GIÁ TRỊ DU LỊCH HOÀI NIỆM

Trong tình cảm sâu thẳm của con người Việt Nam, hầu như ai cũng có một nơi thiêng liêng thầm kín nhất để tưởng nhớ, biết ơn các bậc tiên đế, tiên hiền đã có công khai cơ lập quốc, xây làng dựng ấp, mở mang nghề nghiệp và kiến tạo cuộc sống no ấm cho người dân.

Không những vậy, đồng bào ta cũng rất sâu nặng nghĩa tình đối với những người con đã có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước thoát khỏi cảnh ngoại bang xâm lược và giữ gìn bình yên cho sơn hà xã tắc. Biết bao đời nay, câu tục ngữ “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” đã đi vào lòng người dân như một tình cảm tự nhiên và trở thành một mỹ tục về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. “Tháng Tám giỗ Cha”, tức là tháng 8 âm lịch hằng năm tổ chức giỗ vị Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn-danh tướng kiệt xuất của dân tộc đã có công lao to lớn trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Đạo lý hiếu nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc đã bồi đắp cho người Việt một tình cảm hoài niệm, thể hiện niềm thương nỗi nhớ sâu nặng với những mảnh đất, con người đã để lại những dấu ấn, chiến công, đã làm rạng rỡ những trang sử hào hùng của dân tộc. Mỗi khi nhắc đến những địa danh như: Sông Bạch Đằng, sông Như Nguyệt, núi rừng Lam Sơn, gò Đống Đa… trong ký ức người Việt luôn rưng rưng một niềm cảm kích về những chiến công lừng lẫy của đất nước gắn liền với những tên tuổi anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… Đặc biệt trong thế kỷ 20, Việt Nam đã trở thành “tiêu điểm” của lịch sử quân sự thế giới khi dám đánh, quyết đánh và đã đánh bại hai thế lực thực dân, đế quốc hung bạo nhất thời đại. Bởi thế, Tổng thống Bra-xin Lu-ít Ina-xi-u Lu-la Đa-xin-va trong dịp đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10-7-2008, từng trân trọng đánh giá: “Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam là di sản cho cả nhân loại”.

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, nhưng bây giờ trên mảnh đất “di sản cho cả nhân loại” khi nói đến những địa danh như: Chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương và sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị)… có lẽ những người đi qua cuộc chiến sẽ không bao giờ phôi phai những năm tháng chiến đấu bi hùng của dân tộc. Vậy nên, mỗi khi trở lại thăm những địa danh này, những cựu chiến binh thêm một lần bồi hồi nhớ lại một thời cầm súng chiến đấu trên chiến hào và cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động thương nhớ đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống. Đối với những người chưa trải qua chiến tranh, nhất là lớp trẻ khi đặt chân lên những mảnh đất này sẽ thấm thía hơn giá trị của hòa bình, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu của cha ông để từ đó tự nhắc nhở, khuyên nhủ lòng mình phải sống làm sao cho không hổ thẹn với những người đã hy sinh. Còn đối với những du khách nước ngoài, trong đó có một bộ phận cựu lính chiến từng ở bên kia chiến tuyến, khi đến thăm các di tích lịch sử quân sự và chiến trường xưa ở Việt Nam, họ sẽ có cơ hội được trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh, để lý giải vì sao một nước Việt Nam đất không rộng, người không đông, vũ khí kỹ thuật có hạn mà dám đánh và đã đánh thắng giòn giã những đối thủ lớn mạnh nhất thời đại.

Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội chứa đựng một vẻ đẹp nhân văn bởi đây là cuộc hành trình mang ý nghĩa tâm linh, hồi tưởng về những giá trị lịch sử cao đẹp đã thuộc về Tổ quốc và nhân dân. Trong cuộc hành trình ấy, khi đứng chân trên các chiến hào, ụ súng, lô cốt còn hằn sâu những vết đạn bom; hay vào thăm các nhà ngục, nhà tù đế quốc gặp lại những hình hài bị tra tấn đau đớn đến tột cùng, có lẽ ai cũng chán ghét, căm thù và lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cũng trong cuộc hành trình ấy, đến thắp hương tưởng niệm cho hàng vạn liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9… không ai có thể dửng dưng trước sự mất mát, hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cha anh và thêm một lần, niềm khát vọng về hòa bình cho Tổ quốc và nhân loại sẽ mãi trường tồn cùng thời gian.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/gia-tri-du-lich-hoai-niem-513068