Giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh

ND - Những ngày qua, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng. Ngày 13-8, giá lúa IR50404 do thương lái mua tại Đồng Tháp từ 4.100-4.200 đồng/kg, lúa hạt dài chất lượng cao từ 4.600-4.800 đồng/kg.

Giá lúa tăng, nhưng vẫn lo Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm dao động ở mức 5.500 đồng đến 5.700 đồng/kg tùy từng địa phương, giá gạo thành phẩm 5% tấm hiện khoảng 6.700 - 7.000 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng ngoài nguyên nhân do Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ một triệu tấn gạo, các doanh nghiệp, nhà máy gia công và chế biến gạo xuất khẩu tăng cường mạng lưới thu mua lúa, còn có nguyên nhân một số doanh nghiệp tư nhân thu mua gạo của nông dân để xuất khẩu. Hơn mươi ngày nay, thị trường lúa gạo ở Sóc Trăng khá nhộn nhịp. Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Trần Văn Tâm, giá lúa tươi hiện được thương lái thu mua tại ruộng là 3.400 - 3.500 đồng/kg. "Với mức giá trên cùng với năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/công". Tại huyện Kế Sách, giá lúa khô cũng đang ở mức từ 4.500 đến 4.700 đồng/kg. Lúa hạt dài hiện đang được Công ty lương thực Sóc Trăng mua vào với giá 4.500 đồng/kg, lúa hạt tròn là 4.200 - 4.300 đồng/kg, nhưng rất khó mua được hàng. Tính đến nay công ty chỉ mới mua được 6.200/15.000 tấn gạo theo kế hoạch thu mua gạo tạm trữ của Chính phủ. Riêng giá gạo bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố Sóc trăng tăng từ 250 đến 350 đồng/kg tùy theo loại gạo; giá gạo 5% tấm là 7.500 đồng/kg; gạo Tài Nguyên 11.000 đồng/kg; gạo lứt hạt dài 6.200 đồng/kg; gạo thường 5.800 - 6.000 đồng/kg. Tại thời điểm này, bà con nông dân Sóc Trăng mới thu hoạch được 31.897 ha lúa hè thu chính vụ, khoảng một tuần nữa là bước vào thu hoạch rộ, nên việc giá lúa tăng trở lại là tin vui nhưng vẫn chưa thật yên tâm với người trồng lúa. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 132 nghìn ha lúa hè thu, đạt gần 50% tổng diện tích gieo sạ, năng suất bình quân 5,1 tấn/ha. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang triển khai thu mua gạo nên các thương lái cũng đẩy mạnh thu gom lúa. Trưởng Phòng xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Cao Phước Sơn cho biết: Thực hiện mua tạm trữ một triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm doanh nghiệp xuất khẩu của Kiên Giang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giao chỉ tiêu mua 900 nghìn tấn gạo. Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã mua hơn 104 nghìn tấn, vượt chỉ tiêu. Hiện tại số lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tấn và các doanh nghiệp vẫn đang tiến hành thu mua gạo. Từ việc tổ chức thu mua tập trung đã khiến giá gạo trên địa bàn tỉnh tăng thêm từ 500 đến 600 đồng/kg so với trước đây. Hiện giá lúa tại Kiên Giang dao động từ 4.300 đến 4.550 đồng/kg. Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang Phạm Văn Đông, cho biết, có doanh nghiệp ở An Giang đến đưa ra giá mua 1.500 tấn lúa trong kho của công ty với giá từ 4.500 đến 4.700 đồng/kg cho lúa mới và 5.100 đồng/kg cho lúa cũ (đông xuân). Họ mua với mục đích gì thì không rõ. Nhưng hiện tại giá gạo đang tăng, mua chế biến bán trong nước vẫn có lãi. Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Nguyễn Xuân Lộc khẳng định: Từ trước đến nay, không có việc các doanh nghiệp của Kiên Giang mua gạo để xuất khẩu. Còn các doanh nghiệp ngoài tỉnh có đến Kiên Giang mua để xuất khẩu hay không thì không rõ, ngành chưa nắm được. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Tháp Lê Trường Sơn, các thương nhân Trung Quốc mua gạo không kén chọn, họ gom gạo phẩm cấp thấp nên mấy ngày gần đây giá lúa gạo tăng mạnh. Ý kiến người trong cuộc Chỉ tiêu năm 2010 của tỉnh Kiên Giang xuất khẩu 850 nghìn tấn gạo để đạt kim ngạch là 365,5 triệu USD. Nhưng do giá xuất khẩu gạo thời gian qua đạt thấp nên mặc dù Kiên Giang đã xuất khẩu được gần 391 nghìn tấn, nhưng mới đạt kim ngạch hơn 156 triệu USD. Vì vậy để bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2010, tỉnh Kiên Giang phải xuất khẩu thêm khoảng 540 nghìn tấn gạo. Nếu so với lượng gạo hiện có của các doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tấn, thì từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp phải tiến hành thu mua thêm khoảng 340 nghìn tấn gạo, tương đương 700 nghìn tấn lúa. Hiện tại, Công ty Thương mại-Du lịch Kiên Giang và Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang là hai đơn vị xuất khẩu gạo chủ lực, được tỉnh phân bổ xuất khẩu hơn 550 nghìn tấn gạo, nhưng mới xuất khẩu được 160 nghìn tấn. Nông dân có tiêu thụ lúa được dễ dàng và giá lúa có tiếp tục tăng ổn định để nông dân có lãi phụ thuộc vào thị trường và phụ thuộc vào các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu ở Kiên Giang hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tỉnh giao thì vẫn còn một lượng lúa hàng hóa tương đối lớn của 50% diện tích hè thu chưa thu hoạch và hàng chục nghìn ha lúa vụ thu đông. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Trần Quang Củi cho rằng: Việc các thương lái thu gom lúa tự do để đưa lên biên giới xuất bằng đường tiểu ngạch, cần kiểm soát kỹ về số lượng, vì xuất tiểu ngạch thường không phải chịu thuế và doanh nghiệp xuất khẩu không khai báo số lượng chính xác dễ dẫn đến mất cân đối cung cầu. Theo ông Nguyễn Phú Sĩ, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, công ty được giao chỉ tiêu thu mua 15 nghìn tấn lương thực tạm trữ trong vụ hè thu 2010, đầu ra công ty tự lo. Nhận chỉ tiêu, công ty đã tổ chức thu mua lúa gạo để tạm trữ. Tuy nhiên, việc mua lúa gạo vụ hè thu tạm trữ của công ty chỉ có thể giữ cho giá lúa gạo không bị tuột giảm, chứ không gây nên cơn sốt giá của những ngày gần đây. Bởi vì đến nay, công ty chỉ mới thu mua được khoảng 10% chỉ tiêu. Vì hầu hết lúa gạo của vụ hè thu có phẩm cấp thấp, trong khi lúa gạo để tạm trữ được trong bốn tháng đòi hỏi phải có phẩm cấp tương đối cao. Việc có thông tin hiện nay một số doanh nghiệp thu mua lúa gạo xuất khẩu nên đẩy giá lúa gạo tăng lên, công ty không tham gia vào vấn đề này. Hiện nay, có rất nhiều thương lái ở Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp kể cả các thương nhân các tỉnh phía bắc chờ thu mua lúa của nông dân Sóc Trăng với giá chào hàng khá cao. Điều này khiến thị trường lúa gạo sôi động hẳn lên và người trồng lúa thêm phấn khởi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thu mua lúa của tỉnh rất băn khoăn, bởi các thương lái từ các nơi đã nâng giá lúa lên cao từng ngày, tạo sự bất ổn trên thị trường lúa gạo. Ông Nguyễn An - một doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo, ở Kinh Xáng, thành phố Sóc Trăng, cho rằng: Khác với những năm trước, việc thu mua lúa ào ạt, không kén chọn chất lượng và giá cả biến động liên tục là một ẩn số khó lường trên thị trường lúa gạo hiện nay. Tất nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ thu mua lúa gạo của dân với giá cả hợp lý, bảo đảm cho người trồng lúa không bị thua thiệt là một yếu tố tích cực, đáng mừng. Anh Nguyễn Văn Khải, chủ nhà máy xay lúa, ấp Phụng An, xã An Mỹ (Kế Sách) khẳng định: Giá lúa gạo đang tăng trở lại, một phần là do Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ một triệu tấn gạo của nông dân, hơn nữa tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm đang có chiều hướng thuận lợi, nên đã tác động tích cực tới thị trường lúa gạo hiện nay. Nhưng thực tế thị trường lúa gạo đang diễn ra có những dấu hiệu bất ổn. Nhiều thương lái cho rằng, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc lặn lội đến các tỉnh ĐBSCL thu gom lúa gạo, bất kể phẩm chất đã đẩy giá lúa gạo lên cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện việc chỉ đạo thu mua lúa gạo của Chính phủ. Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, kiến nghị: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần sớm có giải pháp cân đối gạo xuất khẩu và tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ theo giá cả hợp lý, nhằm bảo đảm cho người nông dân vừa có lãi, vừa can thiệp được thị trường, phòng, chống giá cả biến động, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Giá lúa gạo tăng cao nhưng phần lớn nông dân vẫn không được hưởng lợi vì đã bán lúa vào thời điểm giá thấp trước khi có chủ trương thu mua một triệu tấn gạo tạm trữ của Chính phủ. Để hài hòa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, VFA cần công khai thông tin kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường để hài hòa lợi ích của cả nông dân và doanh nghiệp, chứ thông thường khi lúa gạo tăng giá, nông dân hết lúa để bán, chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi. VFA cũng như các tổng công ty cần phải nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới, phân tích đúng để tham mưu cho Chính phủ có những biện pháp hữu hiệu và kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến nông dân. Bên cạnh đó cũng cần phân biệt giữa thu mua gạo tạm trữ để bảo đảm an ninh lương thực với việc thu mua lúa hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu để có một định hướng đúng đắn về tiêu thụ lúa gạo. Quốc Thắng, Đỗ Nam, Văn Tâm và Tiến Bường

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=181359&sub=131&top=38