Gia Lai: Nông dân 'vàng mắt' tìm đầu ra cho nghệ

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, hàng trăm héc-ta nghệ của nông dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai bước vào thu hoạch nhưng bà còn lại không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Không có đầu ra

Theo tìm hiểu của PV, năm 2016, người dân trồng nghệ xen canh ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông “thắng lớn”. Mỗi hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình trồng nghệ mới này. Trong khi đó, người dân ngụ huyện Chư Pưh, nơi được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu”, lại đang đối mặt với cơn khủng hoảng tiêu chết hàng loạt, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Trong lúc khủng hoảng, nhiều người nghĩ đến mô hình trồng nghệ xen canh. Do đó, nhiều người dân huyện Chư Pưh đã khăn gói sang các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để học hỏi kinh nghiệm trồng nghệ.

Thậm chí, nhiều người còn tìm đến những hộ dân đã “thành danh” từ mô hình trồng nghệ xen canh xin tá túc, để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sau khi tích lũy được vốn kiến thức cần có, vài người đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua cây giống, tiến hành trồng thử nghiệm ở quê hương mình.

Cho đến niên vụ năm 2017, trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai người dân đã triển khai ồ ạt mô hình trồng nghệ xen canh với tổng diện tích gần 100ha. Mặc dù cây nghệ phát triển tốt, củ cho năng suất cao nhưng thay vì vui mừng, bà con lại “đứng ngồi không yên”. Bởi lẽ đã cận kề ngày thu hoạch nhưng số phận của hàng trăm héc-ta nghệ thành phẩm vẫn chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.

Bà con lo lắng nghệ sắp đến ngày thu hoạch nhưng chưa có đầu ra.

Bà con lo lắng nghệ sắp đến ngày thu hoạch nhưng chưa có đầu ra.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Liệu (ngụ thôn Thủy Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) kể: “Không phải bỗng dưng người ta gọi Gia Lai là “thủ phủ hồ tiêu”. Những năm trước, khu vực hai huyện Chư Pưh, Chư Sê sở hữu diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất. Thời cao điểm, nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu, người ít thì vài sào, người nhiều lên tới vài chục héc-ta. Có thời điểm, giá tiêu tăng vọt, nhiều gia đình có của ăn của để. Tuy nhiên, hiện tiêu chết hàng loạt khiến nhiều gia đình ly tán vì lâm cảnh nợ nần”.

Ông Liệu kể, trong lúc hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều người dân hoang mang vì không biết nên trồng cây gì, trồng như thế nào. Trong một lần xem tin tức trên tivi, ông thấy bà con ở Đắk Lắk “thắng lớn” nhờ mô hình trồng nghệ xen canh.

“Tôi nghĩ địa hình, khí hậu ở Đắk Lắk và Gia Lai không khác nhau là bao. Họ trồng được chắc mình cũng trồng được. Nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn tìm sang các nhà vườn ở Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm sau đó mua giống đem về trồng thử. Hiện, tôi trồng xen canh cây nghệ trên diện tích 7 sào hồ tiêu mới vừa tái canh. Sau thời gian trồng, thấy nghệ phát triển tốt, củ rất nhiều. Nhưng hiện tại điều khiến tôi và bà con ở đây lo lắng là không biết sau khi thu hoạch, nghệ sẽ bán cho ai?”, ông Liệu cho biết thêm.

Canh tác theo kiểu tự phát

Cũng như ông Liệu, ông Đặng Bốn (50 tuổi, ngụ thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) một mình lặn lội qua tận Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm trồng nghệ hòng thay thế vườn tiêu đã tàn lụi.

Ông Bốn chia sẻ: “Năm trước, tôi đi Đắk Lắk thấy bà con làm nghệ trúng lắm nên quyết định đưa nghệ về trồng. Gia đình tôi cũng là một trong những gia đình đầu tiên trồng nghệ trên địa bàn huyện. Năm trước ít người trồng nên có đầu ra, năm nay quá nhiều hộ trồng, đến giờ này hơn 2 héc-ta nghệ của tôi cũng chưa biết đầu ra thế nào”.

Theo ông Bốn, ở vụ trước, khi thu hoạch, nghệ có giá 14.000 đồng/kg. Với mỗi héc-ta, ông thu về khoảng 200 triệu đồng. Thấy gia đình ông trồng có lãi, nhiều người dân lân cận tìm đến hỏi mua lại giống về trồng. Hiện tại, nghệ đã trở thành cây trồng đại trà, nhà nào cũng có. Do đó, đến ngày thu hoạch, người dân không biết bán cho ai.

Thông tin với PV, ông Hồ Hữu Ngọc, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Ia Blứ, cho biết: “Từ năm 2016, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng cây nghệ. Ban đầu chỉ nhen nhóm một vài hộ dân. Sau đó, thấy có kết quả tốt, giá thành cao, trừ chi phí, người trồng lãi được trên 1 triệu đồng nên nhiều hộ dân khác cũng trồng thử.

Theo thống kê của xã, đến thời điểm này, trên địa bàn xã Ia Blứ, tổng diện tích nghệ được gieo trồng là 10ha, còn diện tích trồng xen canh ở các vùng khác là 15ha. Đánh giá của ngành nông nghiệp xã, cây nghệ đang sinh trưởng và phát triển tốt, song vấn đề đầu ra chưa có khiến người dân lo lắng”.

Theo tính toán của cán bộ nông nghiệp, mỗi ha trồng nghệ, người nông dân đầu tư không dưới 40 triệu đồng. Trong đó, có nhiều hộ dân đã vay mượn, cầm cố ngân hàng để đầu tư. Nếu không có đầu ra, họ dễ dẫn đến vỡ nợ.

Trên thực tế, việc phát triển diện tích nghệ trên địa bàn huyện Chư Pưh chủ yếu theo hình thức tự phát do một số hộ dân sản xuất nghệ. Họ đứng ra thu gom, mua sản phẩm nghệ tươi được sản xuất trong vùng và bán cho các doanh nghiệp thu mua ngoài tỉnh với giá từ 5.000–7.000 đồng/kg. Về hình thức thu mua, các doanh nghiệp hiện chỉ thông qua đại diện các nhóm nông dân, không có liên kết sản xuất và đầu tư các khoản vật tư nông nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, trong gần 100ha nghệ được trồng trên địa bàn huyện, chủ yếu là các hộ trồng tự phát, nhỏ lẻ và một số ít hộ trồng xen trong các vườn tiêu tái canh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở chế biến nghệ cũng như chưa có hệ thống thu mua loại nông sản này một cách bài bản, đảm bảo đầu ra cho người nông dân.

Khuyến cáo không mở rộng diện tích

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh khuyến cáo người nông dân không nên mở rộng diện tích, nhằm tránh rủi ro khủng hoảng thừa sản lượng, gây nên những thiệt hại đáng tiếc. Thời gian tới, huyện sẽ có đề xuất với tỉnh đưa vào quy hoạch cây trồng gắn với công nghiệp chế biến. Nếu tỉnh có cơ sở chế biến thì huyện sẽ quy hoạch trồng từ 200 – 250ha vùng nguyên liệu nghệ, phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Hồ Nam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-nong-dan-vang-mat-tim-dau-ra-cho-nghe-a340091.html