùng hàn để chữa, mà giác lửa (dùng nhiệt) là trái nguyên tắc. Người bệnh sẽ sốt cao hơn, có thể bị co giật, trường hợp bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp thì nguy cơ tử vong rất cao.

Có thể gây mất máu

Với trường hợp sốt do mất máu, nếu giác hơi có chích máu thì tình trạng mất máu càng tăng. Ngay cả khi giác hơi không chích máu nhưng nếu người thực hiện mạnh tay vẫn có thể gây bật máu ở những nơi tụ máu hoặc gây tụ máu tạm thời, hụt máu ở một số vùng nhất định của cơ thể do máu bị huy động tới vùng giác. Vì vậy những người thiếu máu đặc biệt không nên giác hơi dù trong bất cứ trường hợp nào.

>>> Xem thêm: Thêm các liệu pháp mới giúp người bệnh giảm chi phí và thời gian điều trị

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và tránh lẫy nhiễm (do chảy máu), các bạn cần lựa chọn những cơ sở có uy tín và tay nghề cao.

Nhìn những lỗ thủng ghê rợn này, bạn có muốn đi giác hơi nữa không?

Bị bỏng vì nhiệt độ cao

Không chỉ gây bỏng do bất cẩn làm đổ cồn lên người bệnh nhân (như trường hợp của anh Hưng nói trên), nếu đốt ống giác quá nóng cũng dễ gây bỏng, tổn thương da cho bệnh nhân.

Phương pháp này đòi hỏi người giác hơi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đốt lửa đến độ vừa phải, thực hiện đúng kỹ thuật. Ngay cả khi với nhiệt độ vừa phải nhưng nếu giác lâu thì vẫn có thể gây bỏng và để lại sẹo.

Một điểm trừ nữa của giác hơi chính là luôn để lại vết bầm đen trên da dù sử dụng phương pháp nào (lửa hay nước), tùy theo mức độ hút của ống, mạch máu bị ứ đọng mà sẽ cho bạn vết bầm đen đậm hay nhạt. Vết bầm thường rất lâu tan, kéo dài hàng tuần.

Phản tác dụng khi thực hiện giác hơi quá lâu

Giác hơi được áp dụng trong đông y như một biện pháp hiệu quả làm giảm hiện tượng co cứng cơ, mỏi cơ và tán ứ. Nhưng khi thực hiện quá lâu hoặc thường xuyên thì lại gây ra phản tác dụng, trái ngược hoàn toàn với lợi ích ban đầu của nó.

Các bác sĩ cho biết, khi cơ đã được làm mềm (nhờ giác hơi) mà vẫn tiếp tục giác thì có thể gây ra tổn thương cơ. Ngay cả khi bạn thực hiện giác hơi với mục đích tán ứ nhưng thực hiện quá lâu lại có thể gây ứ máu nhiều hơn.

T/h

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/chua-benh/giac-hoi-sai-cach-gay-nguy-hai-gi-doi-voi-suc-khoe-cua-ban-71622