Giá trị lịch sử trong chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama

Nhấn mạnh thông điệp về thế giới phi hạt nhân, ông Obama đáp ứng được mong mỏi của các nạn nhân còn sống sót.

Là Tổng thống Mỹ đầu tiên có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima-vùng đất hứng chịu vụ tấn công bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, ông Obama đã đến thăm Đài tưởng niệm hòa bình, đặt vòng hoa bày tỏ tưởng niệm tới 140.000 nạn nhân đã thiệt mạng và thực hiện một bài phát biểu lịch sử về vụ tấn công hạt nhân năm 1945, đưa ra thông điệp hướng tới tương lai và gặp gỡ một số nạn nhân còn sống sót.

Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo và liên minh Mỹ - Nhật ngày càng được siết chặt. (Nguồn: Reuters/AP)

Thông điệp về thế giới không hạt nhân

Bài phát biểu của ông Obama không phải là lời xin lỗi về sự kiện lịch sử mà tập trung nhấn mạnh sự tàn phá của chiến tranh và đưa ra thông điệp rằng thế giới có thể và phải làm tốt hơn (hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân).

“Kí ức về buổi sáng ngày 06 tháng 8 năm 1945, chưa bao giờ phai… " và "Tại sao chúng tôi đến nơi này, tới Hiroshima? Chúng tôi đến để suy nghĩ về một sức mạnh khủng khiếp đã được sử dụng trong quá khứ không xa. Chúng tôi đến để thương tiếc những người đã mất", ông Obama cho biết.

Ông cũng kêu gọi hướng tới một tương lai mà ở đó "Hiroshima và Nagasaki được biết đến không phải là minh chứng của một cuộc chiến tranh nguyên tử mà là một khởi đầu của sự thức tỉnh lương tri".

Đây cũng là thông điệp của ông Obama tới các cường quốc hạt nhân khác, rằng nên giảm thiểu sự phụ thuộc vào một loại vũ khí nguy hiểm (hạt nhân) nhưngkhông có khả năng phân biệt giữa những người lính tham chiến và những người dân thường.

Nỗ lực ngoại giao

Chuyến thăm lịch sử của ông Obama tới Hiroshima là thành quả của 7 năm vận động ngoại giao giữa 2 nước Mỹ - Nhật.

Các nhà ngoại giao hai bên đã thảo luận về chuyến thăm này từ đầu tháng 8/2009 khi Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka gặp gỡ đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản thời điểm đó là John Roos. Tuy nhiên, hai quan chức này cho rằng quá sớm để Tổng thống Obama đến Hiroshima trong chuyến thăm nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản vào tháng 10 năm đó do trở ngại từ nội bộ hai nước. Điều này đã được tiết lộ sau đó trong các văn kiện mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do trang web WikiLeaks đăng tải.

Sau đó, chuyến thăm tới Hiroshima cũng không nằm trong chương trình nghị sự của các hội nghị song phương để chuẩn bị cho chuyến thăm thứ hai và thứ ba của ông Obama tới Nhật Bản, trong tháng 11/2010 và tháng 4/2014. Tuy nhiên, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ vào tháng 4/2015, Mỹ đề xuất rằng ông Abe nên đến thăm Trân Châu Cảng, Hawaii.

Ý tưởng này chủ yếu được Bộ Ngoại giao Mỹ xây dựng với lý do rằng, nếu thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên thăm Trân Châu Cảng, điều này sẽ xoa dịu sự phản đối từ phe bảo thủ và những người phản đối khác tại Hoa Kỳ chống lại việc Obama thăm Hiroshima. Tuy nhiên, Nhật Bản đã từ chối đề nghị này, vì nước này không muốn chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ diễn ra là một sự trao đổi với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Trân Châu Cảng.

Mặc dù không đến Trân Châu Cảng nhưng ông Abe đã thúc đẩy chuyến thăm của Obama tới Hiroshima bằng bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Mỹ - bài phát biểu đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản.

“Lịch sử rất khắc nghiệt. Cái gì đã làm không thể sửa lại được. Từ sâu thẳm trong tim, tôi luôn nguyện cầu cho các nạn nhân. Tôi xin được thay mặt cho đất nước và người dân Nhật Bản bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc tới toàn bộ người Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Và trước khi quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay tại Ise Shima, Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất chính thức nơi diễn ra hội nghị là Hiroshima – dường như để tạo điều kiện cho ông Obama đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân tại đây.

Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận điều này và cho rằng chuyến thăm của ông Obama đến Hiroshima nên được diễn ra với ý chí độc lập của nguyên thủ nước Mỹ. Thay vào đó, Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Ise Shima và Hội nghị của các Ngoại trưởng G7 sẽ diễn ra tại Hiroshima, quê hương của Ngoại trưởng Fumio Kishida.

Và hai bên nhanh chóng đồng thuận với quyết định này – điều mang đến ý nghĩa lịch sử cho cả Mỹ và Nhật Bản. Chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Hiroshima đã đặt nền móng cho ông Obama tới Hiroshima sau đó một tháng rưỡi, trong chuyến thăm ngày hôm nay.

Nhật Bản hoan nghênh

Nhật Bản phần lớn đánh giá cao mong muốn về tuyên bố của ông Obama tại Hiroshima là muốn thế giới không có vũ khí hạt nhân, một tham vọng mà ông đã được trao giải Nobel Hòa bình. Kết quả cuộc điều tra xã hội gần đây của Asahi Shimbun cho thấy 89% người Nhật thực tế đánh giá cao chuyến thăm này.

Những nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom tại Hiroshima và Nagashaki – đa phần đang chịu ảnh hưởng bởi các căn bệnh do phóng xạ và nay đã cao tuổi chờ đợi nhiều năm qua để nhận được một thông điệp từ tổng thống của nước Mỹ về những hậu quả thảm khốc của bom nguyên tử. Họ hi vọng rằng nhà lãnh đạo của nước Mỹ sẽ truyền tải câu chuyện của họ với phần còn lại của thế giới. Nhiều người dân Nhật bản đề cập đến chuyến thăm của Obama như một "bước đi đầu tiên" trong một quá trình lâu dài của sự hiểu biết và hòa giải.

Keni Sabath, cháu gái của một người sống sót sau thảm họa Hiroshima, nói rằng cô không hy vọng ông Obama nói lời xin lỗi. Phát biểu với BBC News từ Connecticut, cô nói: "Gia đình tôi không cảm thấy một lời xin lỗi là cần thiết. Đối với tôi, thực tế rằng Tổng thống Obama đã đến thăm nơi này là đã đủ của một sự thừa nhận những hành động của quá khứ và phản ánh nhu cầu cấp bách để ngăn chặn một Hiroshima khác trong tương lai ".

Michiko Kodama Hiroshima chỉ 7 tuổi khi bà được kéo ra từ đống đổ nát rải rác khắp thành phố Hiroshima. "Điều quan trọng là những gì ông ấy làm sau khi trở về đất nước của mình", bà nói với AP. "Tôi không chắc chắn những gì ông ấy sẽ phát biểu [tại Hiroshima]. Nhưng lúc ông ấy trở về sau khi chứng kiến những tác động của vũ khí hạt nhân, tôi hy vọng ông ấy sẽ sử dụng quyền lực còn lại của mình để truyền đạt rằng thế giới không nên sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là những gì tôi hy vọng sẽ nhìn thấy."

Củng cố liên minh Mỹ - Nhật

Đồng hành cùng ông Obama là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - một minh chứng về tình hữu nghị đang tồn tại giữa quốc gia duy nhất từng sử dụng bom nguyên tử và quốc gia duy phải hứng chịu thảm họa này.

Phát biểu tại Đài tưởng niệm, Thủ tướng Abe, bày tỏ lòng biết ơn đến những người dân Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện cam kết hòa giải trong vòng 70 năm qua và liên minh Mỹ - Nhật là một "liên minh của hy vọng".

Chuyến thăm của ông Obama cũng thể hiện sự ủng hộ đối với các chính sách hiện nay của ông Obama, bao gồm xây dựng hình ảnh Nhật Bản như một “quốc gia bình thường” để đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

7 thế kỉ sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 qua đi, chính phủ của ông Abe hiện nay cho biết những hạn chế đối với Nhật Bản – hậu quả của chiến tranh nay đã lỗi thời. Ông Abe cho rằng sự thay đổi chính sách, đặc biệt là về quân sự là rất quan trọng để tăng cường khả năng đối phó của Nhật Bản với tình hình an ninh mới hiện nay, trước một Trung Quốc mạnh mẽ và quyết đoán hơn và một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân đang hiện diện ở ngưỡng cửa của Nhật Bản.

Luật an ninh mới của Nhật Bản, dù đối mặt rất nhiều phản đối và tranh cãi đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 29/3, cho phép lực lượng phòng vệ của nước này tham gia chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II cũng như có sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ. Kyodo nhận định đây là một sự thay đổi chính sách quốc phòng bước ngoặt tại một đất nước có Hiến pháp quy định phản đối chiến tranh.

Vượt qua những nỗi đau của quá khứ, cho tới nay, quan hệ Mỹ - Nhật đang ngày càng phát triển và trở thành một trong những liên minh mạnh mẽ nhất trên thế giới.

An Bình (Tổng hợp)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/7/ho-so-quoc-te/146679/gia-tri-lich-su-trong-chuyen-tham-hiroshima-cua-tong-thong-obama.aspx