Giá gas tăng thẳng đứng, xăng dầu nhấp nhổm

(Đất Việt) Vừa tăng giá, nhưng các DN đầu mối xăng dầu lại tiếp tục kiến nghị liên bộ Tài chính – Công thương cho phép được điều chỉnh tăng thêm giá bán lẻ, do thị trường xăng, dầu thế giới thời gian gần đây đã tăng khá mạnh. Trong khi đó, giá gas trong nước cũng vừa tăng mạnh sau hiện tượng đột nhiên khan hàng.

Giá gas tăng hơn 50.000 đồng/bình
Chiều 31/7, công ty gas Saigon Petro thông báo, từ hôm nay, 1/8, giá gas bán lẻ trong nước tăng đến 4.333 đồng/kg, tương đương 52.000 đồng/bình 12kg so với giá gas đầu tháng 7; Pacific gas tăng 51.000 đồng/bình 12 kg, bình 45 kg tăng 191.000 đồng. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng khu vực TP HCM xoay quanh mức 366.000 đồng – 367.000 đồng/bình 12 kg các thương hiệu SP gas, MT gas, Pacific gas. Mức giá này xấp xỉ với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Đỗ Trung Thành, phó phòng kinh doanh Saigon Petro, gas bán lẻ trong nước tăng là do giá gas giao trong tháng 8 vừa được công bố tăng thêm 177,5 USD/tấn so với tháng trước, đạt mức 775 USD/tấn.

Từ khoảng 10 ngày cuối tháng 7, khi giá gas thế giới đang có xu hướng tăng mạnh, thị trường gas trong nước đột nhiên có hiện tượng khan hàng, nhất là các công ty nhỏ. Các thương hiệu gas như Pacific gas, Thủ Đức gas và MT gas,… đã tăng giá bán cho đại lý, với mức tăng 10.000 đồng/bình 12 kg. Đại diện MT gas cho biết, phải tăng giá bán do lượng hàng từ Dung Quốc bị thiếu, thậm chí từ đầu tháng 7 đến giờ, công ty này chưa nhận được chuyến hàng nào từ nhà máy này mà chủ yếu mua từ Dinh Cố (có giá cao hơn Dung Quốc). Theo Chi hội Gas phía Nam, do nhà máy lọc dầu Dung Quất chưa hoạt động đạt 100% công suất sau 2 tháng tạm ngưng sửa chữa nên một số công ty phải mua thêm hàng ngoài hợp đồng có giá cao hơn đến 150 USD/tấn (thời điểm giữa tháng 7).

Tuy nhiên, điều đáng nói là các công ty gas khi thực hiện tăng giá bán cho đại lý lại không nâng mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng tương ứng đã gây khó cho các đại lý, do bị cắt bớt lợi nhuận. Một số đại lý đã… linh động dùng bình gas hãng khác có cùng loại dây dẫn gas (không tăng giá) để đổi cho khách hàng!

Những ngày cuối tháng 7, trong khi chờ giá tăng, nhiều đại lý đã tìm cách găm hàng, dùng bình gas nhãn khác không tăng giá đổi cho khách.

Việc thị trường gas có diễn biến bất thường cho thấy thị trường gas chưa được quản lý tốt dù quy định đã có. Bởi vì thời điểm hiện nay không có đột biến về cầu nhưng nguồn cung lại thiếu, chứng tỏ yêu cầu dự trữ gas trong 20 ngày chưa được DN thực hiện. Ngoài ra, việc có quá nhiều tầng nấc trong kinh doanh gas cũng gây khó trong việc xác định khâu nào đang bị tắc, mà rất có thể do găm hàng đợi tăng giá.

Xăng dầu vẫn than lỗ

Từ cuối tuần trước, một số DN kinh doanh xăng dầu nhỏ cho biết đã có văn bản đăng ký giá với Bộ Tài chính, và đề nghị được tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, mức tăng khoảng 400 – 500 đồng/lít trong những ngày tới, theo đúng chu kỳ 10 ngày như quy định. Lý do được các DN này đưa ra vẫn là do lỗ 400 – 500 đồng/lít kể từ đợt tăng giá ngày 20.7 vừa qua.

Đại diện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), cho biết hiện giá xăng dầu thế giới biến động rất thất thường. Ngay sau khi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước ngày 20.7, thì hôm sau giá bán lẻ đã thấp hơn tương đối nhiều so với giá cơ sở. Thế nên công ty này cũng đang cân nhắc con số chính xác để trình liên bộ xem xét.

Còn ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết, theo số liệu trên thị trường Singapore, trong 10 ngày qua, bình quân giá xăng dầu thành phẩm đứng ở mức rất cao. Nhưng theo quy định, thì sau 10 ngày/lần, DN lại báo cáo liên bộ về giá các mặt hàng xăng dầu. Theo tính toán của các DN, so với giá bán lẻ hiện nay thì mặt hàng xăng đang chênh với giá cơ sở 1.000 đồng/lít, còn với các mặt hàng dầu là 600 đồng/lít.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 trên sàn hàng hóa New York, Mỹ hạ nhẹ 35 cent, tương ứng 0,4%, xuống còn 89,78 USD/thùng, chấm dứt chuỗi ngày tăng giá liên tục từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, tính chung cả tháng này, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 6%. Tại Singapore – thị trường cung cấp các sản phẩm xăng dầu chủ lực của nước ta, cũng là nơi giá xăng dầu được lấy tham chiếu để tính giá trong nước, giá các sản phẩm xăng dầu thời gian qua cũng tăng trung bình từ 10 – 17%.

Thời điểm tăng do DN quyết định

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 30/7, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Tổ phó Tổ điều hành trong nước, khẳng định trao quyền định giá xăng dầu cho DN nhưng Nhà nước không buông mà vẫn tiếp tục kiểm soát. Nếu DN còn thống lĩnh thị trường thì sẽ có cơ chế kiểm soát riêng. “DN phải định giá theo phương pháp, nguyên tắc do Nhà nước quy định, chứ không phải giao cho DN định giá như định giá mặt hàng đường hay định giá thép. DN xăng dầu chỉ được phép định giá trong biên độ 7%, lúc biến động cao hơn thì Nhà nước can thiệp trực tiếp".

Chiều 31/7, trong cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cũng khẳng định hiện nay các DN kinh doanh xăng, dầu đang mua bán theo đúng Nghị định 84 và Thông tư 234 về quyền quyết định giá theo biên do tần suất cho phép. Theo đó, các DN được quyết định về giá nhưng biên độ giá ko vượt quá 7%, thời gian điều chỉnh giữa 2 lần tối thiểu là 10 ngày. Và so với lần tăng giá gần đây nhất là 20/7 thì thời điểm 10 ngày cũng đã đến. Tuy nhiên, bà Mai không trả lời cụ thể về thời điểm tăng giá xăng dầu bởi: “Việc điều chỉnh là do DN quyết định theo tính toán”, bà Mai nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Gia-gas-tang-thang-dung-xang-dau-nhap-nhom/20128/225748.datviet