GIÁ NÔNG SẢN HÔM NAY 28.7: Cà phê tăng thần tốc 900 đ/kg, tiêu sẽ lên 90.000?

Giá nông sản hôm nay (28.7), dự báo giá cà phê nội địa sẽ xoay quanh mức 46.000 đồng/kg, do đã có một phiên tăng trưởng thần tốc trong ngày 27.7 (tăng tới 900 đồng/kg). Trong khi đó, những người trồng hồ tiêu đang rất phấn khởi vì giá đã tăng liên tiếp ngày thứ 3, giao dịch cao nhất ở mức 85.000 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay (28.7), dự báo giá cà phê nội địa sẽ giữ ổn định ở mức cao quanh 46.000 đồng/kg và khó có đột biến như ngày 27.7. Ảnh minh họa

Giá cà phê ổn định hoặc giảm nhẹ? 

Giá cà phê hôm nay (28.7), các chuyên gia thị trường nhận định giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ khó có thể tăng tiếp, song vẫn sẽ giữ ổn định quanh mốc 46.000 đồng/kg đã thiết lập được trong phiên giao dịch ngày 27.7. Nguyên nhân của sự chững lại được cho là ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới, khi chốt phiên lúc rạng sáng 28.7, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9.2017 tại sàn London đã giảm nhẹ 2USD/tấn, giao dịch ở mức 2.141 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 9 lại đi ngược lại và tăng 1,15 cent/lb, chốt phiên ở mức 135,95 cent/lb.

Trước đó, giá cà phê nhân xô trong nước đã bật tăng mạnh trở lại tới 900 đồng/kg, chạm mức 45.400 – 46.000 đồng/kg. Tại cảng TPHCM, giá cà phê robusta xuất khẩu theo giá FOB phiên 27.7 cũng đã tăng thêm 43 USD chốt tại 2.073 USD/tấn. Mức tăng này cũng theo đà tăng của giá cà phê thế giới, sau khi có thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,0 – 1,25%, đồng thời vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình lạm phát.

Giá cà phê so sánh tại thị trường nội địa: 

Nơi khảo sát Giá ngày 26.7 (VND/kg) Giá ngày 27.7 (VND/kg) Thay đổi
Lâm Đồng 44.500 45.400 +900
Đăk Lăk 45.100 46.000 +900
Gia Lai 45.200 46.100 +900
Đăk Nông 45.100 46.000 +900
Kon Tum 45.000 45.700 +700
TP.HCM (FOB) 2.030 2.073 +43

Bên cạnh đó, giá cà phê phục hồi nhanh được cho là có thông tin về dịch sâu bệnh hại cà phê, đặc biệt là bọ cánh cứng, sâu đục quả đang phát triển nhanh ở Brazil - nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới. Reuters cho biết, người trồng cà phê ở Brazil đang phải vật lộn với vấn nạn này, cộng với tình hình thời tiết bất lợi nên dự báo sản lượng cà phê của Brazil sẽ giảm thêm. Trước khi dịch sâu đục quả xuất hiện, Chính phủ Brazil từng dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm khoảng 11%.

Theo Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê tháng 6.2017 của Brazil giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.051.611 bao. Trong đó, cà phê arabica giảm 11% xuống còn 1.791.463 bao, Conilon robusta giảm 77,2% xuống còn 19.016 bao và cà phê hòa tan, chế biến giảm 31,8% xuống còn 241.132 bao, bao 60 kg. Trong niên vụ 2016-2017, nước này đã xuất khẩu 32,9 triệu bao cà phê loại 60kg/bao, giảm 7,4% so với niên vụ trước.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn giữ ước tính tiêu dùng cà phê rang xay nội địa Việt Nam niên vụ 2016/17 ở mức 2,5 triệu bao và ước tính tiêu dùng cà phê nội địa niên vụ 2017/18 là 2,55 triệu bao do tăng trưởng chuỗi cà phê và cửa hàng cà phê tiếp tục diễn ra nhanh. Dự báo tăng trưởng nhẹ trên thị trường cà phê nội địa do nhận định thị trường cà phê nội địa cần thêm các sản phẩm cà phê giá trị gia tăng để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giá tiêu tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg

Giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại các tỉnh phía Nam trong ngày hôm qua 27.7 tiếp tục tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, lên dao động trong khoảng 79.000 – 84.000 đồng/kg. Việc giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng giá sau 2 ngày tăng liên tiếp đã khiến người trồng hồ tiêu cũng như những chủ đại lý đang "ôm" hàng tấn tiêu rất phấn khởi.

Anh Sáng - một người trồng tiêu ở Đăk Lăk cho biết, tiêu đầu giá trong ngày 27.7 trên địa bàn đang ở mức 84.000 đồng/kg, sau khi cộng độ ẩm, thưởng chất lượng gia đình đã bán được với giá 89.500 đồng/kg.

Do giá hồ tiêu giảm và ở mức thấp suốt gần 2 tháng qua nên giao dịch hồ tiêu tại thị trường nội địa cũng khá ảm đạm. Bộ NNPTNT cho biết, trong tháng 7, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 19 nghìn tấn, giảm 4 nghìn tấn so với tháng trước, với giá trị đạt 87 triệu USD.

Giá tiêu tại một số vùng nguyên liệu chính (tham khảo). 

Tại Ấn Độ, thị trường tiêu đang chịu áp lực bán tháo rất lớn khi nguồn cung từ các doanh nghiệp nhập khẩu và tiêu nhập từ Sri Lanka về tăng mạnh. Giá tiêu giao ngay theo đó giảm tới 400 rupee về 46.800 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 48.800 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện nay sản lượng hồ tiêu Việt Nam, cũng như lượng hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60% nhu cầu của khách hàng khắp thế giới. Sản phẩm tiêu sạch của Việt Nam vẫn đang là nguồn hàng được ưa chuộng của các khách hàng khó tính như thị trường Mỹ, Đức, châu Âu, Nhật Bản,… Do đó, ngành hồ tiêu không lo thiếu khách hàng tiêu thụ mà phải tập trrung vào chất lượng tốt để chủ động hơn trong giao dịch hợp đồng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-nong-san-hom-nay-287-ca-phe-tang-than-toc-900-d-kg-tieu-se-len-90000-791300.html