Giá điện 'đè chết' sản xuất

(Đất Việt) Quyết định tăng giá điện được áp dụng từ 1/7 như một đòn đau đánh gục các doanh nghiệp vốn đã tiều tụy. Song hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng không tăng giá sản phẩm, bởi “giá chưa tăng giá mà hàng đã tồn đầy kho”.

Xét trên bình diện về giá điện so với các nước trong khu vực, dựa trên thu nhập bình quân đầu người, giá điện tại Việt Nam là quá cao. Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ không phải do giá thành sản phẩm thấp mà do những nguyên nhân như quản lý kém, thất thoát dòng điện, bộ máy cồng kềnh.

Lỗ chồng lỗ

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó chủ tịch hiệp hội Cao su nhựa TP HCM, cho biết, mỗi tháng công ty phải đóng khoảng 1 tỷ đồng tiền điện, nay tăng thêm 5% giá thành cũng có nghĩa mỗi tháng sẽ tăng thêm 75 triệu đồng tiền điện nữa. Trong điều kiện một số doanh nghiệp (DN) ngành cao su, nhựa tồn kho đến 100% hàng hóa, sức mua tại TP.HCM giảm 40 - 50% và giá thành xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, nhất là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha giảm mạnh, theo ông Trần Việt Anh, sản xuất của ngành đang đuối sẽ đuối hơn. “DN trong ngành lỗ dữ lắm vì giá thành trên thị trường không thể tăng lên, xuất khẩu sang các thị trường khác giảm dữ dội, lỗ nhưng DN vẫn ráng sản xuất vì sợ sau này mất thị trường, mất mối làm ăn. Nhưng nay điện lại tăng giá, chắc chắn lỗ lại chồng lỗ”, ông Việt Anh cho biết.

Cắt giảm hơn nữa mọi chi phí, điều tiết lại sản xuất... là những giải pháp nhiều DN đang tính để đối phó với việc tăng giá điện. Ảnh: TNLinh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện, điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất của ngành xi măng. Một trong hai nguyên liệu đầu vào này biến động sẽ khiến DN điêu đứng. Ngành xi măng đang "sống dở chết dở", tồn kho lên tới 2 triệu tấn. Các doanh nghiệp đã phải hạ tới 10% giá bán dưới hình thức chiết khấu để kích cầu, nên không còn lãi. Ngành thép cũng cho biết giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 10%. Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện. Với mức giá điện cho sản xuất tăng mới, ngành thép sẽ bị đội giá lên thêm hơn 168.000 đồng/tấn. Vào thời điểm khác, mức tăng giá điện 5% là chấp nhận được, nhưng tăng đúng thời điểm khó khăn này chẳng khác nào giáng cho DN chết hẳn.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng điện và nước rủ nhau tăng giá lần lượt lên 5% và 50% khiến các DN như gặp “sóng lớn”. Điều này là bất hợp lý trong bối cảnh trì trệ sức mua như hiện nay. Theo ông Phú, ước tính các siêu thị lớn tốn tới vài trăm triệu đồng tiền điện/tháng, đơn vị kinh doanh nhỏ cũng đầu tư không dưới vài chục triệu đồng tiền điện.

Những đơn vị không “xài” nhiều điện cũng lo lắng không kém. Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), nói: “Chúng tôi không sản xuất nên không sử dụng điện nhiều, nhưng việc tăng giá điện sẽ có tác dụng liên hoàn lên các ngành phụ trợ của chúng tôi như sắt, thép, nhựa…”. Theo ông Hàn, giá điện tăng thì chi phí đầu vào nhiều ngành phụ trợ phải tăng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ông nói riêng và của hàng loạt doanh nghiệp nói chung. “Giữa lúc tiêu thụ khó khăn như thế này mà nói chuyện tăng giá thì chỉ có nước… ôm hàng chờ giải thể”, ông Hàn nói.

Đau đầu tìm cách tồn tại

Cắt giảm hơn nữa mọi chi phí, điều tiết lại sản xuất… là những giải pháp nhiều DN đang tính để đối phó với việc tăng giá điện. Chị Thúy, Giám đốc công ty may Minh Hà tại Hải Phòng, chia sẻ, DN có hàng trăm máy may công nghiệp và các máy hơi dùng để vận hành cho dây chuyền sản xuất. Mỗi tháng phải mất 40 - 50 triệu đồng tiền điện, tăng 5%, một tháng sẽ phải bỏ thêm 2 - 2,5 triệu đồng. Nhìn số tiền điện tăng thêm như vậy là không lớn, nhưng điều quan trọng là giá điện ảnh hưởng đến đầu vào. "Cứ đầu vào tăng 1 đồng thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể tăng 2 – 3 đồng. Minh Hà chưa tính đến phương án đội giá thành sản phẩm để giữ khách. Đổi lại, DN sẽ thắt chặt chi tiêu hơn nữa để bù qua khoản phát sinh này.

DN sản xuất giấy Anh Huy (quận Hoàng Mai) tính với giá điện cũ, bình quân mỗi tháng đã phải trả khoảng 3 tỷ đồng tiền điện. Giờ giá điện tăng thêm 5%, hàng tháng công ty phải trả thêm hơn 150 triệu đồng, chi phí quá lớn trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Anh, Giám đốc công ty, “cho dù giá điện tăng kéo hàng loạt chi phí khác lên theo nhưng chúng tôi sẽ phải cắn răng tự bù lỗ để cầm cự, bởi sức mua đã quá yếu. Nếu giá thành sản phẩm tăng lúc này thì người tiêu dùng sẽ quay lưng”, ông Huy nói.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Việt (Pomina), cho biết chi phí điện hiện chiếm khoảng 6 - 10% trong giá thành sản xuất thép của công ty. Đây là chi phí rất lớn, ảnh hưởng ngay đến giá thành sản xuất. DN sẽ chấp nhận lỗ một thời gian để giữ thị trường, đồng thời cũng sẽ thông báo cho khách hàng là sẽ tăng giá bán vào giữa tháng 7 này.

Phải chấm dứt độc quyền

Để giải quyết việc tăng giá điện ảnh hưởng lên giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức mua đã kiệt quệ của nền kinh tế, một số doanh nghiệp như Hội Gỗ mỹ nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nêu ý kiến giãn giá điện, cho phép doanh nghiệp sản xuất được “nợ tiền điện 6 tháng”. Nhưng, ông Đỗ Phước Tống, Tổng giám đốc công ty Duy Khanh, lắc đầu: “Thuế là ngân sách, Nhà nước còn quyết được, chứ điện là của công ty điện lực. Nên đề xuất này chỉ là cho vui thôi, không có chuyện cho doanh nghiệp nợ tiền điện 6 tháng đâu. Chỉ có thể chấm dứt việc tăng giá điện phi lý như lúc này bằng cách bỏ độc quyền. Ngành viễn thông cũng từng đắt đỏ khi chỉ VNPT thống lĩnh, nhưng sau đó đã giảm giá đáng kể. Điện cũng sẽ rẻ hơn nhiều nếu ngoài EVN có thêm 4, 5 công ty được phép bán điện".

Ông Vũ Vinh Phú quyết liệt hơn: “Giá điện tăng là tác động trực tiếp, gián tiếp đến nhiều lĩnh vực, nền kinh tế. Tôi kiến nghị cần minh bạch giá điện. Đợt tăng này là vô lý, nếu giữ độc quyền sẽ thiệt thòi cho cả người kinh doanh và tiêu dùng”.

Miễn, giảm, giãn thuế mất tác dụng

EVN tăng giá điện 5% vào lúc này đã khiến cho chính sách giãn thuế VAT (5%), giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn chi phí cho doanh nghiệp của Chính phủ mất tác dụng. Doanh nghiệp vừa mừng vì được Nhà nước cho giãn, giảm thuế để bù vào chi phí vốn, nhưng nay ngành điện “chơi vố này” thì coi như chính sách bằng… không.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Gia-dien-de-chet-san-xuat/20127/220539.datviet