“Gia đình là tất cả”: Sự quyến rũ của tiếng cười duyên dáng

“Đừng bắn súng vào mặt hồ đang yên ả!” Ấy vậy mà, mà bà Tomiko trong phim “Gia đình là tất cả” đã nhẹ nhàng khai mạc cho sóng gió trong một gia đình hạnh phúc viên mãn bằng một tờ giấy khổ A4 héo rũ trên tay người chồng đã chung giường với mình gần 50 năm.

Nhân vật tự giới thiệu

Tôi, Hirata Shuzo, chủ một gia đình ba thế hệ chung một căn nhà nhỏ ở cái vùng đồng không mông quạnh, à, là yên tĩnh lạ thường. Người trẻ thì khăn gói quả mướp vào nội đô. Người già không vô viện dưỡng lão thì cũng mồ yên mả đẹp. Thế nên, với tinh thần “người già mà tâm chưa già”, sau khi đã cống hiến hàng chục năm cho xã hội và gia đình, tôi thấy mình thừa xứng đáng để nghỉ ngơi vui chơi. Ngày thì chơi golf cùng ông bạn. Tôi nhâm nhi ở quán rượu có bà chủ xinh đẹp. Có thế thôi mà con dâu suốt ngày càm ràm, tôi gọi điện về nhà nó chẳng còn nhận ra. Sống chung với nhau gần 20 năm mà thế đấy. Thằng cả thì chỉ biết công việc, có quan tâm đến bố nó đâu. Con với chả cái.

Đứa con gái thứ suốt ngày chạy về nhà than khóc về anh chồng ăn bám. Đến lúc ông bố là tôi đây đứng ra giải quyết thì còn gào lại tôi. Tự nhiên thấy con rể giỏi ghê gớm. Tôi thì chẳng chịu nổi. Con với chả cái.

Thằng út thì mãi chưa lấy vợ. Ấy thế mà một ngày, nó cuối cùng cũng biết đỏ mặt lấp lửng. Mệt quá! Có gì nói thẳng đi. Con với chả cái.

Chưa hết, bà vợ già Tomiko bỗng dưng hứng thú với cái hội nhóm gì đấy. Già rồi mà còn bày đặt lãng mạn. Đi cả ngày về nhà, ngồi chưa ấm chỗ, đã thật dịu dàng, thật nhẹ nhàng nhắc khéo tôi chuyện sinh nhật, mà đòi quà với giá trị… sét đánh. Chỉ là quên sinh nhật thôi, có cần phải làm to chuyện như thế không. Vợ với chả con.

Làm phản rồi!

Thế tôi ngất đây cho mấy người xem…

Tiếng cười từ cuộc sống hàng ngày

Đó là sơ bộ câu chuyện bộ phim What a Wonderful Family (Gia đình là tất cả) (2016) của Yamada Yoji, vị đạo diễn nổi tiếng với các yếu tố tái sử dụng, cả hình ảnh và cốt truyện, gây cảm giác quen thuộc mà vẫn không dằn lòng nổi cảm giác thú vị. Sau Samurai Trilogy (2006), gần đây, ông tỏ ra hứng thú với các câu chuyện về gia đình. Tham khảo từ bộ phim cổ điển Tokyo Family, ông đi sâu tìm hiểu và mô tả sự kính trọng dành cho những thay đổi ít nhiều trong 60 năm qua trong những gia đình Nhật Bản. Trong bộ phim mới nhất này, ông đi thẳng ngay vào câu chuyên về một gia đình trung lưu ở ngoại ô rơi vào tình trạng hỗn loạn khi người ông, người bà tuyên bố ly hôn.

Bộ phim bày ra chuyện cần giải quyết ngay từ phần đầu phim, bắt đầu từ cuộc trò chuyện điện thoại giữa bố chồng và con dâu trong một gia đình ba thế hệ chung sống, giọng nói khó chịu, thái độ xúc phạm, có cảm giác ông cụ luôn thích nếp cũ của gia đình, mà không muốn thay đổi. Ông giữ thái độ khó chịu đó với người vợ đã bên mình mấy thập niên. Trái đắng nhận được ngay lập tức. Tờ giấy cầm trong tay héo rũ như thể chính tâm trạng của ông. Cũng từ đây, “đất bằng” bắt đầu “dậy sóng”, cuộc sống hạnh phúc và viên mãn đối mặt với thử thách nghiêm trọng.

Tuy nhiên, không có tiếng khóc gào lên như phim Hàn Quốc, không có màn văng tục cãi nhau như phim Mỹ. Tất cả những biến cố lớn trong một gia đình diễn ra đều đều trên một nền thái độ bình thản, lịch sự, chỉn chu, như thể đó chỉ là chuyện theo nếp cũ.

Đạo diễn Yamada đưa bộ phim chảy chậm rãi theo cách phong cách riêng của phim xã hội đương đại của Nhật Bản, tốc độ chậm, chủ nghĩa hiện thực, ít hành động, nhưng nhân vật chuyển động và phát triển không ngừng. Trọng tâm chính xoay quanh ông Shuzo, thể hiện quan niệm về tình yêu và hôn nhân của người cao tuổi, nhưng từ đây, bộ phim đã khéo léo kéo theo các thành viên khác trong gia đình. Thông qua họ, ông đưa ra thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc: tình yêu không mất dần theo năm tháng, mà chỉ biến đổi từ dạng tình yêu đối lứa quen thuộc trong mấy truyện ngôn tình, shoujo manga, thành một dạng gì đó ít thú vị hơn, nhưng thâm tình hơn.

Cũng thông qua chuyện về các cặp đôi khác trong gia đình, ông cho thấy người đàn ông thường có vẻ không nhạy cảm, không hiểu vợ mình, có thể nói là hưởng sự sủng ái của họ như một lẽ đương nhiên, một thái độ coi mình đứng trên vợ. Nhưng thực chất, họ lại không thể sống mà thiếu vợ. Điều này đã dẫn đến những cuộc cách mạng trong gia đình. Phim không chỉ thẳng ra, nhưng quan điểm về lối sống hiện đại rõ ràng đã khác thế hệ trước: từ người đàn ông luôn làm chủ trong gia đình, thì với cặp vợ chồng cô con gái, người vợ mới là chủ; hay hiện đại và tân tiến hơn nữa là cặp đôi cậu con út với quan điểm vợ chồng là bình đẳng.

Đạo diễn Yamada Yoji không lạm dụng yếu tố nghệ thuật “làm sâu sắc” như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Ông bày ra thông điệp rõ ràng, ngay trước mắt. Một nhóm người với các mối quan hệ bình thường đến bất bình thường là nguyên liệu chín muồi cho phim hài. Nhưng bộ phim cũng hạn chế sự cám dỗ của các yếu tố cố tình gây cười, mà dựa trên các phản ứng tự nhiên và đa dạng của các nhân vật. Có thể nói, tài sản lớn nhất của bộ phim, bên cạnh dàn diễn viên với diễn xuất tuyệt vời là cái hài duyên dáng khiến ta không khỏi bật cười trước các chi tiết tưởng như quá đỗi bình thường trong cuộc sống.

Xem thêm:

Liên hoan Phim Nhật Bản: Hứa hẹn nhiều điều thú vị

20 điều so sánh giữa vợ và chồng đủ để suy ngẫm

Bất bình đẳng giới – Nguồn gốc của bạo hành gia đình

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/%e2%80%9cgia-dinh-la-tat-ca%e2%80%9d-su-quyen-ru-cua-tieng-cuoi-duyen-dang