Giá mía tăng, nhà nông 'đỏng đảnh' neo giá

Hiện nay, do giá mía tăng cao, người dân trồng mía tại ĐBSCL “đỏng đảnh” neo lại không muốn bán dù đã đến ngày thu hoạch. Thiếu nguồn mía nguyên liệu, các công ty mía đường phải tạm dừng mua.

Lãi vẫn chưa muốn bán

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, vùng mía lớn nhất vùng ĐBSCL, giá mía hiện nay rất cao, từ 1.100-1.300 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg so với cùng kỳ), với năng suất từ 12 -13 tấn/1.000m2 (công), sau khi trừ chi phí, người dân có thể lãi khoảng 5 – 6 triệu đồng/công.

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang xảy ra tình trạng tranh giành nguồn mía nguyên liệu trong dân. Ảnh: H.X

Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch hơn 1.500ha trong tổng số gần 10.900ha mía đã xuống giống, năng suất bình quân từ 105-115 tấn/ha.

Việc tranh giành nguồn mía nguyên liệu trở nên căng thẳng trên một phần là do diện tích mía năm nay ở tỉnh này giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước (người dân thu lỗ nhiều năm liền do giá mía liên tục giảm). Ngoài ra, thị trường giá đường hiện đang hấp dẫn với giá bán tại các nhà máy trên 15.000 đồng/kg, (cao khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ).

Ngoài giá cao, người dân còn cho biết, lần đầu tiên thương lái đến thương lượng mua một hình thức mới. Đó là thương lái tự kiếm và trả tiền nhân công đốn, vận chuyển thay vì phải tốn chi phí ở những vụ trước đó.

Tuy nhiên, cũng do giá mía lên cao, nhà nông không muốn đốn ngay mặc dù đã đến ngày phải thu hoạch. “Có thương lái đến hỏi mua 8 công mía giống ROC 16 của tôi với giá 1.200 đồng/kg, nhưng vì thấy không có lũ, mức giá chưa cao lắm nên tôi chưa bán. Đợi vài ngày nữa xem có lên được đồng nào hay đồng đó” – anh Nguyễn Vĩnh Tường, ngụ ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng nói.

Cũng như anh Tường, ông Võ Văn Phường, ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: Gia đình ông có 2ha mía giống ROC 16. Mặc dù có nhiều thương lái đến hỏi mua, nhưng ông chưa muốn bán. “Những ngày qua, thương lái đến hỏi mua với giá 1.200 đồng/kg. Nếu được 1.400 đồng/kg, tôi sẽ bán” – ông Tường chia sẻ.

Thiếu nguyên liệu, nhà máy ngưng vận hành

Ngoài nguyên nhân người dân neo mía lại, không muốn bán, tình trạng tranh giành nguồn mía nguyên liệu trong dân đang diễn ra gay gắt. Mặc dù vùng mía xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng được UBND tỉnh Hậu Giang phân cho Công ty Casuco đầu tư, bao tiêu và thu mua, nhưng những ngày qua, không ít “cò” mía của công ty khác đến mua mía với giá cao hơn vài trăm đồng/kg và cân xô (không phân loại).

Thương lái mua mía ở Hậu Giang. Ảnh: H.X

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) thông tin: Hai nhà máy đường của công ty này đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tạm ngưng mua từ ngày 6.10 và dự kiến đến ngày 15.10 sẽ hoạt động trở lại.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Ngoan cho hay, từ khi bắt đầu vào vụ mía đến nay, mỗi ngày, hai nhà máy đường thuộc Công ty Casuco chỉ tiếp nhận từ 1.000-1.200 tấn mía, trong khi công suất ép của mỗi nhà máy là 3.000 và 3.500 tấn mía/ngày. “Do không đủ mía nên lãnh đạo công ty mới đưa ra quyết định trên” – ông Ngoan nói.

Không riêng gì Công ty Casuco, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Losuco) cũng đã đưa nhà máy đường vào hoạt động từ ngày 10.9, tuy nhiên đến nay nhà máy hoạt động vẫn chưa có đủ mía để ép.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-mia-tang-nha-nong-dong-danh-neo-gia-714922.html