Gia Lai: Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Chư Păh lộng quyền?

Mua sắm tài sản không mở sổ sách theo dõi và duyệt chi các khoản tùy tiện, quyết định bổ nhiệm trái quy định, lập chứng từ khống để thanh toán Quỹ dự án Tiểu học vùng khó khăn năm học 2008 - 2009, có người không đứng lớp dạy nhưng vẫn được chi trả phụ cấp ưu đãi... UBND huyện Chư Păh đã chính thức có Kết luận thanh tra số 591/KL-UBND về những sự việc trên.

Trong 3 năm, 2007-2009 phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Chư Păh được quản lý, sử dụng và tiếp nhận tài sản giá trị 142.078.410.274 đồng. Vậy nhưng, trong quản lý, sử dụng mua sắm tài sản phòng đã không thực hiện mở sổ sách theo dõi trong nhiều năm. Điển hình là việc mua máy photocopy và máy vi tính. Số tiền 480.769.000 đồng được Phòng GD-ĐT “chia nhỏ” hợp đồng ra nhiều lần mua. Cụ thể 4 lần mua máy photocopy, 3 lần mua máy vi tính trong năm 2008, nâng tổng số tiền chi mua sắm lên đến 1,260 tỷ đồng. Từ đây dẫn đến hậu quả thiếu kinh phí trả lương, phụ cấp tháng 12-2008 cho giáo viên. Rồi việc duyệt chi thanh toán các khoản tiền hội nghị, công tác phí không đúng đối tượng, thậm chí có nội dung thanh toán được quyết toán đến 2 lần, hóa đơn thanh toán bị tẩy xóa; số tiền chi sai nguyên tắc là 41.768.000 đồng. Không tham gia giảng dạy nhưng vẫn được nhận phụ cấp ưu đãi, đó là các ông Nguyễn Đức Hoàng, ông Phạm Lang và bà Đặng Thị Ngọc Liêm. Cả 3 cán bộ này được chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi mức 35% với số tiền 47.339.910 đồng (!). Chưa hết, việc thanh toán tiền tăng giờ, tăng tiết, dạy 2 lớp cho giáo viên các bậc học từ năm 2007-2009, tại bảng kê khai của Ban giám hiệu một số trường không đúng quy định, không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh ở biểu tổng hợp hàng tháng, mượn tên người có hệ số lương cao đưa vào danh sách chấm phụ cấp tăng giờ, tăng tiết thay cho người có hệ số lương thấp. Kế toán còn lập chứng từ thanh toán giả mạo chữ ký giáo viên, tự ký nhận tiền và chi tiền trực tiếp cho Hiệu trưởng các trường. Trong quá trình kiểm tra, xác minh ngẫu nhiên một số giáo viên tại 8 trường THCS và TH thì việc chi tiền dạy tăng giờ, tăng tiết, dạy 2 lớp và 12 trường mầm non đã thể hiện tổng số tiền thanh toán vượt và sai định mức ngân sách Nhà nước là 123.176.870 đồng. Tiếp đến là việc quản lý quỹ dự án Tiểu học vùng khó khăn (P.E.D.C) đã cấp cho phòng GD-ĐT thông qua Ban điều hành dự án số tiền 2.689.659.274 đồng (từ năm 2007-2009), toàn bộ nguồn kinh phí trên đã được thanh quyết toán xong. Song, nhiều trường học nằm trong diện khó khăn được hưởng chương trình quỹ dự án P.E.D.C lại không được cấp quần áo, cặp sách, giày dép, đồ dùng học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, một số trường còn lập hồ sơ khống để hợp thức hóa như việc đưa học sinh đi tham quan, với số tiền gần 36 triệu đồng. Đặc biệt là việc bổ nhiệm sai nguyên tắc với bà Lê Thị Bích Phượng. Trước khi được tuyển dụng bà Phượng dạy hợp đồng tại lớp Mầm non Tư thục Bình Minh tại TP. Pleiku (Gia Lai) từ tháng 9-1998 đến tháng 8-2003. Từ tháng 9-2003 đến tháng 11-2003, bà Phượng làm kế toán tại trường THCS Nghĩa Hưng. Ngày 12-11-2003 được tuyển dụng làm giáo viên mầm non tại trường THCS Chư Đăng Ya đảm nhiệm công tác thư viện kiêm kế toán và thỉnh thoảng bố trí dạy trong khi có giáo viên bị ốm. Đến ngày 27-8-2004 Trường THCS Chư Đăng Ya được chia tách thành 2 trường là trường THCS và trường Mầm non. Ngày 31-8-2004, bà Phượng được ông Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng GD-ĐT bổ nhiệm tạm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Chư Đăng Ya. Việc bổ nhiệm này là trái với quy định vì bà Phượng chưa đủ thời gian công tác kể từ khi được tuyển dụng. Chưa hết, bà Phượng không trực tiếp giảng dạy, nhưng trong bảng thanh toán tiền lương từ tháng 11-2003 đến tháng 8-2006 vẫn được nhận phụ cấp ưu đãi với số tiền gần 12 triệu đồng... Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao những sai phạm của ông Đặng Quang Vinh-Trưởng phòng GD-ĐT cùng một số cán bộ gây thất thoát tiền của Nhà nước, không được ngăn chặn, xử lý kịp thời? Hồng Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16943&menu=1481&style=1