Giá nào cho cổ phiếu start -up?

Nếu nhìn lên bảng giá của TTCK, con số các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 nghìn chỉ có thể là hàng chục và gắn với những tên tuổi doanh nghiệp tập đoàn hàng đầu. Tuy nhiên, trong thế giới của các start-up Việt Nam, việc giá cổ phiếu của các công ty này được giao dịch ở mức giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí lên đến vài triệu đồng, tức gấp tới cả 100 lần mệnh giá lại không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là việc start-up dễ dàng và có thể mang lại lợi nhuận cao.

Thống kê gia cổ phiếu start - up của Cafef

4 triệu đồng cho 1 cổ phiếu

Theo thống kê của Cafef, trong năm 2014, một công ty quản lý quỹ đầu tư trong nước nhận ủy thác của một quỹ nước ngoài đã chi ra tới 2,1 tỷ đồng chỉ để mua 1.112 cổ phiếu của startup Vexere.com, tương ứng giá mua lên đến 1.900.000 đồng/cp. Sang năm 2015, khi công ty quản lý trên mua thêm 2.222 cổ phiếu Vexere cho khách hàng của mình, số tiền phải chi ra đã lên đến 8,54 tỷ đồng, tương ứng 3.841.000 đồng/cp – gấp đôi so với năm trước đó.

Ở một trường hợp khác, 1,9 triệu đồng/cp cũng là mức giá năm 2014 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đào tạo E.D.H – công ty sở hữu 99,9% cổ phần của Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica. Và trong thế giới của các start-up Việt Nam, việc định giá cổ phiếu từ mức giá vài trăm nghìn đồng thậm chí lên đến vài triệu đồng – tức gấp tới cả 100 lần mệnh giá lại không phải là chuyện hiếm.

Điều đáng nói ở đây là Vexere.com và E.D.H có mức giá cổ phiếu lên đến hàng triệu đồng trong khi đó vốn điều lệ khá nhỏ. Hiện Vexere chỉ có vốn điều lệ 133 triệu đồng - tương ứng số cổ phiếu đang lưu hành chỉ có 13.334 cổ phiếu hay vốn điều lệ của E.D.H chỉ có 2,5 tỷ đồng.

Theo nhận định của một số chuyên gia thì đa phần các start-up thường có vốn điều lệ chỉ từ vài trăm triệu đồng đến đến chục tỷ đồng. Vốn nhỏ dẫn đến lượng cổ phiếu “cô đặc” chính vì vậy nhiều start-up có triển vọng không quá khó để bán cổ phiếu với giá gấp vài chục lần mệnh giá cho các quỹ đầu tư.

Phân tích về vấn đề định giá start – up, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK May bank – Kimeng cho biết, có nhiều cách định giá, không có nhất thiết một quy chuẩn nhất định. Có những công ty như Uber làm ăn thua lỗ nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng nhưng cũng có những công ty làm ăn tốt nhưng giá lại thấp. Điều này do cách tiếp cận và sự quan tâm của các NĐT. Thông thường thì họ sẽ thuê kiểm toán để định giá, phân tích khả năng hiện tại và xác định tiềm năng trong tương lai để đưa ra giá. Tuy nhiên có những trường hợp như Uber, Facebook (lúc chưa niêm yết) họ vẫn định giá cao do số lượng người dùng lớn, dữ liệu khách hàng được định giá cao. Ở Việt Nam hay thế giới cũng tùy thuộc vào mục đích đầu tư để có sự định giá phù hợp.

Không nên quá ảo tưởng

Khác với những lĩnh vực truyền thống, thông thường các doanh nghiệp có lợi nhuận càng tốt càng được định giá cao thì đầu tư vào các start - up nói chung lại không như vậy. Đã có lúc một câu hỏi được đặt ra là vì sao cổ phiếu của các start-up lại được mua giá rất cao bất chấp đôi khi hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty đó chưa hẳn đã tốt?

Theo ông Phan Dũng Khánh, vấn đề chính là do đánh giá lượng người dùng. Đơn cử với lượng khách hàng quá lớn như Facebook hay Uber phát triển như vũ bão nên dù lợi nhuận thấp hoặc lỗ nhưng tiềm năng vẫn được đánh giá cao do bản thân các NĐT cũng tận dụng được lượng người dùng này cho các mục đích kinh doanh khác của họ. Tuy nhiên chính vì vậy rủi ro cũng vô cùng lớn vì những dự án thành công như facebook thì tiềm năng vô cùng nhưng nếu thất bại như bị một scandal gì đó có thể khiến NĐT trắng tay ngay lập tức. Bởi vì những công ty công nghệ tài sản họ chủ yếu là giá trị vô hình ko phải nhà cửa, đất đai gì nên nếu sản phẩm bị dính phốt hoặc có sản phẩm khác tốt hơn, người dùng quay đầu thì ngay lập tức công ty có thể bị định giá ngược lại với giá bằng 0 cũng có thể.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói đến một vấn đề đó là thói quen thường thấy khác của các start-up là cứ hay nâng giá trị của công ty lên và vẽ cho nhà đầu tư tiềm năng bên ngoài một bức tranh không chính xác về mình. Bởi vì ngay cả người trong cuộc đôi khi cũng tự đánh giá cao mình để kêu gọi đầu tư thậm chí đôi khi họ cũng chưa lường hết hoặc tính toán được tiềm năng của sản phẩm dịch vụ của mình. Vì thế xác suất thành công trong start-up là cực thấp. Do đó, cả NĐT và các start-up cần phải tỉnh táo đánh giá mình tránh làm các NĐT bỏ chạy, thậm chí nên mời tư vấn chuyên nghiệp để tư vấn cho sự phát triển của mình, giảm thiểu những rủi ro vốn rất lớn trong việc khởi nghiệp, ông Khánh nhận định.

Cũng theo quan điểm của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của CTCK Maybank – Kimeng, việc hiện có một số công ty start-up có giá cổ phiếu cao ngất ngưởng hiện nay không có nghĩa là việc start-up dễ dàng và mang lại lợi nhuận cao. Số lượng thành công như thế chỉ có thế đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Và theo tôi giá của họ cũng không có gì là quá đáng vì họ cũng đã phấn đấu trở thành người đi tiên phong và dẫn đầu phân khúc của họ. Bên cạnh đó vốn của những công ty có giá cao trên cũng không quá lớn, chưa "in giấy" quá nhiều như các công ty trên sàn CK hiện nay nên giá trị như vậy cũng không phải quá cao. Còn đại đa số các start-up, thậm chí còn không có giá nữa vì chẳng có NĐT nào quan tâm mà số đó thì quá lớn.

Bảo Chương

clip minh họa

Thống kê gia cổ phiếu start - up của Cafef

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/gia-nao-cho-co-phieu-start-up-601288.bld