Gia tăng trẻ em bị bạo hành, xâm phạm thân thể

Những năm gần đây, tình trạng bạo hành, ngược đãi, buôn bán, xâm hại… trẻ em ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Điều này, không những trở thành gánh nặng cho nhà nước, mà các tổ chức xã hội, nhà trường….

Mỗi năm, cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường cao hơn năm trước, trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Cả nước có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật...

Giai đoạn từ 2008-2010, cả nước đã có gần 4.000 vụ bạo lực trẻ em và khoảng 100 trẻ em bị giết. Một số trẻ em bị chính cha mẹ mình, cô giáo hay người thân có hành vi xâm hại, bạo lực.

Ngoài ra, nước ta còn có 176.000 trẻ em bị bỏ rơi và trẻ mồ côi. Các số liệu định tính cho thấy, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý có 80-90% trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được cho là “bị bỏ rơi”. Số trẻ em bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi tăng 400%.

Tình trạng bắt cóc trẻ em cũng nhức nhối không kém khi mỗi năm có đến gần 100 trẻ bị bắt cóc để bán sang Trung Quốc tập trung ở các địa bàn như: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… Các tỉnh biên giới như An Giang, Tây Ninh, tình trạng trẻ em gái bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia để đưa vào các ổ mại dâm khá nhiều.

Để đẩy lùi tình trạng bạo hành trẻ em cần nâng cao nhận thức của mọi người

Chị Linh Hồng - Hội bảo vệ quyền trẻ em VN cho rằng, để xảy ra tình trạng nạn bạo hành trẻ em tăng nguyên nhân do nhận thức của các em còn nhiều hạn chế, thể hiện ở khía cạnh hiểu biết pháp luật, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em; thiếu kinh nghiệm kỹ năng ứng xử về các vấn đề và tình huống mà mình gặp phải, nhiều khi các em còn cam chịu số phận để tiếp tục tồn tại.

Ngoài ra, do tuổi nhỏ sức yếu nên các em không tự bảo vệ mình trước cạm bẫy ngoài xã hội; trẻ em có tâm lý nhút nhát, sợ hãi trước lời hăm dọa cảnh báo nên mặc nhiên các em làm mất đi quyền được gia đình, cộng đồng và xã hội quan tâm.

Chiêm ngưỡng sân chơi trẻ em vùng cao
Thiếu sân chơi, trẻ em thủ đô chơi trước mũi "tử thần"
Bố mẹ đánh nhau, con trở nên cộc cằn
Bị bố xâm hại tình dục: Ám ảnh mỗi lần về nhà
"Mẹ sẽ giúp con tránh bị lạm dụng tình dục"

Một nguyên nhân nữa, để xảy ra tình trạng trên là sự phân hóa giàu nghèo, do khó khăn về kinh tế của một số gia đình dẫn đến việc xao nhãng, bỏ mặc trẻ. Đây là điều kiện làm nảy sinh các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em hoặc trẻ em vi phạm pháp luật.

Sự biến đổi các giá trị sống, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em. Từ đó, trẻ có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang kiếm sống, vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại… ngày càng gia tăng

Vì vậy, để giảm tình trạng này, chị Hồng cho rằng, chúng ta phải có quy định chặt chẽ trong luật, chế tài xử phạt nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này. Pháp luật cần có quy định bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo cũng như việc bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng hay thủ phạm.

Cần có các quy định về quy trình, trách nhiệm thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại cũng như những tiêu chuẩn cụ thể về đánh giá mức độ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em của các hành vi bạo lực, xâm hại để từ đó có kế hoạch và hạn chế tối đa những tổn hại có thể gây ra cho trẻ em.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Van-hoa/Gia-tang-tre-em-bi-bao-hanh-xam-pham-than-the/85662.info