Ghi nhận gần 50 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành phố

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm. Hằng năm, trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm.

Chiều 30/9, thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố. PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm. Hằng năm, trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong.

Mới đây nhất, trong tháng 9/2016, tai Nghệ An đã có hai nạn nhân ở huyện Hưng Nguyên và Yên Thành (Nghệ An) bị chó dại cắn chết do chỉ tiêm phòng uốn ván, không tiêm văcxin phòng bệnh dại và điều trị bằng thuốc nam.
Trường hợp thứ nhất là cháu T. 7 tuổi ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An tử vong vì bệnh dại vào ngày 29/9. Được biết trước đó hơn một tháng, cháu T. bị chó cắn, con chó đã chết sau đó 4 ngày cắn. Gia đình đưa cháu đi tiêm nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không tiêm vắc xin phòng dại.

Đã có nhiều trường hợp tử vong vì chủ quan khi bị chó cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại

(Ảnh mang tính chất minh họa)

Đến ngày 26/9 cháu có biểu hiện đau bụng cấp, nôn mửa, ngứa toàn thân, sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió… Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ cấp cứu nhưng không qua khỏi.rường hợp thứ hai là chị H. 38 tuổi tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Yên, Nghệ An cũng tử vong vì chó dại cắn. Trước đó, vào tháng 7 chị H. bị chó dại cắn và có đến bệnh viện, nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván mà không tiêm vắc xin phòng dại. Con chó cắn chị sau đó đã chết. Đến ngày 27/9 chị được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu với các triệu chứng kích thích của bệnh dại như sốt, mệt mỏi, chảy nhiều dãi, không nuốt được nước bọt, sợ nước, sợ gió… và đã không qua khỏi.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ghi-nhan-gan-50-truong-hop-tu-vong-do-benh-dai-tai-20-tinh-thanh-pho-n123122.html