Giá mua điện gió sẽ được thay đổi

Nhằm tìm ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, hôm nay (11/10), tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi họp với đại diện Tổng cục năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bàn về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam diễn ra tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất giá điện gió, điện mặt trời cho phù hợp tình hình mới, vì giá điện gió và điện mặt trời áp dụng từ năm 2013 hiện không đáp ứng được thực tế, do giá đầu vào đã có sự thay đổi.

“Tổng cục năng lượng có trách nhiệm đưa ra 3 phương án về giá điện gió, điện mặt trời; phân tích và đánh giá hiệu quả, từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 10/2016. Thời gian áp dụng giá điện gió và điện mặt trời đối với các nhà máy vận hành trước ngày 31/12/2016”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, điện gió được xem là nguồn năng lượng sạch và tương lai sẽ dần thay thế các dạng năng lượng truyền thống, vì trong quá trình sản xuất điện gió không phát thải các chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Hệ thống điện gió tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Internet)

Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng Đặng Huy Cường cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục năng lượng sẽ căn cứ giá đầu vào của điện gió, điện mặt trời hiện nay, đồng thời tham khảo giá điện gió, điện mặt trời trên thế giới, từ đó cân nhắc, lựa chọn các thông số, tính toán giá phù hợp, đưa ra mức giá phù hợp nhất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm, đầu tư nhiều hơn đến lĩnh vực điện gió, điện mặt trời đầy tiềm năng này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hy vọng, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức giá mới, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, điện mặt trời sẽ lan rộng, đẩy nhanh lộ trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hiện cả nước có 3 dự án điện gió đã có điện bán vào hệ thống điện quốc gia là Dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận) của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo (REVN), Dự án Phong điện trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) và Công ty TNHH Công Lý với dự án điện gió trên biển Bạc Liêu.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đối vớ 3 dự án điện gió đang hoạt đông này cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho mỗi MW điện gió. Như vậy, mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 UScent/kWh tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.

Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng, dù có tới 48 dự án điện gió với quy mô 4.876 MW được đăng ký với các địa phương và cơ quan chức năng trong vòng 1 năm sau khi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg được ban hành, nhưng số triển khai thực tế vẫn chỉ dừng lại ở 3 dự án như hiện tại.

Trả lời báo chí mới đây, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, sở dĩ nhà đầu tư ít mặn mà với các dự án điện gió vì giá bán điện quá thấp, nhà đầu tư khó thu hồi vốn, chưa kể nếu vay ngân hàng thì phải gồng mình trả lãi và vốn.

“Cả nước hiện chỉ có 3 dự án điện gió đang hoạt động, trong đó Bình Thuận có 2 dự án nhưng tất cả đang gặp nhiều khó khăn về trả nợ và lãi vay. Còn các dự án đã được cấp phép chưa thể khởi công hoặc khởi công cầm chừng do không vay được vốn. Nhà đầu tư cho rằng giá bán mỗi kWh điện gió hiện nay chưa phù hợp cho nên nếu đầu tư thì rất khó thu hồi vốn, thậm chí không bảo đảm tính khả thi để vay vốn ngân hàng”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo ông Thịnh, để giải quyết những khó khăn trên, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ cần có lộ trình tăng giá mua điện gió từ 7,8 USCent/KWh hiện nay lên mức 10 USCent/KWh vào năm 2016 và 12 USCent/KWh sau năm 2020. Đồng thời định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi để nhà đầu tư mạnh dạn thực hiện các dự án điện gió…

Giang Phan

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/gia-mua-dien-gio-se-duoc-thay-doi/