Giá trị vượt thời gian của Cách mạng Tháng Mười Nga

Trong lịch sử nhân loại, hiếm có cuộc cách mạng nào được nhắc đến nhiều như cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). 99 năm đã trôi qua, dấu ấn của “10 ngày rung chuyển thế giới”[1] vẫn còn in đậm nét trong nhiều sự kiện quốc tế hiện tại. Và có lẽ sự đặc biệt hơn cả của Cách mạng Tháng Mười Nga là dường như thời gian trôi đi lại chỉ càng giúp nâng cao thêm tầm vóc của cuộc cách mạng này.

Để đánh giá đầy đủ ý nghĩa của một cuộc cách mạng cần nhìn nhận nó trong cả một tiến trình lịch sử mới có thể tránh được sự phiến diện hoặc cường điệu và thường được căn cứ vào hai tiêu chí chính: thứ nhất là khả năng làm thay đổi đời sống (trong nước và quốc tế), thứ hai là những bài học mà nó để lại. Tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười đã được minh chứng trong rất nhiều công trình khoa học phần lớn theo tiêu chí đầu tiên. Ở đây, người viết xin được bổ sung thêm một cách nhìn theo khía cạnh thứ hai.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười là hội tụ của rất nhiều điều kiện giúp cho giai cấp công nông Nga thực hiện thành công việc giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản. Trong lịch sử, cũng đã có không ít lần, điển hình như cách mạng tư sản Pháp năm 1789, những người nghèo bị trị giành được chính quyền nhưng hoặc mau chóng bị thất bại hoặc lại bị biến dạng trở thành một phiên bản của những kẻ vừa bị chính họ lật đổ. Nhà nước xô viết ra đời thực sự đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại bởi tính chất và cách thức vận hành hoàn toàn khác so với các chính quyền phổ biến vào thời điểm đó (mô hình tư bản chủ nghĩa). Trong suốt 74 năm tồn tại, chính sự khác biệt này đã trở thành động lực thúc đẩy xã hội loài người vận động đi đến hình hài hiện tại. Nếu cuộc cách mạng tư sản Anh tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ quốc tế bằng việc thay thế mô hình nông nghiệp bằng công nghiệp – thương mại thì Cách mạng tháng Mười Nga thực sự là điểm khởi đầu cho mô hình toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa có thể coi là sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, một hệ quả tất yếu từ sự đối đầu giữa hai mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hoặc như toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành cũng được định hình từ chính sự đối lập này. Hầu hết các đặc điểm như tùy thuộc lẫn nhau, hợp tác – liên kết hay xung đột – chiến tranh khu vực v.v. của thế giới đương đại đều được định hình bắt đầu từ mối quan hệ giữa Liên Xô với phần còn lại của thế giới.

Đặc biệt, cách thức nhà nước xô viết xử lý các vấn đề kinh tế như tăng trưởng, thương mại, đầu tư; những vấn đề xã hội như công bằng, dân chủ, an sinh, môi trường, giáo dục; những vấn đề về quản lý từ vĩ mô đến vi mô v.v., mới thực sự là những bài học hết sức quý giá hoặc chưa được khai thác đúng mức hoặc tệ hơn là chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ta hãy lấy mô hình quản lý với vai trò độc tôn của nhà nước được áp dụng trong suốt chiều dài tồn tại của Liên Xô làm ví dụ. Trong xã hội có giai cấp, nhà nước luôn có một vai trò quan trọng không thể phủ nhận, đặc biệt trong những thời khắc cần huy động sức người, sức của của toàn xã hội. Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, không chỉ có chính quyền của Tổng thống Barack Obama mà ở hầu hết các nước phương Tây cũng đều phải sử dụng mô hình đề cao vai trò quản lý của nhà nước này.

Một điều hết sức thú vị là, xét về bản chất, Hiệp ước Maashtricht (năm 1992) về thành lập Liên hiệp châu Âu (EU) thực sự là phiên bản 2.0 (nhưng ở mức độ còn thấp hơn) của Tuyên bố thành lập nhà nước Liên bang các nước xã hội chủ nghĩa xô viết (Liên Xô). EU cũng đặt ra mục tiêu hướng tới nhất thể hóa, tức là rồi cũng sẽ tiến tới như kiểu Liên Xô. V. I. Lê Nin – người sáng lập ra Liên Xô, đã không ít lần khẳng định, một trong những điều kiện tối quan trọng để nhà nước Liên Xô tồn tại và phát triển là phải bảo đảm được sự bình đẳng và hài hòa giữa các quốc gia – dân tộc thành viên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô cũng chính từ sự vi phạm điều kiện này. Có thể do quan niệm nhà nước xô viết là một thất bại nên bài học quý giá này đã bị các nhà lãnh đạo EU bỏ rơi. Đó thực sự là một lãng phí khủng khiếp. Hậu quả là không ít thành viên của khu vực đồng euro, điển hình là Hy Lạp rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, bi kịch hơn là việc nước Anh – một trong tứ trụ của EU buộc phải tuyên bố ly khai (Brexit).

Một trong những bài học đắt giá nữa mà Cách mạng Tháng Mười Nga để lại đó là cách thức bảo đảm an sinh xã hội. Liên Xô đã bảo đảm cho tất cả người dân một cuộc sống miễn phí giáo dục, y tế v.v. nhưng chủ yếu dựa trên nền tảng các mệnh lệnh hành chính bắt buộc chứ không phải bằng những nguồn lực có thật. Hệ quả là Liên Xô dần suy kiệt về vật chất cũng như mô hình phúc lợi xã hội bị biến dạng thành kiểu “xin – cho”. Khiếm khuyết này đã được các nước Bắc Âu khắc phục bằng những “điểm dừng” theo đúng nguồn lực sẵn có và kết quả là những nước này trở thành những quốc gia có điều kiện sống tốt nhất thế giới hiện nay. Ngược lại, sự sao chụp mô hình Liên Xô đang khiến Venezuela rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Đối với mô hình quản trị đời sống quốc tế, một trong những di sản quan trọng mà Cách mạng Tháng Mười đã để lại – nguyên tắc “chung sống hòa bình”, do Lê Nin đề xướng. Chung sống hòa bình có thể coi là nguyên tắc ứng xử hữu hiệu nhất trong bối cảnh đối đầu hai cực. Nguyên tắc này đã giúp cho nhân loại thoát khỏi nguy cơ một cuộc thế chiến mới trong nửa cuối của thế kỷ 20. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, không ít người cho rằng, để bảo đảm an ninh cho nhân loại, nguyên tắc này cần phải thay thế bằng những nguyên tắc khác đại loại như “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ nhân quyền” hay “can dự linh hoạt” v.v. Hệ quả thì chúng ta đã quá rõ, thế giới vẫn đang “nóng” lên từng ngày. Thực tế này càng cho thấy, chính vì những quốc gia hết sức đa dạng nhưng lại buộc phải sống trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, thì nguyên tắc chung sống hòa bình lại càng cần được tiếp tục duy trì, đơn giản bởi tính hiệu quả của nó trong việc dung hòa những chỗ “lồi lõm của một thế giới phẳng”.

Hiến chương Liên hợp quốc cũng là một sản phẩm của kỷ nguyên xô viết nhưng cho đến nay vẫn không hề thay đổi về giá trị. Bởi lẽ, rất may là hầu hết các nhà lãnh đạo đều vẫn nhớ bài học thời Chiến tranh lạnh, chính việc các bên “buộc phải tuân thủ” những luật cơ bản của Hiến chương đã giúp nhân loại thoát khỏi thảm họa chiến tranh thế giới thứ ba.

Trên đây mới chỉ là một vài bài học “dễ nhìn thấy” nhất của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. 100 năm gần trôi qua nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều bài học từ cuộc cách mạng vĩ đại này chưa được khai phá. Tính chất vượt thời gian của những bài học này khiến chúng vẫn đang và sẽ là nguồn lực vô cùng to lớn giúp nhân loại khắc phục những khó khăn, trở ngại trong quá trình quản lý từ cấp độ quốc gia tới cấp độ quốc tế.

[1] Tên tác phẩm nổi tiếng về cuộc Cách mạng Tháng Mười của nhà báo người Mỹ John Reed xuất bản tại New York năm 1919

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/antuong/item/31205402-gia-tri-vuot-thoi-gian-cua-cach-mang-thang-muoi-nga.html