Giá nguyên liệu giảm, vì sao giá sữa không giảm?

Dư thừa nguồn cung, giá sữa nguyên liệu thế giới liên tục giảm và đã có thời điểm xuống thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Song, nghịch lý của thị trường sữa Việt Nam- nơi nhập khẩu tới 80% nguồn nguyên liệu từ thế giới- vẫn tiếp tục 'neo' giá.

Theo số liệu được Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương công bố, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12% - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc, với biên độ giảm từ 30% - 35% so với tháng trước.

Cụ thể, tại thị trường châu Âu, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) tiếp tục giảm 75 - 225 USD/tấn, còn 1.650 - 1.925 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 125 - 400 USD/tấn, còn 1 900 - 2.475 USD/tấn (FOB). Giá bột whey là 650 - 850 USD/tấn, giảm 150 USD/tấn so với tháng trước.

Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) giảm 400 - 450 USD/tấn, xuống còn 1.325 - 1.700 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 300 - 525 USD/tấn, xuống 1.450 - 2.000 USD/tấn (FOB).

Nguyên nhân của việc sữa nguyên liệu giảm được cho là do nguồn cung sữa hiện vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Úc, sản lượng sữa tiếp tục tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014, khiến nguồn cung sữa khu vực này dư thừa, giá sữa giảm mạnh.

Dự báo, nguồn cung sữa sẽ tiếp tục dồi dào cho đến hết năm 2015, đặc biệt áp lực dư cung ở châu Úc sẽ khiến giá sữa thế giới có thể tiếp tục giữ ở mức thấp trong tháng tới. Song điều đáng nói là thị trường sữa trong nước hầu như không hề ghi nhận sự giảm giá nào của các doanh nghiệp sữa, nhất là những sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi - mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn giá của Chính phủ.

Hiện, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia. Cụ thể 1kg sữa thành phẩm ở Việt Nam có giá 16 USD; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg còn Malaysia là 10,9 USD/kg…

Doanh nghiệp mượn cớ chi phí tăng để không giảm giá sữa.

Doanh nghiệp mượn cớ chi phí tăng để không giảm giá sữa.

Vấn đề đặt ra là giá sữa, dù cao, nhưng đã được các doanh nghiệp thực hiện theo đúng giá trần của Bộ Tài chính đề ra. Theo đó, kể từ khi áp trần giá sữa đến nay, các doanh nghiệp (tạm cho là) đã thực hiện đúng quy định trần của Bộ Tài chính, nên không việc gì phải giảm giá dù giá nguyên liệu đầu vào có giảm đến đâu nữa.

Điều này đồng nghĩa với vô hình trung, việc áp trần đã “bảo hộ” giá cho các doanh nghiệp: chỉ cần đúng trần, không cần biết đắt đến đâu, cao thế nào, vì cái đó có… người tiêu dùng chịu. Ngoài ra, có một điều rất nghịch lý đó là dù sữa nguyên liệu giảm, nhưng sữa nhập khẩu thành phẩm (nguyên hộp) khi kê khai giá nhập khẩu tại Hải quan vẫn không hề giảm, mà giữ ổn định hàng năm nay. Trong khi số lượng sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp này chiếm tới 70% tổng số hơn 700 dòng sữa nằm trong danh mục kê khai giá, tương đương với khoảng hơn 500 dòng sữa.

Đây là nghịch lý mà dư luận đặt ra đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ để có biện pháp xử lý, vì hiện nay, cơ quan quản lý giá chỉ có thể kiểm soát thị trường trong nước, không thể kiểm soát giá thành các sản phẩm thành phẩm ở nước ngoài, nên khi doanh nghiệp giữ nguyên giá kê khai nhập khẩu tại Hải quan, thì không có lý do để bắt họ giảm giá bán lẻ trong nước. Riêng với 200 dòng sữa còn lại, đa số điều nhập nguyên liệu từ nước ngoài về, song cho đến nay, dù nguyên liệu ngoại nhập giảm, giá sữa vẫn “án binh bất động”.

“Nguyên liệu giảm nhưng sữa thành phẩm nhập khẩu không giảm”

- Giá sữa nguyên liệu giảm, tại sao giá sữa trong nước không giảm?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua theo dõi, cập nhật thông tin giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc cho thấy giá loại nguyên liệu tại hai thị trường này có xu hướng giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, mức giá này là mức giá chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước rất nhiều loại được nhập từ 25 quốc gia. Các nguyên liệu nhập khẩu không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mà còn được sử dụng để sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho phụ nữ mang thai, người già...

Riêng với nguyên liệu nhập khẩu dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng. Đặc biệt, đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tới 70% là các sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp, nhưng giá thành kê khai tại Hải quan của các doanh nghiệp từ tháng 6 năm 2014 đến nay nhìn chung là ổn định. Do vậy, giá sữa nhập khẩu thành phẩm khi nhập về Việt Nam không tác động đến giá bán trong nước. Đây cũng là nghịch lý mà dư luận đặt ra, các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu kỹ để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

-Trước tình trạng sữa nguyên liệu giảm mạnh mà giá sữa trong nước không giảm, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp gì để giải quyết?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi theo dõi sát sao diễn biến giá sữa nguyên liệu qua thông tin của cơ quan Hải quan để có biện pháp phù hợp. Mặt khác, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra việc xác định giá tối đa, kê khai giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân tính toán, phân bổ chi phí hợp lý theo hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá phải thực hiện việc xác định giá tối đa. Cụ thể, các tổ chức phải xác định các khoản chi phí trong cơ cấu giá sản phẩm theo quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính đã ban hành.

Sau khi xác định theo quy định trên, phải thực hiện so sánh với sản phẩm tương quan (sản phẩm đã được xác định giá tối đa) để xác định mức giá tối đa cho sản phẩm của mình chuẩn bị đưa ra thị trường. Mức giảm tối đa tại bước này tiết giảm so với bước 1 khoảng 5-10%. Từ 1/6/2015 đến hết tháng 8/2015 có 39 sản phẩm mới ra thị trường và được xác định giá tối đa giảm từ 5-10% so với yếu tố hình thành giá…(Hà An)

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/gia-nguyen-lieu-giam-vi-sao-gia-sua-khong-giam-366040/