Gia tăng tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tình trạng nợ đọng BHXH 6 tháng đầu năm 2017 đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Gia tăng tình trạng nợ đọng BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: ST.

23 địa phương vào “danh sách đỏ”

Tính đến hết tháng 6/2017, ngành BHXH đã thu đạt 140.304 tỷ đồng, bằng 49,53% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017, tăng 24.408 tỷ đồng (tương đương tăng 21,06%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH đạt 98.067 tỷ đồng, thu BHTN đạt 6.254 tỷ đồng, thu BHYT đạt 35.983 tỷ đồng.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, lũy kế đến ngày 31/6, tổng số nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13.488 tỷ đồng, chiếm 5,2% tiền phải thu. Trong đó nợ BHXH là 9.682 tỷ đồng, nợ BHTN là 540 tỷ đồng và nợ BHYT là 3.625 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số nợ BHYT thì nợ ngân sách chiếm tỉ lệ rất lớn. Cụ thể, lũy kế đến hết tháng 6, tổng số tiền đóng BHYT cho các đối tượng chính sách được ngân sách nhà nước cấp mà các địa phương còn nợ đã lên tới 2.221 tỷ đồng.

Hiện trên toàn quốc có 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành (5,4%); tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Hà Nội có tỷ lệ nợ BHXH, BHYT và BHTN 8%, Sơn La 7,6%; Gia Lai 7,6%; Bình Thuận 6,9%; TP. Hồ Chí Minh 6,2%. Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ lên tới 2 con số, như Bạc Liêu 17,4%; Bình Định 13,6%; Thừa Thiên - Huế 10,2%; An Giang 10%...

“Trước bối cảnh này, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như yêu cầu cán bộ thu phải bám sát đơn vị, định kỳ 15 ngày phải có thông báo yêu cầu doanh nghiệp trả nợ và nếu sau hai lần thông báo mà vẫn chưa trả được nợ thì phải đến đơn vị để làm biên bản và có cam kết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị để đưa danh tính các đơn vị nợ đọng BHXH lên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các bộ, ngành như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác giám sát, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ, cung cấp tình hình các đơn vị nợ để tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay, dường như các giải pháp trên chưa mang lại nhiều hiệu quả”, ông Thắng cho biết.

Chưa có đơn vị nào bị đưa ra xét xử

Tại Hà Nội, những DN nợ đọng BHXH tập trung trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may... Trong 6 tháng đầu năm 2017, BHXH Hà Nội đã chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn Lao động khởi kiện, với số nợ là 153,313 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, về vấn đề khởi kiện, từ năm 2017, Công đoàn và BHXH đã phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện điều 14 của Luật BHXH nhưng đến nay vẫn chưa đưa được vụ việc nào ra xét xử vì có nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do có sự chồng chéo trong thực hiện luật. Hiện nay có những vụ, khi phía Công đoàn chuyển sang cho tòa án thì rất nhiều hồ sơ đã bị tòa án trả lại vì không đúng trình tự thủ tục, có những vụ án đã nhận nhưng chưa đưa ra xét xử. Nguyên nhân là do nếu Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH phải theo thủ tục tố tụng lao động, tức là phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể sau đó phải đưa lên Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết, nếu giải quyết không thành hoặc quá thời hạn mà UBND cấp huyện không giải quyết khi đó mới được chuyển sang tòa án. Đặc biệt, theo thủ tục, phải là Công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc ủy quyền theo một trình tự thủ tục tố tụng lao động. Do quy trình, thủ tục phức tạp và còn nhiều vướng mắc nên đến nay chưa có một vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Vì vậy, theo ông Quảng, khởi kiện chỉ là một giải pháp, tuy nhiên trong quá trình phối hợp giữa ngành BHXH và Công đoàn để đưa doanh nghiệp nợ ra tòa án thì rất nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được số tiền nợ BHXH. Cụ thể, trong suốt quá trình làm thủ tục khởi kiện hơn 1.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp chủ động tự khắc phục. Đồng thời, qua công tác này trách nhiệm của hệ thống Công đoàn trong giám sát thực hiện BHXH cũng được nâng cao.

Khi các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc có chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì hầu như không giải quyết được. “Hiện nay các cơ quan chức năng đang đề xuất xây dựng nghị định để giải quyết được quyền lợi cho những trường hợp này. Hiện nay số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, bỏ trốn khá lớn nên chúng tôi đã xây dựng nghị định này theo hướng làm sao để khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn thì phải giải quyết quyền lợi cho người lao động, người lao động sẽ được chốt sổ tại thời điểm đó. Nguồn tiền bổ sung có thể lấy từ nguồn của doanh nghiệp nộp chậm để bù vào thời gian chưa đóng sau đó khi mà thủ tục giải thể, phá sản, thanh lý tài sản của doanh nghiệp đã được thực hiện thì ngoài chi phí theo quy định của luật còn lại để bù lỗ. Bên cạnh đó Quyết định 595/QĐ-BHXH về quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, cũng là một cách để giải quyết quyền lợi của người lao động trong những trường hợp này”, ông Quảng cho biết.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

Nợ ngân sách các địa phương chủ yếu là nợ BHYT và trong năm 2016, số nợ này có tác động không tích cực vì theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ thì nợ ngân sách với nợ doanh nghiệp là đối xử như nhau. Phần nào đã là nợ thì cơ quan BHXH sẽ không được tính vào quỹ sử dụng trong năm. Khác so với năm 2015 trở về trước, nếu ngân sách mà nợ thì vẫn được tính vào số thu nên quỹ khám chữa bệnh vẫn được tính 90% của tổng thu ngân sách cho BHYT từ phần đóng 100% đến phần hỗ trợ và được đưa vào phần kinh phí sử dụng hàng năm. Nhưng từ năm 2016, phần nợ ngân sách không được tính vào phần thu trong năm. Đồng nghĩa với việc không được tính 90% số thu đó cho việc sử dụng kinh phí khám chữa bệnh. Vì vậy rất nhiều tỉnh mà ngân sách nợ đến hàng trăm tỷ đồng (như Thanh Hóa) sẽ làm tăng quỹ bội chi vượt quỹ của các tỉnh đó lên.

Trong tuần tới, Ban thu của BHXH Việt Nam sẽ dự thảo một công văn gửi sang Bộ Tài chính kèm theo đó danh sách các địa phương mà hiện nay ngân sách còn nợ tiền đóng BHYT cho người dân để Bộ Tài chính có ý kiến trả tiền nợ đó vào quỹ BHYT của chúng ta, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn kinh phí của BHYT.

BHXH Việt Nam công bố các Quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý

Cụ thể, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa giữ chức vụ Phó trưởng Ban sổ - thẻ (BHXH Việt Nam), Quyết định có hiệu lực từ ngày 29/6/2017; ông Trần Văn Điềm - Trưởng khoa Nghiệp vụ BHYT (Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH) giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH; ông Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng Phòng Kế hoạch và Quản lý dự án (Trung tâm Công nghệ thông tin) giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và ông Nguyễn Văn Tình - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (BHXH tỉnh Bắc Ninh) giữ chức vụ Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang. Các Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Hồng Ánh - Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Bắc Ninh) giữ chức vụ Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh, và ông Lê Viết Thức - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (BHXH tỉnh Nghệ An) giữ chức vụ Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An. Các Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/8/2017.

Xuân Thảo

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gia-tang-tinh-trang-no-bao-hiem-xa-hoi.aspx