Gia đình nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công: Hạnh phúc đến từ những điều giản dị

Sẽ thật khó định nghĩa thế nào là “Hạnh phúc” đối với mỗi con người, song với nhà vô địch Lê Văn Công đến từ những ước nguyện bình dị.

Sẽ thật khó định nghĩa thế nào là “Hạnh phúc” đối với cuộc đời của mỗi con người, song với lực sĩ Lê Văn Công- một VĐV thể thao khuyết tật đã giành tấm HCV (môn Cử tạ) cho Việt Nam, tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016… Với anh, hạnh phúc đến từ những ước nguyện thật bình dị.

Cứ ngỡ như... một “giấc mơ”

Có được điều này, ngoài niềm đam mê của bản thân, sự dẫn dắt của ban huấn luyện, hạnh phúc với nhà vô địch Thế giới còn là sự quan tâm, chia sẻ rất đỗi thân thương của người vợ hiền- chị Chu Thị Tám. Sức mạnh tình yêu của họ ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, dường như là “nhựa sống” và chất xúc tác, giúp họ vượt qua mọi thác ghềnh của cuộc sống, để có một tổ ấm gia đình như mọi con người bình thường trong xã hội.

Như “duyên trời” đã định, họ đều cùng ở dải đất miền trung nghèo khó, lực sĩ Lê Văn Công quê Hà Tĩnh, còn chị Chu Thị Tám ở Nghệ An… cùng vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ở đất Sài thành, họ quen biết nhau qua một người bạn, ngay từ ánh mắt thân thiện đầu tiên đã khiến cả 2 con tim cùng chung một tần số và nhịp đập... Cho dù, lúc đầu phía gia đình chị Tám rất “ái ngại” với hoàn cảnh và số phận của Lê Văn Công. Song họ cũng đã vượt qua “rào cản” ấy, để có một cuộc hôn nhân trọn vẹn trong niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người. Những đứa con lần lượt của họ được ra đời: Cháu trai đầu lòng là Lê Tuấn Anh(7 tuổi) và cháu gái thứ hai là Lê Trâm Anh(7 tháng tuổi).

Tổ ấm của gia đình nhà vô địch Thế giới Lê Văn Công

Nghĩ lại thời gian đã trải qua, nhà vô địch Thế giới Lê Văn Công ngỡ cuộc đời mình như một “giấc mơ”. Điều làm hạnh phúc nhất vẫn là tình yêu của vợ dành cho mình. Với một người khuyết tật như anh, đó là điều may mắn nhất mà không phải người phụ nữ nào cũng có cái nhìn cảm thông, huống chi lại cùng anh xây đắp cuộc đời. Dường như chị Tám, hơn ai hết, chị luôn thấu hiểu tâm tư của chồng để xóa đi những tự ti, mặc cảm bởi số phận kém may mắn ở anh.

Di chứng bại liệt bẩm sinh để lại đôi chân teo tóp, mọi hoạt động đi lại đều trông cậy vào chiếc xe lăn cùng sự săn sóc của người vợ trong cuộc sống hàng ngày. Còn anh, được người phụ nữ mang hết lòng yêu thương và gửi trọn đời cho anh, bản thân anh lại thấy càng phải có trách nhiệm của người chồng, người cha. Bàn tay và khối óc cần cù lao động, chịu khó đã thay đôi chân bại liệt làm “trụ cột” vững chắc của tổ ấm gia đình ấy.

Những năm đầu sau khi kết hôn, gia đình lực sĩ Lê Văn Công với bao bề bộn gian nan vất vả. Căn phòng trọ chưa đầy 30m2 của những người lao động nghèo, cất bước từ các miền quê lên thành phố, nơi đó là cả “cơ ngơi” với các thiết bị sữa chữa điện tử mà anh coi đó là nghề kiếm sống , là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Chị Chu Thị Tám, người vợ đảm giúp anh yên tâm tập luyện, thi đấu.

Những lúc không có khách sửa chữa, anh cũng không nề hà nhận bất cứ công việc nào mà đôi tay làm được, những mong có thu nhập thêm, phụ giúp vợ trang trải cuộc sống thường nhật và để nuôi con. Những cung bậc của mọi khó khăn, họ đều phải đối diện và tự đứng trên đôi chân mình. Cảm giác ấy đối với họ thật hạnh phúc và viên mãn vô cùng, khi những nỗ lực thành quả lao động được đền đáp xứng đáng.

Những nhọc nhằn của lực sĩ Lê Văn Công cũng giống như nhiều VĐV khuyết tật khác, bên cạnh việc kiếm sống, họ vẫn đến Trung tâm TDTT Tân Bình tập luyện TDTT. Trước là để có sức khỏe, sau đó mới là mong muốn thành tích trong thi đấu thể thao. Tính đến nay, Lê Văn Công đã có trên mười năm gắn bó với thể thao.

Những cuộc “bứt phá” vươn lên giành thành tích, những đồng tiền thưởng từ những cuộc thi đấu trong nước, quốc tế có được, cùng những đồng tiền chắt chiu đổi bằng những giọt mồ hôi mặn mòi trong lao động, vợ chồng anh cũng đã mua được mảnh đất, xây nhà ở huyện Đức Hòa (Long An).

Tất cả những “nốt nhạc” thăng trầm ấy, đã khiến họ càng thêm gắn bó nghĩa phu thê, cùng hướng tới những mục tiêu phía trước của của cuộc sống.

Lần đầu được đưa vợ con đi du lịch

Dịp 20 tháng 10 vừa qua, nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam, sau bao năm chung sống với người vợ hiền đảm đang, có lẽ đây là lần đầu tiên mà anh có được “món quà” ý nghĩa nhất dành cho vợ và các con.

Nhờ những thành tích đạt được trong thời gian qua, đỉnh cao là tấm HCV môn Cử tạ, phá kỷ lục Thế vận hội Paralympic Rio 216, nhà vô địch Thế giới Lê Văn Công được một Công ty du lịch tài trợ bằng một chuyến du lịch Đà Lạt cho 10 người( trong đó có gia đình anh và những người thân).

Anh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được đưa vợ, con đi du lịch như thế này.Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn ơn tới tất cả mọi người, trong đó có người thầy của tôi là HLV Nguyễn Hồng Phúc. Thầy đã dẫn dắt để tôi có thành công như ngày hôm nay. Cùng đó, sự quan tâm và động viên của các đơn vị, ngành, các tổ chức xã hội... đã luôn quan tâm và tạo điều kiện cho người khuyết tật được đến với thể thao.

Nhà vô địch Lê Văn Công(xe lăn bên phải) được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước.

Chuyến du lịch Đà Lạt với thời gian 1 tuần cho gia đình tôi và người thân, chính là là phần thưởng của một công ty du lịch dành cho tôi. Tôi rất xúc động và mong được sự quan tâm hơn nữa của xã hội với người khuyết tật nói chung”.

Kết thúc chuyến du lịch Đà Lạt, trở về cũng là lúc anh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước(ngày 22/10 vừa qua). Với những phần thưởng xứng đáng vì đã có thành tích thi đấu xuất sắc và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/gia-dinh-nha-vo-dich-paralympic-le-van-cong-hanh-phuc-den-tu-nhung-dieu-gian-di-d27938.html