Giá nào đón đợi cổ phiếu Habeco khi bước sang sàn mới?

Kể từ khi lên giao dịch UPCoM, với 8 phiên giao dịch đều tăng trần, cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã đạt mức 144.700 đồng/cổ phiếu.

Habeco là một trong những doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán nhưng khối lượng cổ phiếu tự do giao dịch lại rất khiêm tốn

Habeco chuẩn bị xin ý kiến cổ đông việc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá nào đang đón đợi BHN khi bước sang sàn mới?

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường

Với biên độ lên tới 40% phiên chào sàn và 10% các phiên giao dịch sau đó, việc tăng trần liên tục của BHN đã tạo nên một hiện tượng thực sự trên thị trường chứng khoán.

Nếu đầu tư từ trước khi chào sàn, hoặc ngay sau khi lên UPCoM, nhà đầu tư đã có thể có được mức lãi 270% tính đến phiên giao dịch ngày 8/11/2016. Với mức tăng giá này, BHN là cổ phiếu có tốc độ tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ai có thể đạt được mức lợi nhuận này?

Trước khi cổ phiếu BHN lên UPCoM, BHN không được quá săn đón như người “anh em” của mình là cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sau khi lên UPCoM, cổ phiếu này dù tăng mạnh nhưng gần như không có giao dịch. Trong số 8 phiên giao dịch cho đến nay, 3 phiên đầu tiên, BHN chỉ khớp lệnh thành công 100 cổ phiếu. Các phiên giao dịch sau, dù thanh khoản đã nhích dần lên, nhưng khối lượng khớp thành công vẫn ở mức thấp.

Ngày 8/11/2016, BHN khớp lệnh 117.900 cổ phiếu, là mức khối lượng nhiều nhất đạt được, lớn gấp hơn 2 lần tổng khối lượng cổ phiếu đã khớp của 7 phiên trước đó, là 50.500 cổ phiếu.

Thanh khoản thấp, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, khối lượng đặt mua cổ phiếu BHN cũng rất khiêm tốn. Ngày chào sàn (28/10/2016), BHN được đặt mua bởi 1.619 lệnh, với tổng khối lượng chào mua là 2,441 triệu cổ phiếu. Thế nhưng, đến phiên ngày 7/11/2016, số lệnh đặt mua chỉ còn 176 lệnh, với tổng khối lượng đặt mua là 91.000 cổ phiếu.

Có 2 giả thiết cho việc nhà đầu tư ít đặt lệnh mua cổ phiếu Habeco: do giá cổ phiếu đã tăng cao nên sự quan tâm giảm sút; và do không có người bán nên người mua không đặt.

Cổ đông cô đặc, tăng giá là lẽ thường

Habeco hiện có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, với vốn hóa thị trường cuối ngày 8/11/2016 là hơn 29.183 tỷ đồng. Ở mức vốn hóa này, Habeco là một trong những doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung có vốn hóa lớn nhất. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu tự do giao dịch lại rất khiêm tốn.

Phần lớn tài sản của Habeco hiện đang nằm tại các công ty con, với tổng giá trị đầu tư vốn của công ty mẹ theo báo cáo tài chính tại ngày 30/6/2016 là 1.137,8 tỷ đồng.

Theo cơ cấu sở hữu của Habeco tại thời điểm cổ phiếu này lên UPCoM, Habeco hiện có 2 cổ đông lớn bao gồm: Bộ Công thương với tỷ lệ sở hữu 81,79% vốn điều lệ; Carlsberg với tỷ lệ 17,34% vốn điều lệ. Như vậy, chỉ 2 cổ đông này đã nắm tới 99,13% vốn điều lệ Tổng công ty. Phần cổ phiếu sở hữu bởi cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài chỉ gần 0,9% vốn điều lệ, tương đương hơn 2 triệu cổ phần, với vốn hóa đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng.

Như vậy, chuyện cổ phiếu BHN tăng một mạch lên mức 144.700 đồng kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11/2016, hoặc cao hơn nữa là điều dễ hiểu.

Nếu niêm yết, ở tình trạng hiện tại, Habeco sẽ chưa có thay đổi về cơ cấu cổ đông. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu các cổ đông Habeco mong muốn và đoàn kết, việc cổ phiếu này tăng lên mức giá cao hơn mức giá 144.700 đồng là điều có thể xảy ra. Sự thay đổi giữa niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với đăng ký giao dịch trên UPCoM có chăng, chỉ ở tốc độ tăng giá cổ phiếu, vì biên độ dao động trên UPCoM là 15%, còn HOSE là 7%.

Với trường hợp cụ thể của Habeco, việc giá cổ phiếu BHN tăng là có thể xảy ra vì cung cổ phiếu quá thấp, nhưng liệu cổ đông có dễ dàng chốt lời ở mức giá này hay không lại là điều không dễ trả lời.

Thử định giá Habeco

Trụ sở của Habeco tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội là khu đất diện tích lớn và có vị trí đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, với việc không tính quyền sử dụng đất vào giá trị định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa và việc Habeco chưa có hợp đồng thuê đất mới, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tách quyền sử dụng đất khi thoái vốn nhà nước tại đây, câu chuyện về đất có thể không còn hấp dẫn nữa.

Trong tình huống đó, nếu nhìn dưới góc độ nhà sản xuất đồ uống đơn thuần, riêng Habeco được định giá đến đâu?

Thu nhập trước thuế, lãi vay, khấu hao (EBITDA) từ hoạt động chính của Habeco năm 2015 là gần 1.790 tỷ đồng. Định giá cho nhà đầu tư chiến lược nếu giả định mua Habeco ở mức 13 lần EBITDA, thì giá trị Habeco sẽ ở mức 23.230 tỷ đồng. Mức giá này, tương đương với giá trên mỗi cổ phiếu là quanh 100.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây là mức tính dựa trên kết quả kinh doanh Habeco năm 2015. Nửa đầu năm 2016, tình hình kinh doanh của Habeco sụt giảm, trong đó lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty mẹ còn 280,484 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước là 322,349 tỷ đồng (tính trên báo cáo tài chính riêng bán niên có soát xét).

Trên báo cáo tài chính hợp nhất, mức lợi nhuận cổ đông công ty mẹ của Habeco nửa đầu năm nay còn giảm mạnh hơn, về gần 328,392 tỷ đồng, so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015 là 503,801 tỷ đồng. Đáng chú ý, vị thế kinh doanh của Habeco cũng đang bị sụt giảm, với thị phần đã giảm về mức dưới 20%, đứng thứ 3 tại Việt Nam sau Sabeco và Heineken.

Đó là về định giá theo nhà đầu tư chiến lược. Tất nhiên, mức giá mua trên thực tế có thể sẽ khác biệt vì còn tùy thuộc vào tài sản thực tế của Habeco cũng như các yếu tố khác.

Xét trên báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày 30/6/2016, Habeco có số dư tiền 3.183,739 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chưa kể hơn 813 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Bên cạnh đó, Tổng công ty có 474,733 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, 832,443 tỷ đồng hàng tồn kho, hơn 183 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác (chủ yếu là thuế và các khoản phải thu nhà nước).

Tài sản dài hạn của Habeco tập trung chủ yếu ở tài sản cố định hữu hình, với giá trị hạch toán gần 3.824 tỷ đồng, tương đương mức khấu hao đã thực hiện gần 55,82% giá trị đầu tư ban đầu. Trong số tài sản cố định hữu hình này, tài sản cố định hữu hình của công ty mẹ còn lại là 1.334 tỷ đồng, trên giá trị đầu tư 3.531,8 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ khấu hao đã thực hiện 62,23% giá gốc). Bên cạnh đó, Habeco có 254 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và các công ty liên doanh, liên kết.

Như vậy, phần lớn tài sản của Habeco hiện đang nằm tại các công ty con, với tổng giá trị đầu tư vốn của công ty mẹ theo báo cáo tài chính tại ngày 30/6/2016 là 1.137,8 tỷ đồng.

Về vay nợ, Habeco vay nợ rất ít, với số dư vay toàn hệ thống là xấp xỉ 1.240 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở dưới các công ty con. Khoản nghĩa vụ phải trả lớn nhất mà Habeco ghi nhận tại cùng thời điểm trên là thuế và các khoản phải nộp nhà nước, lên tới gần 1.467 tỷ đồng.

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) BHN năm 2015 là 3.650 đồng. Năm 2016, kết quả kinh doanh nửa cuối năm bằng với nửa đầu năm, thì EPS cổ phiếu BHN là 2.836 đồng. Với các con số này, chỉ số giá trên thu nhập cổ phiếu BHN tính theo giá ngày 8/11/2016 sẽ lần lượt là 39 lần cho thu nhập năm 2015, 51 lần cho thu nhập dự phóng năm 2016. Xét theo cả định giá theo EBITDA hay theo tương quan so sánh định giá chung thị trường, BHN đều không rẻ. Nhưng, với số cổ phiếu tự do quá khiêm tốn như hiện nay, nếu giá cổ phiếu BHN tăng tiếp cũng là lẽ bình thường.

Bùi Sưởng

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/gia-nao-don-doi-co-phieu-habeco-khi-buoc-sang-san-moi-169173.html