Giá như 'Mở cửa' rộng hơn!

“Mở cửa” - triển lãm 30 năm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986-2016) đã khai mạc chiều 21.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (38 Cao Bá Quát, Hà Nội). 50 tác phẩm của 50 tác giả trưng bày kín phòng và “xâm lấn” cả không gian ngoài trời với những tác phẩm sắp đặt. Khá hoành tráng nhưng vẫn một chút tiếc nuối…

Đối thoại không lời

Ngoài trời, tác phẩm sắp đặt “Cầu mưa” của Nguyễn Bảo Toàn sáng tác năm 2016 lấy cảm hứng từ cổ tích dân gian VN “Cóc kiện trời” được tạo nên bởi nhiều chất liệu từ đời sống như gốm, gỗ, tre, rơm, nước… Quan niệm về không gian, thời gian, về tín ngưỡng của người Việt cổ kết hợp với cái nhìn đương đại về bảo vệ môi trường, trái đất ngày nay. Trong khi sắp đặt Thuyền - Nhà - Thuyền của Ly Hoàng Ly với chất liệu inox, sắt, gỗ lại mang một thông điệp mới mẻ trong câu chuyện hành trình của một người di cư - một biểu tượng ký ức của sự dịch chuyển. Nhiều khi thuyền là nhà, và nhà cũng là thuyền - tùy vào sự biến thiên trong tâm lý con người…

Tranh “Giấc mơ hoa hồng” của Lê Anh Vân.

Trong phòng là những thông điệp riêng thể hiện qua ngôn ngữ của hội họa: Màu sắc, hình khối, đường nét với những thể loại, chất liệu khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là những vấn đề đương đại về con người, kể cả khi đó là tranh trừu tượng. Mỗi tác giả đều chọn cho mình một tiếng nói riêng, dù không phải tiếng nói nào cũng mạnh mẽ, thậm chí có tiếng nói yếu ớt, nhưng khi đứng xa nhìn ngắm tổng thể thì đó là một bức tranh với nhiều mảng màu đậm nhạt khác nhau mang một cái tên chung: Đổi mới.

Nhưng, giá như các giám tuyển chia nhỏ mốc 30 năm đổi mới ra một số chặng đường để thấy rõ sự đổi mới trong các xu hướng sáng tạo, phong cách của các tác giả thì hẳn người xem ngoại đạo dễ hình dung hơn. Nhiều loại hình nghệ thuật đương đại xuất hiện ồ ạt và có dạo dậy sóng với sắp đặt (installation), trình diễn (performance), video art… trong thời kỳ đổi mới thì ở “Mở cửa” lại không thấy có. Đem thắc mắc này hỏi giám tuyển Nguyễn Đức Bình thì anh bảo: “Đúng là các loại hình trên từng phát triển một dạo, nhưng bàn đi tính lại thì chưa thấy có những tác phẩm video art hay trình diễn thực sự đọng lại!”

Phỏng vấn bằng lời

Phóng viên Báo Lao Động đã đặt hai câu hỏi với một số họa sĩ: “Vì sao ông lại chọn tác phẩm này để trưng bày, nó có ý nghĩa đổi mới như thế nào trong quá trình sáng tác của ông? Và thời kỳ đổi mới có tác động gì đến phong cách hội họa của ông?”. Thái Nhật Minh - 32 tuổi, tác giả trẻ nhất tham gia triển lãm - cho biết: “Tác phẩm trưng bày đây là tác phẩm mới nhất, là một trích đoạn của tác phẩm điêu khắc - sắp đặt “Chinh phu - Chinh phụ”, làm từ 2013-2016. Nó đánh dấu một quá trình trưởng thành, tìm tòi chất liệu, xử lý không gian, từ cách thức trưng bày đến ý tưởng nhất quán. Khi nhận lời mời triển lãm, tôi xem và thấy hành lang triển lãm thích hợp để bày tác phẩm này. Không khí đổi mới rất quan trọng, nó tạo điều kiện cho tôi giao lưu với bên ngoài, với các thế hệ đi trước và kết nối với thế hệ của mình nhiều hơn... Quan điểm nghệ thuật của tôi là vì con người, là bộc lộ tình cảm của mình với cuộc sống, con người”.

Họa sĩ Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN - chọn tác phẩm “Giấc mơ hoa hồng” tham gia triển lãm. Ông cho hay: “Giai đoạn này tôi đang vẽ về nude, với một loạt như tranh “Tiên dung”, “Bình phong”. Lần này tôi chọn tác phẩm “Giấc mơ hoa hồng” vẽ hai cô gái nude, ngoài vẻ đẹp thì tôi muốn chia sẻ việc xã hội đang nói đến giới thứ ba, và tôi biểu lộ tình cảm chấp nhận nó... Thực ra đổi mới mỹ thuật có từ lâu, chứ không phải chờ đến giai đoạn 30 năm đổi mới, vì sự đổi mới là nhu cầu tự thân của cá nhân nghệ sĩ.

Tôi nhớ hồi còn đi học, từ năm 1977 đi Hải Phòng vẽ thực tế, tôi đã không chấp nhận chỉ chép lại máy móc hiện thực mà có cảm xúc khác về ngôn ngữ, muốn tìm kiếm cái mới. Và nhiều thầy giáo, bạn bè đã chia sẻ, ngạc nhiên nhất là thầy Lương Xuân Nhị cũng khen “đẹp quá”, dù ông ấy vốn bảo thủ. Tôi nghĩ rằng trong các thầy có điều đấy, nhưng có một cái gì đó làm thầy không dám bộc lộ ra… Ý tưởng triển lãm “Mở cửa” rất hay, cách tổ chức rất hay, tôn trọng các tác giả, và khi xem triển lãm, tôi thấy các nghệ sĩ rất đàng hoàng, ai cũng cố gắng gửi tác phẩm nào phản ánh rõ nhất tinh thần của mình”.

Họa sĩ Phạm An Hải muốn gửi gắm thông điệp về môi trường qua bức tranh “Ngày xanh” sáng tác năm 2015, nói về phố Hà Nội, không gian bị ngập lụt... Đổi mới quá tốt cho cuộc sống, tôi cùng các họa sĩ khác được cởi mở hơn, sáng tác tự do hơn và bán được tranh. Không khí đổi mới tác động nhiều, làm mình thấy hào hứng phấn khởi hơn và trong sáng tác, tự cho phép mình gửi những thông điệp mạnh mẽ hơn”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/gia-nhu-mo-cua-rong-hon-594401.bld