Ghi từ 'rốn lũ' Hà Tĩnh: (Nghịch lý) xây nhà tránh lũ nhưng không thể an cư

Chính sách xây dựng các khu tái định cư cho bà con tránh lũ được triển khai tại huyện Hương Khê, nơi rốn lũ trong hai đợt lụt vừa qua là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vấn đề khó khăn chưa được khắc phục dẫn đến hiện tượng, người dân xây nhà tránh lũ nhưng không thể an cư. Ủng hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ Công an bị thiệt hại do lũ lụt

Khu tái định cư tránh lũ của xã Phương Điền, huyện Hương Khê nằm cách trung tâm xã chừng 3km. So với địa hình của toàn xã, khu tránh lũ nằm ở vị trí cao ráo nhất. Các hộ gia đình chuyển về đây được chia đất thành các ô san sát nhau. Ở phía ngoài, có một con đường vành đai chạy quanh khu tái định cư khiến cho việc kết nối giao thông với bên ngoài tương đối thuận lợi.

Nước đang rút ở xã Phương Điền, huyện Hương Khê.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết, sau trận lũ lịch sử năm 2010, chính quyền xã Phương Điền có chủ động làm việc với công ty cao su huyện Hương Khê và được đơn vị này bàn giao lại cho một phần diện tích đất để xây dựng khu tái định cư tránh lũ cho bà con. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước phân bổ về, mỗi gia đình được trợ cấp 20 triệu đồng làm kinh phí xây dựng nhà cửa, ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, khi xây dựng khu tái định cư xong, vấn đề trớ trêu thay là rất ít các hộ gia đình có thể sinh sống ở đây. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do khu tái định cư xã Phương Điền không có nước để sinh hoạt. Bên cạnh đó, do diện tích đất được cấp chia cho mỗi hộ gia đình là quá ít, thành ra bà con chỉ có thể xây dựng nhà, còn lại thì không có diện tích đất để trồng cấy, sản xuất.

Vì vậy, sau khi xây dựng nhà ở khu tái định cư, gần như toàn bộ bà con lại phải quay về nhà cũ, nơi bị ngập mỗi khi lũ về để sinh sống vì ở đó còn có nước để sinh hoạt, có đất để canh tác, chăn nuôi.

Công an huyện Hương Khê trợ giúp người dân di chuyển lên khu tái định cư tránh lũ của xã Phương Điền.

Bà Nguyễn Thị Hương, 81 tuổi, ở khu tái định cư cho biết, nhà cũ của bà đã nhượng lại cho gia đình con gái bà ở và bà chuyển lên khu tái định cư tránh lũ sinh sống được 2 năm nay. Và trong đợt lũ lần này, gia đình con gái bà phải chuyển lên nhà của bà để sống tạm ít bữa. Đến nay, lũ rút gần xong thì gia đình con gái bà mới chuyển về để dọn dẹp, tiếp tục sinh sống. Còn bản thân bà ở một mình, thường ngày bà phải di chuyển vào trong gần làng để xin từng can nước xách về sinh hoạt tằn tiện.

Khu tái định cư tránh lũ của xã Phương Điền những ngày này trở nên “nhộn nhịp” hơn hẳn thường ngày. Những nóc nhà cấp 4 đã thấp thoáng có bóng dáng người ở. Đa phần trong số họ về chính ngôi nhà của mình đã xây dựng chỉ để tránh cho qua đợt lũ.

Còn thường ngày, thì họ phải sống ở chính mảnh đất ông cha để lại của mình để sản xuất, làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, dạo quanh một vòng khu tái định cư tránh lũ, những ngôi nhà liền kề vẫn cửa đóng then cài, cỏ cây rậm rạp, hoang vu, trống trải.

Khu tái định cư của xã Phương Điền.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền khẳng định, sau khi xây dựng xong khu tái định cư tránh lũ cho bà con trong xã, thì vấn đề khó khăn nhất là ở đó không có mạch nước ngầm. Vì vậy bà con cũng không thể đào giếng để lấy nước. Và không có nước, thì bà con cũng không thể sinh sống.

Hiện xã Phương Điền và nhiều địa phương khác của huyện Hương Khê cũng còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách, tài chính còn hạn hẹp nên trước mắt, cũng chưa có phương án để khắc phục. Trong đợt lũ lần 1, xã Phương Điền có 72 hộ bị ngập, trong đó có gia đình 34 hộ bị ngập trên 1 mét và bị cô lập trong 8 ngày. Còn trong đợt lũ lần 2, có 11 hộ bị ngập trên 1 mét.

Người dân khu tái định cư tránh lũ còn thiếu thốn nhiều thứ thiết yếu cho cuộc sống.

Cũng giống như bao hộ dân khác sống ở vùng lũ Hương Khê, cứ bước vào mùa mưa bão, hàng trăm con người ở xóm 12 xã Hà Linh (Hương Khê) lại nháo nhào tìm cách chạy lũ. Trước đây, 85/132 hộ dân trong xã đều sinh sống ở vùng thấp lụt nhất nên hễ có mưa lụt là nguy hiểm lại rình rập, thiệt hại triền miên, khó khăn, thiếu thốn đủ bề.

Thế nhưng, sau khi di dời lên khu tái định cư tránh lũ Cơn Ná, đời sống của người dân nơi đây đã có sự thay đổi tích cực. So với cuộc sống ở khu tái định cư tránh lũ của xã Phương Điền thì khu tái định cư tránh lũ ở xã Hà Linh có nhiều khởi sắc hơn và cuộc sống của họ ở vùng đất mới đang dần ổn định.

Nhiều căn nhà để hoang.

Tuy nhiên, cũng giống như xã Phương Điền, xã Hà Linh cũng còn gặp một số khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cần sớm được khắc phục để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bà con khu tái định cư tránh lũ Cơn Ná. Ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Linh thừa nhận: “Mặc dù bà con đã ổn định cuộc sống nhưng do hệ thống đường giao thông còn sơ sài, bà con đi lại hết sức vất vả”.

Trao đổi về vấn đề khó khăn ở các khu tái định cư tránh lũ trên địa bàn của huyện, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, khẳng định: “Khó khăn nhất là về kinh phí, nguồn lực. Người dân đã định cư, xây dựng nhà cửa ở vùng lũ nên khi lên vùng mới nếu không được hỗ trợ, người dân gặp rất nhiều khó khăn khi phải làm lại từ đầu. Trong quá trình đầu tư, do nguồn lực hạn hẹp nên hệ thống hạ tầng còn thiếu đồng bộ”.

Nhiều người dân xây nhà mới xong lại phải quay về nơi bị lụt mỗi khi lũ về.

Xây dựng các khu tái định cư tránh lũ ở huyện Hương Khê là một chủ chương đúng đắn, tạo được sự đồng lòng của chính quyền các cấp và nhân dân. Tuy nhiên, vùng lũ nơi đây đang rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt và lao động sản xuất của nhân dân, những người thường xuyên phải đối diện với lũ, với những khó khăn, vất vả và mất mát cả về tính mạng, tài sản hàng năm.

Cảnh Vũ - Trần Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/con-nhieu-kho-khan-o-cac-khu-tai-dinh-cu-tranh-lu-415800/