Giá dịch vụ y tế tăng, chất lượng khám chữa bệnh đi xuống

Giá dịch vụ y tế liên tục tăng, bệnh nhân đang phải trả lương cho nhân viên y tế. Lãnh đạo ngành y tế luôn miệng khẳng định tăng giá dịch vụ y tế là để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần làm hài lòng bệnh nhân. Nhưng oái ăm thay, sau thời gian tăng giá dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế có dấu hiệu đi xuống, người bệnh đang phải đối mặt với tình trạng mất an toàn.

Dù giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng chăm sóc bệnh nhân đang có dấu hiệu đi xuống.

Dù giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng chăm sóc bệnh nhân đang có dấu hiệu đi xuống.

Chất lượng chăm sóc bệnh nhân đang đi xuống

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều sai sót rất khó hiểu của người thầy thuốc đang làm không ít bệnh nhân cảm thấy hoang mang, lo sợ. Đó là một bé trai 6 tuổi (Hà Tĩnh) bị nắn xương trụ thẳng và đóng đinh cố định ở cổ tay phải, vậy mà không hiểu sao các bác sĩ bác sĩ ở Bệnh viện 115 Nghệ An lại mổ tay trái để lấy đinh.

Không chỉ có những bệnh viện tuyến dưới có những sai sót ngớ ngẩn như trên mà những bệnh viện tuyến trên cũng có những sai lầm chết người. Ngay như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một bệnh viện tuyến cuối được xem là có trình độ chuyên môn cao lại tòi ra một sai sót không ai ngờ. Đó là chuyện bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) đến Bệnh viện Việt Đức khám, được chẩn đoán liệt thần kinh mác chung chân trái nhưng các bác sĩ ở đây lại đè ra mổ chân phải. Hiện những sai lầm chết người trên chưa gây ra nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài chưa biết có để lại những di chứng gì không.

Không chỉ có những tắc trách, thiếu trách nhiệm về chuyên môn trên mà còn nhiều yếu kém khác trong khám chữa bệnh mà bệnh nhân đang phải đối mặt hằng ngày.

Không ai nghĩ ở những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1... người nhà bệnh nhân lại phải chịu cảnh ngồi bóp bong bóng thâu đêm.

Tại các khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh... ở Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có nhiều bệnh nhân nặng, chủ yếu là những bệnh nhân bị tai nạn, tai biến... hôn mê sâu phải thở máy nhưng rất nhiều bệnh nhân không có máy thở, phải nằm hành lang.

Ngồi lay lắt ở hành lang khoa nội thần kinh, bà T.T.Đ (66 tuổi) liên tục bóp bong bóng cho chồng thở. Bà Đ. chua xót nói: “Chồng tui chuyển từ khoa cấp cứu đến khoa này nhưng không có máy thở, không có phòng nằm phải nằm trên chiếc băng ca để ngoài hành lang từ đêm qua đến giờ. Lúc đêm tui bóp bong bóng một lúc bỗng xâm xẩm mặt mày, ngã quỵ xuống mọi người phải đưa tui vào thoa dầu và cho uống nước chanh một lúc mới khỏe lại. Tui không hiểu sao chồng tui bị tai biến nặng, hôn mê sâu, không biết có qua khỏi không. Bệnh nhân nặng như thế mà không có được chỗ nằm, không có được chiếc máy thở. Bóp bong bóng tui không quen, kiểu này chồng tui sẽ chết mất”.

Nhân viên y tế cửa quyền

Cái mà nhiều bệnh nhân sợ nhất lâu nay khi đến với bệnh viện công là thái độ phục vụ của nhân viên y tế không thiện cảm, chất lượng dịch vụ yếu kém. Sau khi có quy định người bệnh trả tiền lương cho nhân viên y tế thông qua việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thì nhiều bệnh nhân hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng ấy.

Tuy nhiên qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nhân viên y tế rất quá quắt và tỏ thái độ hách dịch với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; thậm chí còn quát mắng người nhà bệnh nhân.

Chị T. (31 tuổi, ngụ huyện Hoài Nhơn, Bình Định) kể mấy hôm trước cha chị chuyển về Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) mẹ chị đến chăm sóc chồng. Trong lúc đang lui cụi cắm điện cho chiếc nệm hơi để ông nằm nhằm hạn chế bị lở loét thì điều dưỡng viên bệnh viện đến mắng xối xả yêu cầu rút ngay ổ cắm điện ra. Mẹ chị van xin điều dưỡng cho bà cắm chiếc nệm hơi để ông nằm, chứ không ông bị lở loét trở lại nữa, bà còn hứa tiền điện tốn bao nhiêu bà trả. Thế nhưng một nữ điều dưỡng tiến đến bà và nói mắng xối xả: “Bà có rút ổ cắm ra không, bà cắm thế lỡ xảy ra cháy nổ thì sao, tôi ra gọi bảo vệ vào xử lý bà”. Vừa dứt lời cô điều dưỡng liền gọi bảo vệ bệnh viện vào tiếp tục chửi bới và giở trò côn đồ hăm dọa.

“Cha tôi bị tai biến nằm điều trị mấy tháng ở bệnh viện trong TP.HCM, gia đình vẫn cắm nệm hơi cho ông nằm để hạn chế bị lở loét do điều trị lâu ngày. Các bác sĩ ở đây cũng khuyên như thế, không ai nói điều gì. Vậy mà các điều dưỡng ở bệnh viện Bồng Sơn lại cấm và mắng xối xả mẹ tôi như vậy. Điều phũ phàng hơn sau khi xảy ra “sự cố” ấy, mẹ tôi nhờ một điều dưỡng thay dùm băng cho cha tôi thì được trả lời một cách thiếu trách nhiệm“tôi không rảnh”. Tôi không hiểu lương y của một người thầy thuốc ở đâu, đó là chưa kể mẹ tôi đã gần 70 tuổi, đáng tuổi mẹ nhưng cô ấy vẫn không nể nang”, chị T. tỏ vẻ bức xúc.

Đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng chị V. (ngụ ở quận 12, TP.HCM) vẫn còn chưa ngôi ngoai sự tức giận của mình về cách hành xử của một nữ bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Chị V. kể :“Con trai tui 3 tuổi bị nóng sốt quấy khóc cả đêm, sáng hôm sau đến bệnh viện đăng ký khám bệnh được đưa đến phòng khám nội khoa gặp một nữ bác sĩ. Tranh thủ khám rất nhanh, nữ bác sĩ này bảo tui đưa ngay cháu ra ngoài đóng cửa lại, còn tui vào trong để bác sĩ căn dặn và cho toa mua thuốc. Lúc đó, cháu khóc dữ dội, tui ở bên trong xót ruột lắm. Chồng tui ở nhà đến sau, mới bước vào thấy cháu đứng ngoài gào khóc kêu mẹ, anh liền mở cửa phòng khám xem sao tui bỏ con ở ngoài này thì nữ bác sĩ nhìn vào mặt anh trân trân nói như đuổi: “ông này bị làm sao...”.

Sau nhiều lần tăng giá dịch vụ y tế, đến ngày 1.7 vừa qua sau khi tính thêm khoản tiền lương, chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù, về cơ bản giá dịch vụ y tế đã gần tiếp cận với việc tính đúng tính đủ. Điều này có nghĩa người bệnh phải chi trả một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với trước đây để khám chữa bệnh với mong muốn có được chất lượng khám chữa bệnh tốt, được nhân viên y tế đối xử một cách chân tình, thân thiện. Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đưa ra chủ trương đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên y tế góp phần làm hài lòng bệnh nhân.

Mặc cho giá dịch vụ y tế cứ tăng, cứ kêu gọi đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên y tế nhưng chất lượng khám chữa bệnh lại xấu đi, phong cách phục vụ của nhân viên y tế vẫn “cửa quyền”. Lúc này, nhiều người đang tự đặt câu hỏi, phải chăng lời hứa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách thái độ của nhân viên y tế để làm hài lòng bệnh nhân là cái cớ để ngành y tế tăng giá dịch vụ y tế nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế?

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/gia-dich-vu-y-te-tang-chat-luong-kham-chua-benh-di-xuong-38872.html