Giá thủy lợi sẽ vận hành như điện, xăng...

Việc chuyển từ phí thủy lợi sang dịch vụ thủy lợi không phải để thu tiền nông dân mà là để phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Đó là khẳng định của ban soạn thảo dự án Luật Thủy lợi.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư thủy lợi

Trao đổi với NTNN, ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), thành viên tổ soạn thảo dự án Luật Thủy lợi cho biết: “Dự thảo Luật Thủy lợi có rất nhiều điểm mới nổi bật, là bước đột phá lớn đối với sự phát triển của ngành thủy lợi. Thứ nhất, dự luật đề cập việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, trong đó nói rõ các công trình thủy lợi lớn phục vụ hàng nghìn ha, hồ đập hồ lớn, trạm bơm, đập dâng vẫn do nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư những hệ thống thủy lợi ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Còn đối với những công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (quy mô phục vụ từ 100-300ha), nhà nước khuyến khích tổ hợp tác, HTX đứng ra làm chủ, đầu tư, quản lý và khai thác, nếu có khó khăn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ. Đây là điểm rất mới so với trước”.

Việc thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư và quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang được ngành NNPTNT chú trọng (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Giá dịch vụ thủy lợi được đưa ra dựa trên cơ sở đầu vào xây dựng công trình, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác. Giá dịch vụ thủy lợi sẽ được vận hành tùy từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, giống như giá điện, xăng dầu...”.

Ông Đỗ Văn Thành

Một điểm mới nữa trong dự thảo Luật Thủy lợi là có 1 chương về thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; coi tổ chức cá nhân là chủ thể, họ đứng ra tổ chức xây dựng, quản lý khai thác để công trình thủy lợi hoạt động tốt và hiệu quả. Sau này sẽ có nghị định phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, đề cập đến tất cả các nhiệm vụ của thủy lợi nhỏ, nội đồng.

Hiện nay các công trình thủy lợi đang do HTX quản lý và thực hiện chi trả phí thủy lợi là chủ yếu. Khi Luật Thủy lợi đi vào thực tế, sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhiều người lo ngại điều này sẽ xảy ra sự cạnh tranh, khiến nông dân rơi vào thế yếu và dễ bị ảnh hưởng quyền lợi. Tuy nhiên theo ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi: “Nhà nước vẫn rất quan tâm củng cố, phát triển nâng cao tính hiệu quả của thủy lợi nội đồng, việc thu hút sự tham gia tích cực hơn, nhiều hơn của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong đó có người dân vào công cuộc xây dựng nâng cấp hệ thống thủy lợi là rất quan trọng. Mục tiêu của chính sách này là thu hút các nguồn lực, kể cả đóng góp ngày công của người dân để xây dựng thủy lợi nội đồng hiệu quả bền vững, làm cho hoạt động cung cấp dịch vụ thủy lợi tốt hơn, bình đẳng, công bằng và có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Ông Tự nhấn mạnh: “Sẽ không có sự bất bình đẳng giữa những người đầu tư hệ thống thủy lợi dù cho đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước, các đối tượng sử dụng nước cũng sẽ được hưởng lợi ích công bằng như nhau. Sự cạnh tranh trong quá trình cung cấp dịch vụ là tất yếu, cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy sự phát triển, điều này là rất tốt, sự cạnh tranh sẽ nâng cao tinh thần tự chủ, tăng cường sự tham gia kể cả vật chất và trách nhiệm của các đối tượng tham gia”.

Để dịch vụ thủy lợi tốt hơn

Lý giải về quy định giá dịch vụ thủy lợi thay thủy lợi phí, ông Đỗ Văn Thành cho rằng: “Việc chuyển sang giá thể hiện rõ sự minh bạch trong công tác thủy lợi, tạo ra nhiều nguồn lực để đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng thủy lợi. Hạ tầng thủy lợi càng tốt thì càng phục vụ tốt hơn cho người dân. Giá dịch vụ thủy lợi được đưa ra dựa trên cơ sở đầu vào xây dựng công trình, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác. Giá dịch vụ thủy lợi sẽ được vận hành tùy từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, giống như giá điện, xăng dầu...

Ông Đồng Văn Tự giải thích thêm: Mục đích của việc thay đổi từ phí thủy lợi chuyển sang dịch vụ thủy lợi nhằm làm rõ ràng về các đối tượng sử dụng nước. Nếu là doanh nghiệp thì phải trả tiền, còn nông dân sử dụng nước sản xuất nông nghiệp vẫn được hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước. Những đối tượng ở khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo, vùng 30a vẫn thuộc diện bao cấp toàn diện. Đó là định hướng của những người soạn dự án Luật Thủy lợi. Do vậy có một số ý kiến cho rằng chuyển từ phí thủy lợi sang dịch vụ thủy lợi là để thu tiền của nông dân là không đúng”.

Theo ông Tự, trong xu thế phát triển, đối tượng sử dụng nước ngày càng đa dạng, có thể là người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản, các tập đoàn đầu tư sản xuất nông nghiệp... Nước được sử dụng nhiều hơn nên cần thiết làm rõ các đối tượng sử dụng nước, cũng như đối tượng cung cấp nước, từ đó làm rõ trách nhiệm nghĩa vụ quyền lợi và các chính sách hỗ trợ đi kèm cho các đối tượng cụ thể.

“Cần phải bàn kỹ”

Ông Nguyễn Văn Đại – Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cho rằng: “Hiện mới là dự thảo Luật Thủy lợi, nếu triển khai ra thực tế cần phải bàn thật kỹ giữa các bộ, ngành liên quan đặc biệt cần lấy các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nông dân sản xuất nông nghiệp, nhất là người trồng lúa”.
Ông Đại cho nay, hiện nay Bắc Ninh có 2 đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi là Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và Nam Đuống đang hoạt động rất tốt, cung cấp nước đầy đủ cho 36.000ha đất lúa 1 vụ nên bà con rất phấn khởi. “Nếu có thay đổi gì, đặc biệt là việc chuyển hình thức sang “bán nước” cho nông dân, sợ sẽ đội thêm phí, bà con sẽ lo lắng nhiều hơn” – ông Đại nói.

Trần Quang (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/gia-thuy-loi-se-nhu-dien-xang-723329.html