Giá nhân công rẻ, Việt Nam thành điểm đến cho dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc

Trong nhóm 12 thị trường có giá nhân công rẻ, Việt Nam đang đứng ở ngưỡng trung bình, dưới 4.000 USD/năm, rẻ bằng một nửa Trung Quốc với 9.000 USD/năm (mức cao nhất trong bảng xếp hạng 12 quốc gia có giá nhân công rẻ). Lợi thế này đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến cho làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc.

Savills vừa công bố báo cáo tình hình bất động sản công nghiệp nửa đầu năm 2016. Đơn vị này cho biết, giá nhân công của Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây (hiện đang ở mức cao nhất với 9.000 USD/năm) đã gây áp lực lớn lên những ngành công nghiệp thâm dụng nhân công tại quốc gia như: da dày, dệt may, chế biến chế tạo. Vì vậy, quốc gia này đang đối mặt với một làn sóng ra đi của các công ty nước ngoài.

Giá nhân công của các nước trong khu vực

Theo Savills, với vị thế là một nền kinh tế có kết nối giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi sang Trung Quốc, Việt Nam đang trở thành điểm đến sáng giá cho làn sóng dịch chuyển này. Trong đó, các yếu tố hỗ trợ chính cho Việt Nam bao gồm: là thành viên của ASEAN, đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường xuất khẩu lớn và giá nhân công thấp hơn một nửa so với Trung Quốc.

Cụ thể, dưới tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do, FDI của Việt Nam đã tăng đột biến sau khi kết thúc đàm phán các hiệp định TPP và EVFTA cuối năm 2015. Trong nửa đầu 2016, Việt Nam đã tiếp nhận 1.145 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt 7,5 tỉ USD, tăng 95% theo năm. Ngành chế biến chế tạo nhận được quan tâm lớn nhất với 71% số vốn FDI đăng ký. Về mặt địa lý, Hải Phòng và Hà Nội có hoạt động tốt nhất với tổng vốn FDI đăng ký của 2 thành phố chiếm 30%, theo sau là Bình Dương với 9% và Đồng Nai với 8%.

Trong đó phải kể đến các dự án từ các nhà đầu tư khổng lồ từ Đông Á như: LG (Hàn Quốc) đầu tư 1,5 tỉ USD vào nhà máy màn hình OLED ở Hải Phòng. Các khoản đầu tư từ Hàn Quốc hiện chiếm 35% tổng vốn FDI đăng ký với 4 tỉ USD. Nhật Bản và Singapore theo sau với 1,2 tỉ USD và 1,1 tỉ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với 11% và 10% dòng vốn.

Trong nửa đầu 2016, theo Savills, 6 khu công nghiệp mới đã cung cấp 700 ha diện tích cho thuê, nâng tổng số khu công nghiệp lên 218 với tổng diện tích 59.700 ha. Diện tích cho thuê xấp xỉ 41.000 ha. Tổng diện tích cho thuê của nửa đầu năm 2016 đạt 28.500 ha, tăng 5% so với nửa cuối 2015. Nguồn cung tăng, công suất cho thuê đã tăng đến 70% nhờ dòng vốn FDI.

Savills đánh giá, TP.HCM hiện đang được hưởng lợi thế từ hệ thống cảng hàng không và cảng biển quốc tế, các khu công nghiệp của TP.HCM được phát triển khá sớm và đặt tại các quận huyện vùng ven. Dù vậy trọng tâm đầu tư đang dịch chuyển dần sang các ngành công nghệ cao, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng nhân công và đất đai ít được khuyến khích tại đây.

Tình hình hoạt động của ngành bất động sản khu công nghiệp ở miền Nam

Tuy nhiên, với vị trí gần các cảng quốc tế của TP.HCM và quỹ đất lớn, Bình Dương và Đồng Nai đang giữ vị thế là trung tâm công nghiệp của miền Nam Việt Nam, trong đó mỗi tỉnh thu hút được xấp xỉ 1 tỉ USD cho ngành chế biến chế tạo trong nửa đầu năm 2016.

Long An cũng tăng tốc đáng kể trong thời gian gần đây với 16 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, cung ứng khoảng 3.000 ha diện tích cho thuê. Trong nửa đầu 2016, Long An tiếp nhận 350 triệu USD vốn FDI đăng ký, mức cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Công suất cho thuê trung bình của Long An hiện ở mức 60%.

Tại miền Bắc, Savills nhận xét Hải Phòng với lợi thế cảng biển quốc tế, và cũng là tỉnh tiên phong trong phát triển khu công nghiệp ở phía Bắc. Nomura và Nam Cầu Kiên là những khu công nghiệp thành công tiêu biểu với công suất cho thuê đạt từ 90-100%. Trong nửa đầu 2016, Hải Phòng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 1,8 tỉ USD vốn đăng ký.

Tình hình hoạt động của ngành bất động sản khu công nghiệp ở miền Bắc

Trong khi đó, Hà Nội và các tỉnh lân cận lại có được lợi thế từ sân bay quốc tế Nội Bài. Công suất cho thuê trung bình của các khu công nghiệp trong vùng vượt 70%. Sức cạnh tranh của cũng đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường cao tốc kết nối đến Trung Quốc và các cảng biển của Hải Phòng.

Trong nửa đầu năm 2016, các tỉnh trong khu vực tiếp tục duy trì thu hút đầu tư ở mức cao, trong đó Bắc Ninh thu hút được 563 triệu USD vốn FDI đăng ký mới và Vĩnh Phúc tiếp nhận 563 triệu USD.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/gia-nhan-cong-re-viet-nam-thanh-diem-den-cho-dich-chuyen-dau-tu-tu-trung-quoc-44362.html