Giá trị từ cái cúi đầu của quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh

Nghỉ giữa giờ trận TPHCM - SLNA, Quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh từ khu VIP sang khán đài B để phân trần và xin lỗi khán giả. Một hành động chưa từng xảy ra đã xuất hiện trên sân Thống Nhất. Một cái cúi đầu biểu hiện cho sự cầu thị, mà với nhiều người có thể là “diễn”, “làm màu”, nhưng với không ít người, đó là điều đáng suy nghĩ, trân trọng với bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại.

Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh xin lỗi khán giả. Ảnh: THIÊN LỘC

“Bàn thắng đặc biệt”

Trận lượt về tứ kết Cúp Quốc gia - Sứ Thiên Thanh 2017 giữa TPHCM và SLNA đã kết thúc với chiến thắng 4-0 cho đội bóng xứ Nghệ. Tuy nhiên, trận đấu nhạt nhẽo đó chẳng có gì để nhớ, ngoài hành động có thể gọi là dũng cảm của Công Vinh. Đó là một “bàn thắng đặc biệt” ở một trận đấu vốn khá phổ biến và thậm chí như một đặc trưng ở sân cỏ bóng đá nội.

Hơn 500 CĐV TPHCM có mặt tại khán đài B đã bày tỏ sự thất vọng và thậm chí bực tức khi chứng kiến đội nhà để thua chóng vánh đến 3 bàn sau 30 phút bóng lăn. Họ cất lời trách cứ vì CLB TPHCM chơi với đội hình nhiều cầu thủ dự bị, thua dễ theo cách yếu đuối, bạc nhược. Bởi giận nên CĐV cuốn luôn lá đại kỳ trước khi kết thúc hiệp 1. Và nhiều khán giả đã sẵn sàng “chửi mắng” CLB, vì không tôn trọng CĐV với cách sắp xếp đội hình, thua dễ như thế.

Từ trên khán đài VIP, Công Vinh nhận ra sự bất thường khi không còn nhìn thấy lá cờ lớn của CLB cùng những phản ứng của khán giả. Ngay lập tức, sau khi có thông báo bù giờ, cựu tiền đạo ĐTVN bước xuống sân để sang khán đài B. Liên tiếp là những cái cúi đầu và chắp tay, Công Vinh phân trần với số đông khán giả về lý do CLB TPHCM sử dụng đội hình dự bị trước SLNA ở Cúp QG.

“Cầu thủ của chúng ta có một số người bị chấn thương, với lực lượng như thế có đá được 13 trận đấu ở V.League hay không? Trận đấu tới, chúng ta gặp Long An - một trận đấu hết sức quan trọng với đội bóng. Các cầu thủ dự bị thì năng lực có hạn, còn bóng đá thì ai cũng muốn giành chiến thắng. Tôi mong mọi người có thể chia sẻ hoàn cảnh hiện tại với đội bóng.

Bây giờ thì chúng ta không thể chơi với đội hình mạnh nhất. Trận đấu này, nếu dùng các cầu thủ tốt nhất mà chơi kém thì mọi người có thể trách cứ. Đội hình dự bị và chính thức có sự chênh lệch quá lớn, nếu dùng mà các trụ cột bị chấn thương như vừa qua thì quá khó khăn lớn, khi mật độ thi đấu lên đến 4 ngày/trận, liên tục là các ngày 16, 20, 24, 28.6 và 2.7. Tôi biết để lấy được tình yêu của khán giả là điều rất khó nên tôi sang đây…” - Công Vinh thanh minh, mong muốn khán giả có mặt trên sân chia sẻ.

Đến bài học cho bóng đá Việt Nam

Sau câu chuyện Công Vinh xuống sân xin lỗi khán giả, một số quan điểm cho rằng Vinh “đánh bóng” hình ảnh cá nhân, “làm màu” hay “diễn”. Có một sự thật không thể chối bỏ là CLB TPHCM đã được “cứu một bàn thua” từ trên khán đài, ít nhất trong mắt CĐV của đội bóng. Và không có hành động có thể nhìn nhận là dũng cảm đó thì đội bóng có thể “ăn đòn đủ”, bị số ít khán giả gắn bó ruồng bỏ ở lượt về V.League 2017.

HLV Alain Fiard (CLB TPHCM) cho biết ông chưa bao giờ thấy cảnh tượng ấy trong suốt sự nghiệp. Và hành động của Công Vinh là cách tốt nhất để kết nối đội bóng với người hâm mộ. Đó là một điều đáng trân trọng chứ không phải và không nên suy diễn theo ý nghĩ thiếu tích cực. Vì chính HLV người Pháp cũng cất lời xin lỗi khán giả nhà, khi xác định mục tiêu tối quan trọng là sân chơi V.League để trụ hạng.

Cần nhắc rằng 4 ngày trước trận lượt về tứ kết Cúp Quốc gia, sân Cần Thơ đã đối diện với cảnh tượng khán giả nhà la ó HLV Vũ Quang Bảo vì sử dụng đội hình dự bị trước Quảng Nam. Tuy nhiên, từ Ban lãnh đạo đến Ban huấn luyện XSKT Cần Thơ không có bất kỳ một động thái nào trấn an hay giải thích cho khán giả hiểu tình cảnh đội nhà khi đang đối diện với nguy cơ rớt hạng nên đá quân dự bị ở một sân chơi không được coi trọng, phải chơi vì trách nhiệm là điều bất khả kháng.

Câu chuyện của XSKT Cần Thơ cũng là vấn đề tồn đọng từ rất lâu của bóng đá Việt Nam. Các đội bóng gần như không biết cách kết nối với khán giả, trong bối cảnh khó khăn cần được cảm thông, san sẻ thì họ càng khiến cho CĐV, người hâm mộ mất niềm tin vì suy nghĩ bị thiếu tôn trọng, với những trận đấu chấp nhận “buông” để tránh cảnh rớt hạng.

Điều ấy cũng cho thấy được giá trị từ chuyện Công Vinh dám và có thể bước xuống sân sang khán đài B, đối diện với hơn 500 khán giả để thẳng thắn chia sẻ về khó khăn của CLB TPHCM rồi nói lời xin lỗi, mong nhận được sự cảm thông. Có thể là “diễn” hoặc có chút “màu sắc showbiz” nhưng ở khía cạnh tôn trọng CĐV của đội bóng, những người bỏ tiền ra mua vé hoặc bỏ công sức, thời gian để đến sân cổ vũ, ủng hộ CLB, Vinh làm đúng và cần thiết. Thậm chí, đó còn có thể được xem là một bài học hữu ích cho các đội bóng trong việc ứng xử với khán giả của mình, ít nhất là ở khía cạnh họ là một khối thống nhất, san sẻ trách nhiệm với đội bóng, chứ không phải chỉ đông vui lúc chiến thắng, còn thất bại thì “chửi bới cho sướng miệng”.

“Tôi luôn cảm ơn CĐV đã dành tình cảm cho đội bóng. Phải có sự giận dữ như thế thì mới hiểu được họ dành tình cảm thế nào cho CLB. Và tôi cùng Ban huấn luyện, các cầu thủ luôn biết ơn, trân trọng điều đó. Nó chính là động lực lớn để chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai để không làm mọi người phải thất vọng” - Lê Công Vinh nói.

Lời xin lỗi và trần tình của Công Vinh đã được CĐV chấp nhận. Họ không còn buông lời trách cứ và căng lại lá cờ lớn để cổ vũ cho đội bóng trong hiệp 2. Nếu không có “hành động lạ” của Vinh thì chưa biết chuyện gì đã xảy ra và hậu quả thật khó lường, khi khán giả nhà phẫn nộ ngay từ phút 30 trước thực tế trên sân.

THIÊN LỘC

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/gia-tri-tu-cai-cui-dau-cua-quyen-chu-tich-clb-tphcm-le-cong-vinh-675755.bld