Giá vàng tăng làm các nhà đầu tư lúng túng

Chiều 25/9, Bảo Tín Minh Châu bất ngờ niêm yết giá vàng ở 30,53 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đ/lượng. Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng điều chỉnh tương tự .

- Vàng vốn được giới đầu tư xem là kênh đầu tư an toàn chống lại lạm phát, khủng hoảng, suy thoái, sự mất giá của tiền tệ. Đồng thời vàng cũng được xem là nơi trú ẩn của dòng tiền và là “vịnh tránh bão”. Bởi thế vàng đột nhiên “dậy sóng” một cách mạnh mẽ từ năm 2008 là kết quả của nhu cầu đầu tư an toàn vào vàng tăng lên do khủng hoảng kinh tế và hiện nay là nguy cơ suy thoái kép. Bên cạnh đó là sự biến động giá trị tiền tệ từ động thái điều chỉnh tỷ giá, tăng cung tiền của các nền kinh tế lớn: USD, EUR, Yên và Nhân dân tệ… Nguyên nhân và cảnh báo từ bên ngoài: Trong vòng 10 năm qua, đây là thời kỳ giá vàng đạt cao nhất mọi thời đại, tăng gấp 5 lần và đạt mức cao nhất vượt ngưỡng 1.300 USD/oz vào sáng 25/9. Giới đầu tư dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục leo thang trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm. Thậm chí nhiều người còn khẳng định rằng, nếu tính tới tỷ lệ lạm phát, trong vài năm tới giá vàng có thể lên tới 2.250 USD/ounce. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm thêm tiền vào nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng là nguyên nhân chính khiến đồng USD giảm giá mạnh trong tuần này. Phiên cuối tuần hôm qua, USD mất giá mạnh so với Euro, còn 1,35 USD/Euro từ mức 1,31 USD/Euro vào cuối tuần trước. Thêm vào đó, việc Chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm giảm giá đồng nội tệ của nước này khiến các nhà đầu tư rời bỏ đồng Yên, một kênh đầu tư vẫn được coi là an toàn đã hỗ trợ đẩy giá vàng lên cao. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Lind-Waldock từ Chicago cho rằng, mức 1.300 USD/oz là ranh giới giữa thị trường tăng và giảm. Một khi vàng phá xa khỏi ngưỡng này thì có nghĩa là thị trường vàng đang bùng nổ. Đây đang là thời điểm bất ổn nhất có thể của giá vàng. Nó đứng trước khả năng tăng mạnh nhưng cũng có nghĩa rằng sẽ bị điều chỉnh mạnh bất cứ lúc nào. Còn có yếu tố tỷ giá và cung - cầu ngoại tệ bên trong ? Sự tăng giá vàng trên thế giới đã tăng tốc giá vàng trong nước liên tiếp trong mấy tuần nay. Giá vàng trong nước tuần qua tăng 2% cao hơn so với mức tăng 1,7% giá vàng trên thế giới và đây đã là tuần tăng giá thứ 8 của vàng. Kể từ sau khi xác lập ngưỡng giá 30 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước ngày nào cũng xác lập đỉnh giá mới. Sở dĩ giá vàng tiếp tục níu giữ mức giá kỉ lục tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là do một số thông tin bất lợi về kinh tế Mỹ trong thời gian qua… Nguyên nhân giá vàng của VN tăng cao hơn giá thế giới là do ngoài yếu tố thị trường còn có yếu tố tỷ giá: trong khi giá trị USD giảm so với các đồng tiền khác thì tỷ giá USD/VND không thay đổi, thậm chí vẫn có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do sức ép “cầu” của các doanh nghiệp vay hoặc mua để thanh toán và trả nợ với khả năng đáp ứng từ lượng dự trữ ngoại tệ trong Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến chuyên gia còn đưa ra nhận định rằng VND đang bị định giá cao hơn giá trị bản thân nó và vẫn còn thấp so với USD cũng tạo kỳ vọng tiếp tục sẽ có một đợt điều chỉnh tỷ giá mới khi cán cân thương mại đang ngày càng nghiêng về nhập siêu từ nay đến cuối năm. Dường như tâm lý nội tệ sẽ mất giá trong tương lai đang ngự trị trong các nhà đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu. Giá vàng tăng sẽ làm “nguội lạnh” các kênh đầu tư khác: Vàng không thể sánh được với kim cương nhưng thứ kim loại này vẫn lên ngôi cao trong các cuộc khủng hoảng bởi vì một lý do rất đơn giản là nó có thể khống chế được tâm lý của người dân. Người dân sẵn sàng tích trữ kim loại quý này dù giá có tăng hay giảm. Nay giá vàng liên tiếp tăng và theo dự đoán sẽ còn tăng cho đến cuối năm, vì thế người dân đổ xô đi mua và bán vàng là điều dễ hiểu. Đấy là xét về khía cạnh tâm lý người mua và bán. Còn nhìn dưới góc độ của quy luật phát triển kinh tế có thể thấy giá vàng tăng bởi tỷ lệ lạm phát đang tăng vọt. Giá vàng tăng cao cũng cho thấy nhu cầu đầu tư an toàn vẫn còn mạnh và sẽ thu hút dòng tiền đổ vào kênh đầu tư này. Điều này sẽ làm hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế, cản trở kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra giá vàng tăng cũng tác động đến giá cả của các loại hàng hóa khác, làm chúng liên tục biến động, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế hiện nay. Thị trường chứng khoán, vốn được xem là thước đo sức khỏe của nền kinh tế cũng sẽ khó có sự gia tăng bền vững khi kinh tế thiếu tăng trưởng. Giá vàng thế giới tăng mạnh làm giá vàng tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Giá vàng trong nước tăng, ngoài việc gây áp lực lên giá các loại hàng hóa, cũng sẽ làm thị trường bất động sản bị ảnh hưởng, do hiện nay vẫn còn nhiều giao dịch trên thị trường này được định giá bằng vàng./. TH

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2043/201009/Gia-vang-tang-lam-cac-nha-dau-tu-lung-tung-1769625/